Kinh tế

Sở hữu 4 “cục nợ”, bức tranh tài chính của Vinachem “ảm đạm” như thế nào?

Năm 2016 Vinachem hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn, Bộ Tài chính cho biết. 

Năm 2016 Vinachem hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn, Bộ Tài chính cho biết. 

Dự án Đạm Ninh Bình. Ảnh: TL

Báo cáo của Bộ Tài chính mới đây đã nêu ra bức tranh tài chính tương đối “ảm đạm” của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam Vinachem, chủ đầu tư của dự án Đạm Ninh Bình hiện đang thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 10.300 tỷ đồng, khả năng trả nợ hạn chế.

Ngoài dự án Đạm Ninh Bình thua lỗ nghìn tỷ, Vinachem cũng sở hữu những dự án còn nhiều tồn tại như dự án cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc thuộc CTCP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc và dự án Nhà máy DAP số 2 thuộc CTCP DAP số 2 - Vinachem và CTCP DAP - Vinachem. Tính đến hết năm 2016, tổng số lỗ phát sinh của 4 nhà máy kể trên lên đến 3.372 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, năm 2016 các nhóm hàng như Phân bón NPK, phân lân chế biến, hoá chất cơ bản, cao su, chất tẩy rửa, pin ắc quy, khí công nghiệp… vẫn giữ được sản xuất ổn định và đạt tăng trưởng khá về giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu.

Nhưng, ngành sản xuất phân đạm và phân DAP lại gặp nhiều khó khăn do giá bán urê và DAP trên thế giới và trong nước giảm quá mạnh dẫn đến các đơn vị phải giảm sản xuất, dừng máy và phát sinh lỗ. Do chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị và doanh thu của Vinachem nên sự sụt giảm sản xuất phân đạm urê, phân DAP dẫn đến kết quả chung về giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu và đặc biệt chỉ tiêu hiệu quả của Tập đoàn trong năm 2016 giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 38.947 tỷ đồng, giảm 11,6% so với năm 2015 tuy nhiên, doanh thu bị giảm ít hơn với tỷ lệ giảm là 2,3% tổng doanh thu năm 2015 đạt 40.227 tỷ đồng.

Về tình hình tài chính, tổng tài sản của Vinachem theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2016 giảm 1,68% so với năm 2015, trong đó khoản mục giảm nhiều nhất là hàng tồn kho, chủ yếu ở thành phẩm, nguyên liệu, vật liệu và hàng gửi bán.

Tài sản dài hạn năm 2016 chiếm 63% tổng tài sản. Khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng nhiều nhất với 1.558 tỷ đồng, chủ yếu do đầu tư dự án thăm dò khai thác chế biến muối mỏ tại Lào, khoảng 1.200 tỷ đồng.

Năm 2016, Vinachem lỗ 895 tỷ đồng, chủ yếu do giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp tăng cao, tăng 843 tỷ đồng, chi phí lãi vay tăng 346 tỷ đồng trong khi doanh thu và thu nhập khác đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo cũng chỉ ra, các chỉ tiêu sinh lời năm 2016 sụt giảm so với năm 2015 và bị âm. “Điều này chứng tỏ Vinachem hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, cần điều chỉnh và phân giao kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tế thị trường, tình hình vận hành thương mại của các đơn vị thành viên để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh”, Bộ Tài chính cho biết.

Đánh giá về khả năng trả nợ, Bộ Tài chính cho rằng, nhìn chung năm 2016 Vinachem hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn.

Ngoài ra, việc Vinachem vẫn đang tham gia góp vốn đầu tư tại gần 40 đơn vị, doanh nghiệp và tiếp tục đầu tư dài hạn mới tại dự án mỏ muối Kali tại Lào dẫn tới sức ép về tài chính thời gian tới là rất cao. 

Theo Nguyễn Thảo (Bizlive.vn)