Gia đình

Chảy máu chân răng - Dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm

Nếu bạn thấy đột nhiên mình bị chảy máu chân răng đừng chủ quan bởi rất có thể đó là những căn bệnh nguy hiểm, nên đi khám nha khoa càng sớm càng tốt.

1. Viêm nướu răng

Viêm nướu răng là tình trạng viêm nhiễm ở nướu răng khi các mảng bám trên răng quá lâu. Các mảng bám trên răng có thể là do các mảnh vụn thức ăn hoặc do vi khuẩn bám trên răng.Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể ngăn ngừa sâu răng và các tổn thương ở răng. Tuy nhiên các mảng bám có thể tồn tại trên đường viêm nướu mà khi chải răng và dùng chỉ nha khoa không thể loại bỏ được.

Khi mảng bám không được loại bỏ đúng cách, có thể bám cứng vào răng, gây hình thành cao răng hoặc vôi răng. Điều này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu chân răng. Ngoài ra sự tích tụ các mảng bám có thể dẫn đến viêm nướu răng tiến triển, viêm nha chu và gây mất răng.

Chảy máu chân răng - Dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm

Các triệu chứng và dấu hiệu viêm nướu bao gồm:

- Sưng nướu răng bị ảnh hưởng

- Đau nhức bên trong miệng và sưng quanh lợi

- Chảy máu răng

2. Viêm nha chu

Nếu không được điều trị phù hợp, viêm nướu có thể dẫn đến viêm nha chu và các bệnh nha chu. Tình trạng này có thể gây tổn thương các mô xương nâng đỡ răng và gây mất răng.

Trong trường hợp viêm nha chu, nướu răng có thể bị viêm, nhiễm trùng và gây lộ chân răng. Ngoài ra, viêm nướu răng và bệnh nha chu có thể dẫn đến một số dấu hiệu nhận biết như:

- Chảy máu chân răng

- Răng bị lung lay hoặc tách rời

- Bị hôi miệng hoặc có mùi vị khó chịu trong miệng

- Thay đổi cách răng khớp với nhau khi cắn hoặc nhai

- Nướu sưng, đỏ hoặc mềm

Nếu không được điều trị phù hợp, bệnh nha chu có thể dẫn đến mất răng và một số rủi ro khác.

3. Bệnh tiểu đường

Chảy máu chân răng thường xuyên hoặc sưng nướu răng có thể là dấu hiệu cảnh báo của bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2.

Đối với bệnh nhân tiểu đường, khoang miệng không có khả năng chống lại vi trùng. Do đó, người bệnh dễ bị nhiễm trùng nướu răng và mắc các bệnh liên quan đến răng miệng. Bên cạnh đó, lượng đường trong máu cao ở người bệnh tiểu đường khiến cơ thể khó chữa lành hơn, điều này có thể khiến tình trạng chảy máu răng và các bệnh nướu răng trở nên nghiêm trọng hơn.

Chảy máu chân răng - Dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm - 1

4. Bệnh bạch cầu

Đôi khi chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu của bệnh bạch cầu, một loại ung thư.Các tiểu cầu trong máu có nhiệm vụ giúp cơ thể cầm máu. Tuy nhiên đối với người bệnh bạch cầu, số lượng tiểu cầu thấp có thể dẫn đến chảy máu và khó cầm máu ở một số bộ phận, bao gồm nướu và chân răng. Bệnh bạch cầu là một bệnh ung thư máu do sự gia tăng số lượng tế bào bạch cầu trong cơ thể bạn. Các triệu chứng bao gồm:

Suy nhược cơ thể và mệt mỏi quá mức

Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu

Sốt hoặc ớn lạnh

Nhiễm trùng hoặc dễ tái phát nhiễm trùng

Đau xương hoặc đau khớp

Đau đầu

Nôn mửa

Giảm cân

Đổ mồ hôi đêm

Sưng các hạch bạch huyết

Bệnh bạch cầu cần được điều trị sớm để cải thiện các triệu chứng, hạn chế mức độ lây lan và nâng cao sức khỏe tổng thể. Do đó, người bệnh chảy máu chân răng thường xuyên hoặc có dấu hiệu bệnh bạch cầu nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

5. Thiếu vitamin

Thiếu hụt vitamin, đặc biệt là vitamin C và vitamin K cũng có thể khiến chân răng dễ bị chảy máu.Vitamin C giúp các mô phát triển và chữa lành các tổn thương đồng thời củng cố xương và răng. Nếu cơ thể không có đủ vitamin C, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi và dễ nổi giận.

Theo thời gian, người bệnh cũng có thể bị sưng và chảy máu chân răng.Vitamin K giúp máu đông đúng cách và tốt cho xương. Nếu cơ thể thiếu hụt vitamin K, người bệnh có thể gặp các vấn đề về chảy máu, bao gồm chảy máu chân răng.

Nếu nghi ngờ thiếu hụt vitamin, người bệnh nên đến bệnh viện để được kiểm tra để xác định và có biện pháp xử lý phù hợp. Ngoài ra, người thường xuyên chảy máu chân răng nên tuân thủ một chế độ ăn uống đầy đủ chất để đảm bảo lượng vitamin cần thiết để duy trì sức khỏe.

Chảy máu chân răng - Dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm - 2

6. Bệnh máu khó đông

Những người bị chảy máu chân răng hoặc chảy máu nhiều khi bị một vết cắt nhỏ ở răng, điều này có thể là dấu hiệu của bệnh rối loạn chảy máu, chẳng hạn như bệnh máu khó đông.

Bệnh máu khó đông là một rối loạn di truyền dẫn đến tình trạng chảy máu bất thường. Đối với trường hợp nhẹ, người bệnh có thể thực hiện các thủ thuật nha khoa để cải thiện vấn đề chảy máu. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc hoặc các yếu tố đông máu để ngăn ngừa các rủi ro không mong muốn.

Làm gì khi bị chảy máu chân răng

- Bạn có thể súc miệng thêm nước muối sinh lý hoặc các nước súc miệng trị viêm nướu, bổ sung thêm Vitamin C để nướu được khỏe mạnh hơn.

- Về vấn đề vệ sinh răng miệng hàng ngày, bạn nên chải răng ngay sau bữa ăn (trong khoảng 1 tiếng sau). Bạn nên lựa chọn loại bàn chải có phần lông thật mềm và chải răng nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương nướu cũng như gây mòn răng.

- Đồng thời, bạn nên kết hợp sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch vùng kẽ răng thay vì dùng tăm.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/chay-mau-chan-rang-dau-hieu-canh-bao-nhieu-benh-nguy-hiem-a359095.html