Kinh tế

Dày đặc cảng biển, khu kinh tế, tại sao miền Trung vẫn nghèo?

Các tỉnh miền Trung đang đối diện nguy cơ “cạnh tranh rồi kéo nhau xuống đáy". Muốn phát triển, lãnh đạo các tỉnh thành phải hóa giải những xung đột về lợi ích cục bộ.

Các tỉnh miền Trung đang đối diện nguy cơ “cạnh tranh rồi kéo nhau xuống đáy". Muốn phát triển, lãnh đạo các tỉnh thành phải hóa giải những xung đột về lợi ích cục bộ.

'Tỉnh nào cũng có cảng biển, cảng nào cũng tốt nên không nhường nhau'

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dẫn chứng với đường bờ biển dài hơn 1.200 km và 13 cảng biển (trong đó có 7 cảng biển loại 1), Duyên hải miền Trung có những lợi thế mà ở nơi khác không có. 

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cảnh báo nếu các địa phương không biết phát huy, lợi thế đó trở thành yếu tố kìm hãm sự phát triển.

"Cuộc cạnh tranh phát triển cảng biển đang diễn ra quyết liệt giữa các tỉnh duyên hải miền Trung là minh chứng điển hình của nghịch lý phát triển này", TS. Trần Đình Thiên khẳng định.

Day dac cang bien, khu kinh te, tai sao mien Trung van ngheo? hinh anh 1

Tàu trọng tải lớn bơm dầu thô ở phao số 0, vịnh Việt Thanh qua hệ thống ống ngầm xuyên biển vào nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).  Ảnh: Minh Hoàng.

Ông Thiên nói cảng Chân Mây (ở Huế), cảng Đà Nẵng và Kỳ Hà, Dung Quất (Quảng Ngãi), xa hơn là cảng Quy Nhơn và Nha Trang - cảng nào cũng tốt. "Vì thế, các tỉnh không 'nhường nhau' trong nỗ lực phát triển", ông Thiên nói.

Vị này cho rằng vì lợi ích cục bộ nên mỗi tỉnh đều muốn phát triển tối đa lợi thế cảng biển của mình, không quan tâm đến sự phát triển của các cảng ở những địa phương xung quanh.

"Tình thế 'hai con dê cùng qua một cây cầu' đang kiềm hãm sự phát triển của các tỉnh ở khu vực này", ông Thiên nhận định.

Dày đặc khu kinh tế ven biển

Ngoài cảng biển thì một lợi thế khác cũng cần kể đến là toàn vùng có 6 khu kinh tế ven biển, diện tích quy hoạch 152.000 ha, tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch, lọc hóa dầu. Nhưng theo nhận định, các khu kinh tế trên chưa được khai thác đáng kể. 

Lý do là dù dày đặc các khu kinh tế ven biển và khu công nghiệp, các tỉnh miền Trung chưa có “hậu phương công nghiệp” mạnh. Hậu phương công nghiệp và hạ tầng kém phát triển khiến khu vực đang đối diện nguy cơ "cạnh tranh rồi kéo nhau xuống đáy". Minh chứng là vùng này đang luẩn quẩn có tiềm năng nhưng chưa phát triển như kỳ vọng.

Day dac cang bien, khu kinh te, tai sao mien Trung van ngheo? hinh anh 2

Từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, tỉnh nào cũng đầu tư cảng biển. Trong ảnh: Tàu trọng tải lớn tiếp nhận hàng hóa ở cảng Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Minh Hoàng.

TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, nói rằng mô hình khu kinh tế ven biển kể từ đầu thập niên 2000 chưa đạt nhiều kết quả.

Theo ông Du, với quyết tâm nửa vời và sự tự chèo kéo nhà đầu tư của các địa phương đã dẫn đến mô hình kinh tế ở các tỉnh miền Trung giống như "quả mít”.

Tỉnh nào cũng nói phát triển dịch vụ, công nghiệp nhưng không thể xác định lĩnh vực nào là mũi nhọn để tập trung đầu tư. Vùng này không có sự hỗ trợ theo kiểu liên kết để cùng nhau có lợi. 

Phải hóa giải xung đột lợi ích cục bộ

Trong các tham luận gửi đến diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay là tính cục bộ địa phương và thiếu động cơ liên kết vùng.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, một trong những nguyên nhân chính là do bệnh thành tích. Ông dẫn chứng miền Trung tiềm năng lợi thế của các tỉnh giống nhau, không có tỉnh nào giáp 3 tỉnh. Điều này làm cho khả năng xung đột lợi ích lớn hơn. Xung đột lợi ích có cơ sở pháp lý, thực tiễn của nó", ông Thiên khẳng định. 

Ông Huỳnh Thế Du thì cho rằng chìa khóa của liên kết là cơ chế phân chia lợi ích và trách nhiệm các bên liên quan một cách thực chất, để tạo động cơ khuyến khích.

"Muốn phát triển, các tỉnh miền Trung phải hóa giải được bài toán về xung đột lợi ích cục bộ", ông Du gợi ý.

Day dac cang bien, khu kinh te, tai sao mien Trung van ngheo? hinh anh 3

Cảng Đà Nẵng chụp từ trên cao. Ảnh: Sơn Hải Nguyên.

GS Đào Nguyên Cát nói đã có nhiều hội thảo, diễn đàn bàn thảo và tìm giải pháp cho kinh tế miền Trung. Tuy nhiên, các địa phương trong vùng vẫn chưa hóa giải được xung đột lợi ích cục bộ.

"Liên kết vùng đã nói nhiều nhưng chưa thực sự hiệu quả. Đây vẫn là những câu hỏi thường trực và đau đáu với bất cứ ai quan tâm đến kinh tế miền Trung và người dân miền Trung”, ông Cát nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết phát triển kinh tế vùng và tăng cường liên kết vùng có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời, tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước, khắc phục tình trạng phát triển manh mún, kém hiệu quả. Không thể phát triển kinh tế nếu không gian kinh tế bị chia cắt bởi ranh giới hành chính.

Phó Thủ tướng chỉ đạo thời gian tới, các địa phương cần đánh giá chính xác về tiềm năng, lợi thế và cơ hội cũng như những thách thức.

Trên cơ sở đó, các tỉnh thành phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng năng suất lao động, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng.

"Chủ trương của Bộ Chính trị trong Nghị quyết về Phát triển du lịch là kinh tế mũi nhọn thì miền Trung trọng điểm của trọng điểm. Cơ cấu kinh tế của miền Trung 40% là du lịch và dịch vụ. Nông nghiệp hiện nay còn 15-16%.

Từ cơ cấu này, tính toán xem du lịch và dịch vụ phát triển như thế nào. 

Miền Trung của chúng ta phát triển theo hiện đại, không gian đô thị gắn với biển, khu Chu Lai, là hạt nhân của vùng. Còn Quy Nhơn phải trở thành trung tâm du lịch thương mại", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Theo Đoàn Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)