Kinh tế

Ai mua cau non ở miền Tây?

Người dân cho biết cau non sẽ được thu mua và bán lại cho thương nhân Trung Quốc. Tuy nhiên, những người trực tiếp gom cau tại các vườn lại là dân địa phương.

Người dân cho biết cau non sẽ được thu mua và bán lại cho thương nhân Trung Quốc. Tuy nhiên, những người trực tiếp gom cau tại các vườn lại là dân địa phương.

Nhiều người khẳng định, thương lái về tận vườn thu gom cau non là để bán lại cho thương nhân Trung Quốc. Tuy nhiên, ở các điểm thu mua, không bao giờ thấy bóng dáng người Trung Quốc. Một chủ vựa cho hay, những người này chủ yếu mua thông qua đặt hàng bằng điện thoại với đầu mối ở địa phương.

Anh Võ Châu Sơn, chuyên mua bán trái cây và cau hơn 20 năm ở chợ Phong Điền, cho biết, chưa bao giờ anh thấy cách mua bán kỳ lạ như trên.  "Cũng nghe nói thương lái Trung Quốc mua cau non, nhưng giáp mặt tôi chỉ thấy những người đến từ TP HCM", anh Sơn nói.

Cũng theo anh, những người này đặt hàng, sau đó chở cau ra các tỉnh phía Bắc. Họ cũng không tiết lộ mục đích thu mua cau non. Ngoại trừ cau cảnh, các giống thông thường như cau ớt, hòn, vú bò... đều được thu gom hết. Giá mỗi kg loại 50-60 quả/kg khoảng 30.000 đồng. Tiền hàng sẽ được ứng cho người dân theo từng đợt, khoảng 5-10 triệu đồng một ngày.
 

Hiện tại huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) có 4 vựa thu mua cau non bán cho thương lái Trung Quốc mỗi ngày trên 500 kg. Ảnh: Ngọc Trinh.


Không rõ mục đích thu mua của các thương lái, song theo anh Sơn, nhờ việc mua bán diễn ra rầm rộ mà nhiều thanh niên trong xã có việc làm. Từ sáng, các lái cau tỏa ra mua ở khắp các các quận, huyện lân cận như Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai (Cần Thơ), đến cả các huyện Châu Thành, Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Kiên Giang và An Giang. Những người này đi từ sáng tới chiều, gom 15-25 kg cau non một người. Mỗi vựa một ngày thu mua bình quân trên 1 tạ cau.

Giá cả buồng tính ở vựa là 24.000-34.000 đồng/kg. Còn nếu thu mua tại vườn, thương lái chỉ trả 15.000-20.000 đồng/kg. Sau đó, các chủ vựa sẽ thuê nhân công sơ chế cau với tiền công 2.000 đồng/kg. Việc sơ chế này gồm các công đoạn cắt từng quả ra khỏi buồng sao cho mỗi quả còn dính phần cuống dài 20 cm. Ngoài ra, vựa còn chịu chi phí đóng thùng và vận chuyển.

Với loại đẹp, nhà vườn đang bán 4.000 đồng/kg (khoảng 12-13 quả), rẻ hơn 4 lần so với cau non. Tuy nhiên, những ngày qua, có lẽ do tác động “ăn theo” cau non nên giá bán loại trái này tăng lên 40.000 đồng một chùm 16 quả.

Theo ngành chức năng, việc bán cau non rầm rộ hiện nay tuy không gây hại, nhưng trong thời gian ngắn sẽ không còn loại quả này. Lo ngại nhất là hiện nay, người dân và chính quyền vẫn không thể xác định thương lái mua cau non làm gì. Ảnh: Ngọc Trinh.


Ông Vũ Bá Quan, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách (Sóc Trăng), cho rằng, trước đây, thương lái từng về địa phương thu mua cau, nhưng chỉ chọn quả già tách lấy hạt sấy khô. Nhưng một tuần qua, vựa trái cây ở địa phương lại mua cau non với giá 30.000-40.000 đồng/kg.

"Cau không phải là cây trồng chủ lực, không trồng tập trung, và cũng không mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Hiện nay chỉ có một số nhà vườn còn trồng rải rác theo bờ rào hay dọc đường đi trong thôn xóm. Nếu bà con thu hoạch trái non cũng không gây hại gì", ông Quan nhận định.

Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cũng cho rằng, cau là cây trồng phụ, nên trước mắt bán cau non được giá, nhà vườn sẽ có lợi.
 
>> Ồ ạt thu gom cau non bán sang Trung Quốc
 
Theo N.Trinh-N.Mai (Zing.vn)