Kinh tế

GPBank sẽ bị mua lại với giá 0 đồng?

Sau sự ra đi của VNCB và OceanBank, nhiều người e ngại rằng, GPBank sẽ đi theo “vết xe đổ” của 2 người hàng xóm trước đó.

Sau sự ra đi của VNCB và OceanBank, nhiều người e ngại rằng, GPBank sẽ đi theo “vết xe đổ” của 2 người hàng xóm trước đó.

Cách đây 2 tháng, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ra quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng, trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu.
Đây được coi là phát súng đầu tiên bắt đầu quá trình thanh lọc các ngân hàng yếu kém, làm ăn thua lỗ của NHNN.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng tuyên bố: “Giai đoạn để cho các ngân hàng tự nguyện tái cơ cấu đã qua. Đã đến lúc các ngân hàng lớn vào cuộc, cần thiết sẽ có sự can thiệp của NHNN”.

Và mới đây nhất, phát súng thứ 2 đã được NHNN “bóp cò” khi mua lại bắt buộc toàn bộ cố phần của Ngân hàng Thương mại CP Đại Dương (OceanBank) với giá 0 đồng, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu.
 

GPBank sẽ tái cơ cấu thành công hay "về tay" NHNN với giá 0 đồng?

 
Sự ra đi của VNCB và OceanBank đã khiến mọi ánh mắt đổ dồn về phía Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Nhiều người e ngại rằng, GPBank sẽ là cái tên tiếp theo nằm trong “chiến dịch” 0 đồng của NHNN.

Tuy nhiên, trái với nhiều dự đoán rằng GPBank sẽ “buông xuôi” cho số phận, những tuyên bố gần đây của lãnh đạo GPBank đang cho thấy ngân hàng này sẽ dồn tất cả những gì còn lại để có một cú “lội ngược dòng” ngoạn mục.

Cụ thể, ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc GP.Bank cho hay: “Thời gian vừa qua, ngoài các đối tác nước ngoài cũng có nhiều đối tác trong nước đến tìm hiểu và họ đã nhận thấy GPBank là ngân hàng ổn định, có những nền tảng cơ bản rất tốt nên đã quyết định đầu tư vào”.

Theo đó, GPBank cũng đã tiến hành lựa chọn được các đối tác trong nước là các cá nhân, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, có khả năng và kinh nghiệm quản lý, điều hành.

Ông Thắng khẳng định với quyết tâm tái cơ cấu của ban lãnh đạo ngân hàng cùng với sự trợ giúp đắc lực từ các đối tác chiến lược này, GPBank sẽ sớm hoàn thành công cuộc tái cơ cấu ngân hàng theo như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

“Phương án của chúng tôi tuân thủ đúng theo chủ trương tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, với quyết tâm của các bên và dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng phương án tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước, tôi tin tưởng mọi công việc sẽ hoàn tất trong thời gian tới”, ông Thắng đưa ra thông tin đáng chú ý.

Với những thông tin trên, có thể thấy rằng, GPBank đang nỗ lực hết mình nắm lấy cơ hội cuối cùng để tự thân đứng dậy và tránh đi vào “vết xe đổ” của 2 người hàng xóm trước đó.

Liệu GPBank sẽ tái cơ cấu thành công, khẳng định tên tuổi của mình trênthị trường hay sẽ là cái tên thứ 3 “về tay” NHNN với giá 0 đồng?
 
GPBank là 1 trong 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu từ năm 2012. Trong thời gian qua, 8 trong số 9 ngân hàng đã tái cơ cấu thành công, chỉ còn duy nhất GPBank vẫn chưa có phương án khả thi.
 
Theo kế hoạch ban đầu, nhà điều hành dự kiến GPBank sẽ được xử lý thông qua bán 100% vốn cho một đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, thương vụ không thành công nên hướng quốc hữu hóa mới được tính đến.
 
PG Bank tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, được thành lập cuối năm 1993. Đến 31/12/2014, PG Bank có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 25.779 tỷ đồng, tín dụng đạt 14.507 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 168 tỷ đồng, cùng với hệ thống mạng lưới gồm 16 chi nhánh, 63 phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm. PG Bank có cổ đông chiến lược là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với tỷ lệ sở hữu 40% vốn điều lệ.
 
Theo Văn Nguyễn (Nguoiduatin.vn)