Kinh tế

Phó thủ tướng: Hội nhập kinh tế không có nghĩa là "mở toang cửa"

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, khi Luật Thương Mại đang trong quá trình xây dựng thì các nội dung liên quan đến việc xây dựng hạ tầng bảo hộ thương mại là việc mà các cơ quan bộ ngành phải đặc biệt quan tâm.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, khi Luật Thương Mại đang trong quá trình xây dựng thì các nội dung liên quan đến việc xây dựng hạ tầng bảo hộ thương mại là việc mà các cơ quan bộ ngành phải đặc biệt quan tâm.

Trong bối cảnh khi đất nước đang tích cực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tuy nhiên hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu đi các nước đang phải chịu những hàng rào kỹ thuật về thương mại trong khi hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào ngày càng nhiều, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh "một đằng là chủ động mở cửa để hội nhập nhưng phải bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước".

"Chúng ta không được bảo hộ sản xuất trong nước như trước đây khi tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, nhưng phải xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ thương mại", lãnh đạo Chính Phủ nêu ý kiến. 

pho-thu-tuong-hoi-nhap-kinh-te-khong-co-nghia-la-mo-toang-cua

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc xây dựng các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh: VGP

Nói thêm về vấn đề này, Phó thủ tướng cũng cho biết, một số hàng rào kỹ thuật đã có nhưng tác động chưa cao, thậm chí còn là bước cản cho môi trường kinh doanh.

"Như 73 nhóm kiểm tra chuyên ngành của Hải quan, hàng rào kỹ thuật cản anh nào không biết nhưng cuối cùng lại thành ra làm khó dễ doanh nghiệp nội địa trong nước", ông Vương Đình Huệ chia sẻ. Tuy nhiên, tháo gỡ vấn đề này còn nhiều bất cập khi các nhóm kiểm tra chuyên ngành này xuất phát từ nhiều bộ, ngành nhưng "ngay trong nội bộ của các bộ ngành đều muốn giữ lại".

Trong báo cáo được trình bày tại phiên họp, đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, thực trạng hiện tại trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tận dụng được hết lợi thế từ các hiệp định thương mại. Như với tỷ lệ sử dụng ưu đãi, với các hiệp định có tỷ lệ cao như với Chile hay Hàn Quốc cũng chỉ đạt trên 60%, trong khi với nội khối Asean thì đạt ở mức khá thấp, chỉ hơn 30%.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ chú trọng vào một số thị trường xuất khẩu quen thuộc và thị trường nội địa, chưa tận dụng hết những hiệp định đã ký và mở rộng thêm thị trường.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý, trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam phải đa dạng hơn các đối tác. "Như xuất khẩu nước ta trước nay chỉ tập trung vào 10 thị trường chính, chúng ta phải xây dựng chiến lược xuất khẩu 10+, mở rộng hơn ra các thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ như Trung Đông hay Châu Phi", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Quan điểm này cũng nhận được ý kiến đồng thuận từ đại diện Bộ Ngoại giao, khi Việt Nam trong năm 2017 sẽ là đơn vị tổ chức nhiều cuộc họp, diễn đàn lớn, đây là cơ hội tốt cho quá trình hội nhập quốc tế.

Đối với Hội nghị thượng đỉnh quốc tế APEC 2017, đại diện Bộ Ngoại giao cũng cho biết phía Việt Nam đã gửi thư mời tới các nước, trong đó có cả tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. "Nếu phía bạn nhận lời (thông thường sẽ được thông báo trước một tháng diễn ra), Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có mặt tại cuộc họp thượng đỉnh APEC diễn ra vào tháng 11 tới đây tại Việt Nam", đại diện Bộ Ngoại giao cho biết.

Đối với vấn đề Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP có khả năng không được thông qua, các cơ quan quản lý đánh giá tác động đến Việt Nam là không quá nghiêm trọng. "Tác động của việc không thông qua TPP đối với nước ta sẽ nằm ở việc xây dựng chính sách, xây dựng kế hoạch trong tương lai vì thực tế hiện tại TPP vẫn chưa được áp dụng. Tác động cũng sẽ không lớn như đánh giá của một số tổ chức quốc tế", đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết.

Theo Minh Sơn (VnExpress.net)