Kinh tế

Đề xuất mua bán điện không qua EVN, thay đổi thẩm quyền điều chỉnh giá điện

Bộ Công Thương đề xuất mua bán điện trực tiếp, thay đổi thẩm quyền điều chỉnh giá điện; đề xuất người mua ô tô điện được trợ giá 1.000 USD; Bộ Tài chính đưa ra hai kịch bản để kiểm soát lạm phát... là những thông tin kinh tế đáng chú ý tuần qua.

Bộ Công Thương đề xuất mua bán điện trực tiếp, thay đổi thẩm quyền điều chỉnh giá điện

Bộ Công Thương vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, trong đó có phương án có thể qua đường dây riêng, không do EVN quản lý. (Xem thêm)

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị ban hành cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tại Luật Điện lực theo hướng giao Chính phủ quy định thay vì Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh như hiện tại. Quan điểm trên được Bộ Công Thương trình bày tại Tờ trình sửa đổi Luật Điện lực gửi Thủ tướng Chính phủ. (Xem thêm)

Đề xuất mua bán điện không qua EVN, thay đổi thẩm quyền điều chỉnh giá điện
Bộ Công Thương đề xuất mua bán điện trực tiếp (Ảnh: Lương Bằng)

Đề xuất người mua ô tô điện được trợ giá 1.000 USD

Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện.

Cơ quan này đề xuất trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua xe ô tô điện để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ xe ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện khoảng 1.000 USD/xe.

Đối với phí trước bạ, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất miễn lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện trong 5 năm đầu kể từ ngày 1/3/2022. Trong 2 năm tiếp theo, lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với xe ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Đồng thời, miễn lệ phí cấp biển 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí cấp biển cho xe ô tô điện cho 2 năm tiếp theo.

Hòa Phát chính thức xuất những sản phẩm container đầu tiên

Ngày 4/8, Công ty CP Sản xuất Container Hòa Phát đã tổ chức lễ bàn giao lô hàng 100 container loại 20 feet với Công ty TNHH New Way Lines.

Đây là lô hàng đầu tiên mà Hòa Phát xuất ra thị trường sau 2 năm đầu tư dự án Nhà máy sản xuất vỏ container tại KCN Phú Mỹ II mở rộng (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Chuyển tiền online từ 500 triệu đồng trở lên phải báo cáo

Từ ngày 1/12 tới, giao dịch tiền điện tử trong nước từ 500 triệu đồng trở lên và chuyển tiền điện tử quốc tế từ 1.000 USD phải báo cáo với cơ quan phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành. (Xem thêm)

Doanh nghiệp mua lại trước hạn hơn 135.000 tỷ đồng trái phiếu

Báo cáo của Bộ Tài chính ngày 3/8 về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy, từ đầu năm đến 28/7, có 36 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 62.300 tỷ đồng (giảm 77,8% so với cùng kỳ năm 2022).

Đề xuất mua bán điện không qua EVN, thay đổi thẩm quyền điều chỉnh giá điện - 1
Doanh nghiệp tăng cường mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn. (Ảnh: Hoàng Hà)

Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh thị trường biến động, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn để tái cơ cấu nguồn vốn, khối lượng mua lại trước hạn là 135.300 tỷ đồng (tăng 56,3% so với cùng kỳ năm 2022). (Xem thêm)

Tiếp tục rà soát cho vay bất động sản, cơ cấu lại các phân khúc cho phù hợp

Chiều 3/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ cấu lại các phân khúc bất động sản cho phù hợp, lưu ý quan tâm phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập trung bình. (Xem thêm)

Thứ trưởng Công Thương giải thích lý do điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần

Chiều 5/8, tại họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của báo chí đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng khi sửa Quyết định 24/2017.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh gia điện tối thiểu 3 tháng một lần nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về điều chỉnh giá theo lộ trình, tránh giật cục.

Việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xuống 3 tháng một lần, sẽ phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới trường hợp giá tăng đột biến trong một lần điều chỉnh. Quy định này cũng phù hợp với quy định hiện nay về việc EVN phải báo cáo cập nhật giá điện hàng quý. (Xem thêm)

Bộ Tài chính đưa ra hai kịch bản để kiểm soát lạm phát

Bộ Tài chính vừa đưa ra 2 kịch bản lạm phát quý III/2023 và các tháng còn lại của năm. Kịch bản thứ nhất, giả thiết 5 tháng cuối năm 2023 so cùng kỳ năm trước: giá lương thực, thực phẩm tăng 3%; giá nhà ở thuê tăng 8%, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 3%, giá dịch vụ y tế tăng 4%; giá xăng dầu giảm 10%, giá gas giảm 10%. Dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2% so với năm 2022.

Ở kịch bản thứ hai, trong trường hợp giá xăng dầu giảm thấp hơn (5%), giá lương thực, thực phẩm tăng cao hơn (5%), giá dịch vụ y tế tăng 6%, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,7% so với năm 2022.

Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/de-xuat-mua-ban-dien-khong-qua-evn-thay-doi-tham-quyen-dieu-chinh-gia-dien-2174136.html