Gia đình

Những thực phẩm 'đại kỵ' khi uống thuốc: Nhẹ làm giảm tác dụng của thuốc nặng sinh ra độc tố, gây xuất huyết dạ dày

Khi bị bệnh phải uống thuốc, nhiều người vẫn giữ thói quen ăn loại thực phẩm ưa thích, tuy nhiên chúng có thể làm giảm tác dụng của thuốc thậm chí còn sinh ra các độc tố và tác dụng phụ không mong muốn.

Thuốc ho kỵ quả họ cam, quýt

Chanh, bưởi, cam, quýt, quất không nên ăn khi đang dùng thuốc ho. Bởi lẽ chúng có thể chặn một enzyme vốn có khả năng phá vỡ statins và các loại thuốc khác, bao gồm dextromethorphan chữa ho, khiến sau khi sử dụng thuốc sẽ tích tụ trong máu của bạn, làm tăng nguy cơ bị phản ứng phụ.

Những thực phẩm 'đại kỵ' khi uống thuốc: Nhẹ làm giảm tác dụng của thuốc nặng sinh ra độc tố, gây xuất huyết dạ dày
Ảnh minh họa: Internet

Kết hợp dextromethorphan với các loại quả họ cam quýt sẽ khiến bạn bị ảo giác và buồn ngủ; còn với statin, bạn có thể bị tổn thương cơ nghiêm trọng. Ảnh hưởng của các loại quả họ cam, quýt với thuốc có thể kéo dài trong một ngày hoặc lâu hơn, vì vậy tốt nhất không ăn các loại trái cây này khi đang sử dụng statins hay dextromethorphan.

Kháng sinh kỵ sữa, sinh tố trái cây

Trước và sau khi uống kháng sinh 2 tiếng không nên uống sữa hoặc sinh tố vì sữa làm giảm hoạt tính kháng sinh khiến thuốc không phát huy tác dụng tối đa, còn chất AHA có trong sinh tố (đặc biệt là sinh tố hoa quả tươi) đẩy nhanh tốc độ kháng sinh hòa tan, không những làm giảm hiệu quả thuốc mà còn có thể sinh ra những chất có hại gây ra tác dụng phụ.

Thuốc chữa dạ dày kỵ kẹo ngọt

Vị đắng trong thuốc dạ dày kích thích tuyến nước bọt, dịch vị dạ dày hỗ trợ tiêu hóa, kích thích ăn uống. Kẹo ngọt vừa làm giảm hiệu quả thuốc vừa sinh ra phản ứng khi gặp các thành phần có trong thuốc dạ dày làm giảm hàm lượng chất có lợi trong thuốc.

Thuốc aspirin kỵ bia rượu, sinh tố trái cây

Bia rượu uống vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde thông qua quá trình ôxy hóa, sau đó tiếp tục chuyển hóa thành axit axetic. Aspirin lại cản trở quá trình chuyển hóa acetaldehyde thành axit axetic khiến acetaldehyde tích tụ trong cơ thể gây nóng trong người và cảm giác đau nhức toàn thân, tổn thương gan. Sinh tố trái cây làm tăng kích thích của aspirin lên dạ dày gây xuất huyết dạ dày.

Uống berberine kỵ trà

Trà chứa 10% tannin, chất này khi vào trong cơ thể sẽ phân giải thành tannin axit. Axit này làm lắng đọng alkaloids có trong berberine, vì thế làm giảm hiệu quả của thuốc. Do vậy các chuyên gia khuyên không nên uống trà trong vòng 2 tiếng trước và sau khi uống berberine.

Những thực phẩm 'đại kỵ' khi uống thuốc: Nhẹ làm giảm tác dụng của thuốc nặng sinh ra độc tố, gây xuất huyết dạ dày - 1
Ảnh minh họa: Internet

Uống canxi kỵ rau chân vịt sống

Loại rau này chứa hàm lượng lớn potassium oxalate, sau khi ăn vào cơ thể sẽ điện giải thành ion oxalate làm lắng đọng canxi. Như thế không những gây trở ngại đến quá trình hấp thụ canxi của cơ thể mà còn khiến canxi oxalate kết tủa. Chuyên gia khuyên mọi người không nên ăn rau chân vịt trước và sau khi uống thuốc chứa canxi 2 tiếng, hoặc chỉ ăn rau chân vịt khi đã đun chín.

Thuốc đau đầu kỵ đồ uống chứa cồn

Về bản chất tất cả các loại đồ uống có cồn là không tốt, nhưng đặc biệt nếu chúng ta sử dụng chúng cùng với thuốc thì còn cực kì nguy hiểm hơn. Với những người đang dùng thuốc điều trị đau đầu, các bệnh tâm lý thì việc kết hợp đó sẽ khiến gây nên sẽ cảm giác buồn ngủ, người lừ đừ, mệt mỏi, không thể tập trung cho công việc và học tập mỗi ngày.

Những sai lầm thường gặp khi uống thuốc

Bỏ thuốc

Có rất nhiều lý do dẫn đến việc người bệnh bỏ thuốc điều trị. Nhưng người bệnh cần nhớ rằng, việc bỏ thuốc khiến bệnh không thể được điều trị hoặc điều trị dứt điểm mà có thể nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh. Ví dụ, bỏ thuốc điều trị tăng huyết áp có thể khiến huyết áp tăng đột ngột và dễ dẫn đến các tai biến nguy hiểm như đau tim, đột quỵ...

Giải pháp: Bất kể một bệnh nào khi đã khám và được kê đơn thuốc, người bệnh nên tuân thủ chỉ định uống thuốc của bác sĩ. Trong trường hợp nếu chi phí cho loại thuốc bạn được kê quá đắt đỏ, nên trao đổi với bác sĩ để có thể đổi loại thuốc khác với giá rẻ hơn.

Chia nhỏ thuốc

Không phải tất cả các viên thuốc đều có thể chia nhỏ được. Viên thuốc có thể chia nhỏ khi có vạch ngay trên mặt của viên thuốc. Việc chia nhỏ viên thuốc mà không có chỉ dẫn có thể dẫn đến việc người bệnh không nhận được đủ liều lượng (không trị được bệnh) hoặc quá liều (gây độc)...

Giải pháp: Nếu được hướng dẫn chia nhỏ các viên thuốc nhưng thuốc lại không có vạch chia, hãy thông báo ngay cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể hoặc đổi thuốc khác.

Không uống thuốc hết đơn

Khi bệnh thuyên giảm, không còn triệu chứng, nhiều bệnh nhân tự bỏ thuốc, không uống hết đơn thuốc, nhất là thuốc kháng sinh. Điều này có thể khiến vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hẳn và các triệu chứng của bệnh có thể quay trở lại, thậm chí có thể trầm trọng hơn.

Chưa kể đến việc ngừng dùng thuốc kháng sinh sớm có thể là nguyên nhân khiến một số vi khuẩn phát triển tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Giải pháp: Uống hết toàn bộ liều thuốc kháng sinh được kê đơn. Cần trao đổi với bác sĩ xem cần dùng thuốc thế nào và trong thời gian bao lâu.

Những thực phẩm 'đại kỵ' khi uống thuốc: Nhẹ làm giảm tác dụng của thuốc nặng sinh ra độc tố, gây xuất huyết dạ dày - 2
Ảnh minh họa: Internet

Tăng gấp đôi liều lượng

Nếu quên một liều, không nên hoảng sợ và tuyệt đối không được dùng tăng gấp đôi liều khi nhớ ra. Điều này có thể dẫn đến tác dụng phụ bất lợi. Ví dụ, tăng gấp đôi liều thuốc chẹn beta có thể khiến huyết áp giảm xuống quá thấp, nguy hiểm cho người bệnh.

Giải pháp: Bạn có thể dùng liều đã quên ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần đến thời gian dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và chỉ dùng liều tiếp theo vào thời gian đã định.

Dùng thuốc của người khác

Thuốc được kê cho từng trường hợp cụ thể với tình trạng bệnh, độ tuổi và cân nặng khác nhau... Do đó, đơn thuốc của người này không thể áp dụng cho người khác, bởi thuốc có thể không phù hợp với cơ địa và có thể gây những tác dụng không mong muốn nguy hiểm.

Giải pháp: Tốt nhất khi bị bệnh, bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế tin cậy để được bác sĩ chẩn đoán và chỉ định dùng thuốc phù hợp.

Quên uống thuốc

Tuân thủ dùng thuốc cũng là một cách để bệnh của bạn nhanh khỏi hơn. Tuy nhiên, quên dùng thuốc trở thành một thói quen có thể là một vấn đề khiến cho việc điều trị cũng như sức khỏe của người bệnh gặp nguy hiểm.

Giải pháp: Nên có người thân, hoặc người chăm sóc bên cạnh để nhắc uống thuốc hoặc dùng bao bì tiện lợi, có dán nhãn ngày và giờ cần dùng thuốc trong ngày.

Ngừng hoặc không dùng thuốc vì tác dụng phụ

Nhiều người bệnh đã tự ý ngừng dùng thuốc khi gặp phải hoặc đọc được danh sách các tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, việc tự ý ngừng dùng thuốc có thể khiến bệnh không được chữa khỏi mà còn có thể gây tác dụng phụ cho cơ thể. Ví dụ như thuốc trầm cảm mà dừng thuốc đột ngột có thể gây các triệu chứng cai nghiêm trọng.

Giải pháp: Cần trao đổi với bác sĩ về các tác dụng của thuốc trước khi sử dụng. Các bác sĩ sẽ có hướng xử trí để làm giảm các tác dụng phụ hoặc có thể kê một loại thuốc khác...

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-thuc-pham-ai-ky-khi-uong-thuoc-nhe-lam-giam-tac-dung-cua-thuoc-nang-sinh-ra-oc-to-gay-xuat-huyet-da-day-a363592.html