Gia đình

Cảnh giác với căn bệnh 'đeo bám' dân văn phòng, không điều trị kịp thời có thể gây bại liệt

Khi phải ngồi làm việc liên tục nhiều giờ cộng với thói quen ngồi làm việc sai tư thế của dân văn phòng sẽ trở thành nguyên nhân chính ảnh hưởng tới đốt sống cổ và gây ra tình trạng thoái hóa.

Nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ ở dân văn phòng

Khi phải ngồi làm việc trước máy tính nhiều giờ đồng hồ, đây được biết là một trong những nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ bị thoái hóa đốt sống cổ ở dân văn phòng.

Thực tế, quá trình thoái hóa cột sống được biết là quá trình tự nhiên và không thể tránh khỏi khi tuổi tác của con người tăng lên. Bệnh thoái hóa cột sống tiến triển một cách âm thầm và thường xảy ra ở các nhóm trung niên từ 40 đến 50 tuổi.

Cảnh giác với căn bệnh 'đeo bám' dân văn phòng, không điều trị kịp thời có thể gây bại liệt

Dấu hiệu của bệnh thoái hóa đốt sống cổ

Suy nhược cơ thể, yếu tay, chân

Thoái hóa đốt sống cổ ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh vận động ở tay do cột sống ở cổ bị chèn ép và sụn khớp bị thoái hóa. Vì vậy, một số người bị thoái hóa đốt sống cổ cảm thấy rất khó nhấc tay lên, hoặc khó cầm nắm đồ vật bằng tay, mất cảm giác nóng lạnh ở tay.

Các bài kiểm tra độ yếu của chân, tay là một trong những cách bác sĩ chẩn đoán bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Đôi khi người mắc bệnh thoái hoá đốt sống cổ còn có cảm giác yếu và nặng ở chân, gây khó khăn trong việc đi lại.

Đau, cứng cổ

Đau cổ đôi khi là triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ, nhưng cơn đau có mức độ khác nhau ở mỗi người. Các cơn đau có thể kéo dài từ gáy lan ra tai, cổ, ảnh hưởng tới tư thế đầu cổ, gây ra "tư thế vẹo cổ", tư thế sái cổ.

Ngoài ra, thoái hoá đốt sống cổ còn có thể gây cứng cổ. Một số người bệnh sẽ gặp tình trạng khó cúi đầu hoặc vặn cổ, cổ phát ra tiếng động khi cử động. Triệu chứng này có thể gây ảnh hưởng đến quá trình nghỉ ngơi và cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Đau đầu

Ngoài đau cổ, thoái hóa đốt sống cổ còn có thể gây ra tình trạng đau đầu. Cơn đau thường lan lên đầu, có thể gây nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay ở cả hai bên.

Dấu hiệu Lhermitte

Đây là dấu hiệu thường gặp ở người bệnh thoái hóa đốt sống cổ nặng. Khi đó, bệnh nhân có thể phải đối mặt với chứng thoái hóa đa xơ cứng rất nguy hiểm. Ở triệu chứng này, người bệnh sẽ có cảm giác một luồng điện chạy dọc từ cổ xuống cột sống, sau đó lan xuống tay, chân, thậm chí là các ngón tay, ngón chân. Dấu hiệu Lhermitte rõ ràng nhất khi người bệnh cúi cổ về phía trước.

Cảnh giác với căn bệnh 'đeo bám' dân văn phòng, không điều trị kịp thời có thể gây bại liệt - 1

Thoái hóa đốt sống cổ ở dân văn phòng có nguy hiểm không?

Tình trạng thoái hóa cột sống ở cổ có thể gây ra nhiều triệu chứng như đau cổ, bị cứng cổ hoặc gặp phải các khó khăn trong hoạt động xoay cổ.

Không những thế, nếu để kéo dài tình trạng bệnh tiến triển nặng, cơn đau còn có thể lan đến đỉnh đầu và gây ra cảm giác tê tay hoặc mất cảm giác ngón tay.

Do đó, nếu không nhận điều trị kịp thời thì có thể gây ra các biến chứng thoái hóa cột sống nguy hiểm như: yếu tứ chi, gây rối loạn thần kinh thực vật và thậm chí các trường hợp nặng còn có thể gây bại liệt.

Trong khi đó, đa số dân văn phòng trẻ tuổi đều khá lơ là trước việc chăm sóc sức khỏe cột sống. Chỉ đến khi xuất hiện các cơn đau, người bệnh mới bắt đầu lo lắng và tìm đến bác sĩ hoặc tự ý sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn vô cùng nguy hiểm.

Phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ co dân văn phòng bằng cách nào?

Vì thoái hóa đốt sống cổ là bệnh tương đối nguy hiểm, không chỉ gây ra đau ảnh hưởng đến cuộc sống, khả năng làm việc của dân văn phòng mà còn có thể để lại nhiều biến chứng nếu không kịp thời chữa trị.

Cảnh giác với căn bệnh 'đeo bám' dân văn phòng, không điều trị kịp thời có thể gây bại liệt - 2

Do đó, thực hiện các biện pháp phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ vô cùng cần thiết. Một vài biện pháp phòng ngừa như sau:

- Giữ thế ngồi đúng, ngồi thẳng lưng khi làm việc.

- Ghế và bàn làm việc cần có độ cao thích hợp.

- Không nên để màn hình máy tính ở quá cao hoặc quá thấp so với tầm mắt.

- Không làm việc thời gian dài liên tục, sau 1 đến 2 tiếng cần massage cổ, thực hiện các hoạt động khớp để tránh bị cứng khớp.

- Giữ tinh thần làm việc, tránh bị stress.

- Nên thường xuyên chuyển mình, tránh tình trạng vẹo cổ.

- Không làm việc quá sức.

- Không nên mang vác hoặc gánh nặng quá nhiều.

- Hạn chế sử dụng thuốc lá vì nicotin có trong thuốc lá làm ức chế khả năng hấp thu dinh dưỡng của xương, khớp.

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý.

- Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc.

Vì vậy, để phòng ngừa hiện tượng thoái hóa đốt sống cổ ở dân văn phòng hiệu quả, giảm nguy cơ tái phát cơn đau thì giới trẻ cần thay đổi một vài thói quen khi làm việc tại văn phòng và cần tự điều chỉnh tư thế làm việc phù hợp hằng ngày.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/canh-giac-voi-can-benh-deo-bam-dan-van-phong-khong-dieu-tri-kip-thoi-co-the-gay-bai-liet-tintuc819418