Kinh tế

Chợ cây nêu ngày Tết tấp nập kẻ bán, người mua

Chợ cây nêu ở Quảng Bình đã trở thành truyền thống mỗi năm chỉ họp từ ngày 25 tháng Chạp cho đến trưa 30 Tết, năm nay mỗi cây nêu có giá từ 200.000 – 250.000 đồng, cao hơn năm ngoái.

Phong tục trồng cây nêu ngày Tết cổ truyền đã có từ xưa, hiện vẫn được người dân một số địa phương ở tỉnh Quảng Bình duy trì. Những ngày giáp Tết, người dân đi tìm những cây tre cao, đẹp, thẳng tắp đem về bán làm cây nêu. Loại cây này được thương lái đưa về bán tập trung ở một khu vực, hình thành chợ nêu ngày Tết đẹp, tấp nập kẻ bán, người mua.

Những ngày giáp Tết Quý Mão, tại trục đường trung tâm ở thôn Thanh Vinh, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nhiều thương lái đưa cây tre bày bán để người dân chọn mua về làm cây nêu ngày Tết. Ông Lê Tiến Dụng, ở thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch cũng đem tre ra chợ nêu để bán.

Chợ cây nêu ngày Tết tấp nập kẻ bán, người mua
Người mua nêu sẽ chọn cây tre khoảng 1,5 tuổi, thân cây thẳng hoặc cong theo một hướng, cao trên 6m.

Để có cây tre đẹp, ông phải đi khắp các vùng đồi núi trong tỉnh tìm mua đem về bán kiếm lời. Người mua nêu sẽ chọn cây tre khoảng 1,5 tuổi, thân cây thẳng hoặc cong theo một hướng, bổ xuống theo chiều lưỡi câu, tre còn nguyên ngọn và cao trên 6m. Ông Lê Tiến Dụng cho biết, năm nay ông bán tre giá 200.000 - 250.000 đồng mỗi cây, được giá hơn năm ngoái.

“Người dân ở đây có nhu cầu mua tre về làm cây nêu ngày Tết. Lúc này mình có thời gian nhàn rỗi nên đi thu gom tre về bán kiếm thêm, không phải nghề chính. Muốn có tre đẹp phải tranh thủ đi hỏi nhiều nơi, chỗ nào có tre đẹp mới mua về bán. Nghề này mang tính thời vụ, gần sát Tết mới làm”, ông Dụng chia sẻ.

Chợ cây nêu ngày Tết tấp nập kẻ bán, người mua - 1
Những cây tre đẹp được các thương lái đem về bán dịp Tết cho người dân mua về trồng cây nêu.

Để tìm được cây tre ưng ý làm cây nêu, ông Lê Công Hán ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã ra chợ nêu từ rất sớm, khi tre vừa mới được thương lái chở về. Sau khoảng 30 phút tìm kiếm, ông Hán cũng chọn được cây tre thẳng tắp, ngọn lá sum suê. Ông Hán giải thích, dựng cây nêu vừa là truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, vừa cầu mong năm mới an lành, hạnh phúc, sung túc cả năm.

“Tục trồng nêu có từ thời xưa, vừa mang tính tâm linh và cũng mang vẻ đẹp riêng của quê hương. Năm nào bà con ở đây cũng dựng nêu vào ngày 30 Tết, cũng là ngày làm cơm cúng mời ông bà tổ tiên về và ở lại ăn Tết”, ông Hán hân hoan.

Chợ cây nêu ngày Tết tấp nập kẻ bán, người mua - 2
Cây tre được rọc mắt cẩn thận trước khi trồng thành cây nêu.

Hàng năm, ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình với 3.100 hộ dân đã có đến 90% số hộ đều dựng nêu ngày Tết. Đây là một phong tục truyền thống độc đáo của người dân vùng biển này. Tết đến, nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc trên cây nêu, cờ đỏ bay phấp phới rợp cả một vùng trời rất đẹp. Ông Nguyễn Xuân Thu, Trưởng thôn Thanh Vinh, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, phong tục dựng nêu ngày Tết có từ lâu đời, nay ông và con cháu kế tục.

“Bà con làm thủ tục thắp hương vào cây nêu, đúng vào giờ Ngọ của ngày 30 tháng Chạp sẽ dựng nêu lên, đưa lá cờ Tổ quốc lên trên ngọn nêu thể hiện Tổ quốc là trên hết, các gia đình đều hướng về Tổ quốc. Phong tục tập quán của cha ông xưa để lại, tất cả mọi nhà đều dựng nêu, mang ý nghĩa đẩy đuổi những cái xấu, qua năm mới đón Tết vui vẻ”, ông Thu vui vẻ.

Chợ cây nêu ngày Tết tấp nập kẻ bán, người mua - 3
Người dân tìm mua cây nêu thẳng, đẹp.

Chợ cây nêu ở Quảng Bình mỗi năm chỉ họp từ ngày 25 tháng Chạp cho đến trưa 30 Tết. Tục trồng cây nêu trở thành một hình ảnh quen thuộc trong nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân miền biển Quảng Bình vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.

Theo Thanh Hiếu (Vov.vn)




https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/cho-cay-neu-ngay-tet-tap-nap-ke-ban-nguoi-mua-post997262.vov