Kinh tế

Temu chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam, Bộ Công thương nêu nguy cơ tiềm ẩn về bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng

Bộ Công thương đưa ra những thông tin khuyến cáo cho người tiêu dùng khi mua hàng trên các ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như Temu, Shein hay 1688.

Temu chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam, Bộ Công thương nêu nguy cơ tiềm ẩn về bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng

Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), các nền tảng TMĐT xuyên biên giới như Temu, Shein hay 1688 nếu chưa hoàn thiện các nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam theo quy định sẽ không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi.

Đáng chú ý, cơ quan chức năng cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn về vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký. Cụ thể, khi mua hàng trên những ứng dụng này người tiêu dùng thường phải cung cấp các thông tin thanh toán phạm vi quốc tế như thẻ tín dụng hoặc thông tin ví điện tử.

“Những dữ liệu này, nếu không được quản lý và bảo vệ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, có nguy cơ bị đánh cắp hoặc bị khai thác trái phép, dẫn đến các rủi ro lớn về bảo mật thông tin cá nhân. Đặc biệt, nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký không có các cam kết về bảo mật thông tin người tiêu dùng theo quy định của Việt Nam, không có quy trình xử lý sự cố trong trường hợp xảy ra vấn đề và đương nhiên cũng không có trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý theo quy định tại Việt Nam” , Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin.

Temu chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam, Bộ Công thương nêu nguy cơ tiềm ẩn về bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng - 1

Theo đó, nếu rò rỉ thông tin, dữ liệu cá nhân trong quá trình phát sinh các giao dịch trên các nền tảng chưa đăng ký có thể gây ra những tổn thất lớn và ảnh hưởng lâu dài đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cảnh báo rằng người tiêu dùng có thể đứng trước rủi ro cao khi mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ khi đặt hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký. Đồng thời, nguy cơ tiềm ẩn về các trách nhiệm pháp lý liên quan đến thuế đối với các hàng hoá nhập khẩu qua TMĐT.

Trước những nguy cơ trên, Bộ Công Thương khuyến nghị người tiêu dùng cần thận trọng khi tiến hành các giao dịch trên nền tảng TMĐT, đặc biệt tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người tiêu dùng có thể tra cứu danh sách các nền tảng TMĐT đã đăng ký trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT tại địa chỉ trực tuyến online.gov.vn hoặc liên hệ Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Bộ Công Thương theo số điện thoại 1800.6838 để có thêm thông tin tham khảo.

Trước đó vào ngày 27/10, Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.

Theo Huyền Thanh (Nhịp sống Thị trường)




https://markettimes.vn/temu-chua-dang-ky-hoat-dong-o-viet-nam-bo-cong-thuong-neu-nguy-co-tiem-an-ve-bao-mat-thong-tin-du-lieu-ca-nhan-cua-nguoi-dung-68214.html