Kinh tế

'Choáng' với chế tài xử phạt hành vi thao túng thị trường chứng khoán của thế giới

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán, khi bị phát hiện, pháp luật các nước đã xử rất nặng tội danh này.

Cụm từ "thao túng thị trường chứng khoán" trở thành xu hướng chính trên công cụ tìm kiếm Google sau thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, khi đương chức Chủ tịch Tập đoàn FLC, vì có hành vi cấu thành tội danh này, được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, Điều 211 bộ luật trên quy định, cá nhân thực hiện một trong các hành vi thao túng thị trường chứng khoán thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 đến dưới 3 tỷ đồng thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội có tổ chức, thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 2-4 tỷ đồng đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm. Đồng nghĩa, mức tối đa cho loại tội phạm này là 7 năm.

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán hoặc thao túng thị trường cũng được quy định trong pháp luật của một số nước.

Những vụ thao túng thị trường chứng khoán gây chú ý trên thế giới

Tuần trước, theo tờ Nikkei Asia, công ty chứng khoán lớn của Nhật Bản là Công ty chứng khoán SMBC Nikko Securities bị cáo buộc có các hành vi lũng đoạn thị trường. Ông Toshihiro Sato - Phó chủ tịch của công ty - đã bị bắt tạm giam, 5 lãnh đạo cấp cao khác cũng bị truy tố. Luật pháp của Nhật Bản cho phép phạt cả cá nhân và tập đoàn về hành vi này. Nếu bị phát hiện phải chịu trách nhiệm hình sự, công ty sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 700 triệu yen (khoảng 5,77 triệu USD).

'Choáng' với chế tài xử phạt hành vi thao túng thị trường chứng khoán của thế giới
SMBC Nikko bị cáo buộc thao túng giá thông qua việc đặt lượng lớn lệnh mua ngay trước khi thị trường đóng cửa.(Nguồn: Reuters)

Trước đó, tháng 9.2021, Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) buộc tội 3 công ty của tỉ phú Trung Quốc Quách Văn Quý là GTV Media Group, Saraca Media Group và Voice of Guo Media tội chào bán trái phép chứng khoán và tài sản kỹ thuật số cho hàng nghìn nhà đầu tư. Ba công ty đã đồng ý trả 539 triệu USD để giải quyết các cáo buộc của SEC.

Năm 2001, nữ doanh nhân Martha Stewart đã bán toàn bộ cổ phần tại công ty sinh học ImClone, tránh khoản lỗ 46.000 USD, ông Sam Waksal - Giám đốc điều hành công ty - cũng bán vội số cổ phiếu trị giá 5 triệu USD trước khi công ty công bố thông tin Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ không phê duyệt sản phẩm chính thức của công ty này. Sau 2 ngày công bố thông tin, giá cổ phiếu của ImClone lao dốc 16%. Kết quả, ông Waksal bị kết án 87 tháng tù giam và phạt 3 triệu USD. Còn bà Stewart nhận án phạt 10 tháng tù giam và bị phạt 30.000 USD.

Cách đây gần 4 năm, năm 2018, SEC đã phạt nặng tỉ phú Elon Musk, ông chủ hãng xe điện nổi tiếng Tesla, và yêu cầu từ bỏ vị trí chủ tịch Tesla do ông này đăng tải lên Twitter nội dung ngụ ý mua lại toàn bộ cổ phiếu và biến Tesla thành một công ty tư nhân với giá 420 USD/cổ phiếu. SEC đã cáo buộc động thái của tỉ phú Musk là đưa ra tuyên bố “sai sự thật và gây hiểu lầm”. Ngoài bị phạt 20 triệu USD, Musk còn bị buộc từ chức Chủ tịch Tesla và không được đảm nhận vị trí này trong 3 năm, dù vẫn giữ vị trí tổng giám đốc điều hành. Cùng với đó là một thỏa thuận kiểm soát việc ông viết trên mạng xã hội các thông tin liên quan Tesla.

Chế tài xử phạt hành vi thao túng thị trường của thế giới

Mỹ phạt tù đến 20 năm: Thao túng thị trường theo định nghĩa của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) là khi ai đó tác động giả đến cung hoặc cầu đối với một mã chứng khoán (ví dụ: làm cho giá cổ phiếu tăng hoặc giảm đột ngột).

Thao túng thị trường có thể liên quan đến các kỹ thuật bao gồm: Truyền bá thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm về công ty; Tham gia vào một loạt các giao dịch để làm cho một chứng khoán có vẻ được giao dịch tích cực hơn và Định giá hoặc giao dịch để cho nó có vẻ có nhiều hoặc ít nhu cầu hơn so bản chất.

Luật Chứng khoán và các quy tắc liên quan của SEC nghiêm cấm hành vi gian lận trong việc mua và bán chứng khoán. Luật Mỹ xem việc thao túng giá chứng khoán là bất hợp pháp.

Đạo luật Chứng khoán 1934 có một loạt diễn giải về các hình phạt có thể được áp dụng đối với các hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Xét thấy vi phạm, bất kỳ ai cũng có thể chịu mức án tù tối đa là 20 năm và tiền phạt lên đến 5 triệu USD (hơn 114 tỷ đồng).

Nhật Bản phạt tù đến 10 năm: Tại Nhật Bản, hình phạt tối đa đối với một công ty về hành vi thao túng thị trường là 700 triệu yên (hơn 130 tỉ đồng). Mức phạt tù cá nhân có thể lên đến 10 năm, phạt tiền hơn 80.000 USD (khoảng 1,82 tỉ đồng).

'Choáng' với chế tài xử phạt hành vi thao túng thị trường chứng khoán của thế giới - 1
Nhiều nước có quy định xử phạt nặng đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán (Ảnh: Shutterstock).

Singapore phạt tù đến 7 năm: Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) có khái niệm về thao túng giá chứng khoán, hành vi này có thể được thúc đẩy bởi những mục đích khác nhau, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc những người tham gia thị trường có động cơ duy trì giá cổ phiếu; các công ty sử dụng giá cổ phiếu của họ làm tham chiếu cho các hành động sắp xảy ra. Và các nhà quản lý quỹ có động cơ để chứng minh hoạt động tích cực của quỹ.

SGX phát hiện các hoạt động thao túng thị trường có thể xảy ra thông qua đội ngũ các nhà phân tích, được hỗ trợ bởi hệ thống giám sát tiên tiến. Hệ thống này tạo ra trung bình 120 cảnh báo mỗi ngày hoặc hơn 2.400 cảnh báo mỗi tháng (trong năm 2014). Mỗi cảnh báo được đánh giá và xem xét các ứng xử phù hợp.

SGX không có quyền "tương đương với cảnh sát" để gọi hồ sơ hoặc phỏng vấn các nghi phạm trong các hoạt động điều tra của mình. Thay vào đó, SGX sẽ xem xét hoạt động giao dịch để xác định bất kỳ hành vi giao dịch đáng ngờ nào. Sở này sẽ giao vụ việc cho các cơ quan theo luật định như Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) và Bộ Thương mại (CAD). Cả MAS và CAD đều có quyền thi hành luật chống lại những người thao túng giá cổ phiếu.

Bất kỳ ai bị kết tội giao dịch sai hoặc thao túng cổ phiếu, sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 7 năm hoặc phạt tiền tối đa là 250.000 SGD (4,2 tỷ đồng) hoặc cả hai, theo Đạo luật Chứng khoán và Hợp đồng tương lai (SFA).

Ngoài ra, một người có trách nhiệm bị phát hiện giao dịch gian dối có thể bị xử lý dân sự bằng mức phạt không quá ba lần lợi nhuận thu được hoặc giảm được với mức tối thiểu là 50 nghìn SGD (hơn 840 triệu đồng) đối với cá nhân hoặc 100.000 SGD (gần 1,7 tỷ đồng) đối với doanh nghiệp.

Đức bị phạt tù đến 5 năm: Tại Đức, thao túng thị trường chứng khoán được xem là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Theo hướng dẫn trên Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang (Cộng hòa Liên bang Đức), người có trách nhiệm có hành vi cố ý thực hiện hành vi thao túng thị trường đã được xem là vi phạm.

Theo đó, luật tại Đức xét đến ý định có điều kiện, có nghĩa người có trách nhiệm tin rằng có thể thực hiện hành vi bị cấm và hoàn thành hành vi phạm tội và chấp thuận.

Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội đã từ chức để hoàn thành hành vi phạm tội có thể xảy ra, ngay cả khi người đó không hoan nghênh việc đó thì vẫn được xem là có tội. Người chịu trách nhiệm biết nhưng vẫn chấp thuận đưa ra các tuyên bố sai lệch hoặc gây hiểu lầm hoặc gửi các tín hiệu sai lệch hoặc gây hiểu lầm và tin rằng hậu quả có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến giá cả.

Đặc biệt, nếu hành vi cố ý thao túng không dẫn đến bất kỳ ảnh hưởng thực tế nào đến giá giao dịch chứng khoán thì vẫn có thể xử lý vi phạm hình sự dưới hình thức cố gắng thao túng thị trường. Các trường hợp cố ý thao túng gây ảnh hưởng thực tế đến thị trường chứng khoán hoặc thị giá có thể bị phạt tù đến 5 năm hoặc phạt tiền (theo Luật Kinh doanh Chứng khoán).

Nếu người thực hiện hành vi phạm tội ở quy mô thương mại hoặc tội phạm có tổ chức, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, như đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đầu tư, thì tội thao túng thị trường bị phạt tù từ 1-10 năm. Trong những trường hợp ít nghiêm trọng hơn, phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Malaysia phạt tù 10 năm và phạt tiền hơn 1 triệu ringgit (hơn 5,4 tỉ đồng).

Trung Quốc từng phạt một công ty logistics số tiền kỷ lục 5,5 tỉ nhân dân tệ (gần 20.000 tỉ đồng) đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/choang-voi-che-tai-xu-phat-hanh-vi-thao-tung-thi-truong-chung-khoan-cua-the-gioi-tintuc816715