Kinh tế

VinFast trên hãng xe điện Trung Quốc, chờ động thái từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Cổ phiếu VinFast vẫn duy trì khá vững ở mức 17-18 USD. Vốn hóa hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đứng trên hãng xe Trung Quốc và được kỳ vọng vững vàng từ những động thái của doanh nhân giàu nhất Việt Nam.

Trước giờ mở cửa phiên ngày 20/9 trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ (tối 20/9 giờ Việt Nam), cổ phiếu VinFast Auto (VFS) tiếp tục khá vững giá ở mức 17-18 USD/cp. Sau một chuỗi ngày giảm mạnh, cổ phiếu hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ổn định trở lại dù thanh khoản xuống thấp.

Tính tới 18h20 ngày 20/9 (giờ Việt Nam), cổ phiếu VFS giảm 0,28% xuống 17,75 USD/cp. 

Vốn hóa của VinFast Auto (VFS) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn được duy trì ở gần 41 tỷ USD.

Trong 9 phiên qua, cổ phiếu VinFast gần như chỉ biến động trong khoảng 16-18 USD/cp. Thanh khoản gần đây chỉ đạt 2-4 triệu trong mỗi phiên gần đây, thay vì 10-15 triệu, thậm chí hơn 19 triệu đơn vị/phiên trong những ngày sôi động trước đó.

Trong 9 phiên qua, cổ phiếu VinFast gần như chỉ biến động trong khoảng 16-18 USD/cp. 

Dù vậy, đây là vùng giá thấp nhất của cổ phiếu VinFast nếu so với mức giá ngoài kỳ vọng hôm lên sàn 15/8 với mức giá đóng cửa phiên đầu tiên là 37 USD/cp. Trước đó, cổ phiếu VinFast từng lên mức giá 93 USD/cp trong phiên giao dịch ngày 28/8. Vốn hóa của VinFast khi đó đạt gần 210 tỷ USD.

Với mức vốn hóa ổn định như gần đây, VinFast xếp trên hãng xe Li Auto của Trung Quốc và xếp thứ 13 trong làng xe hơi thế giới.

Hãng xe điện có vốn hóa lớn nhất thế giới hiện vẫn là Tesla của tỷ phú Elon Musk (848 tỷ USD, xếp sau là hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc là BYD có vốn hóa 96 tỷ USD.

VinFast có vốn hóa xếp trên một hãng xe điện khác của Trung Quốc Li Auto (có vốn hóa 38,6 tỷ USD).

Trong vài ngày gần đây, phiên bản thương mại chính thức VinFast VF6 đã lộ diện và chờ ngày ra mắt vào cuối tháng 9.

Trong một lời giới thiệu gần đây của CEO Lê Thị Thu Thủy, VinFast là hãng xe thuần điện và có dải sản phẩm ô tô trải dài trên nhiều phân khúc. Và, theo bà Thủy, không nhiều công ty có dải sản phẩm dài như vậy. Và VinFast sẽ tận dụng lợi thế này.

Cho đến nay, VinFast đang sở hữu 6 sản phẩm xe ô tô điện ở các phân khúc khác nhau. Sau VFe34, VinFast cho ra mắt VF8, VF9 và VF5... VF9 là mẫu SUV điện thuộc phân khúc E – phân khúc cao cấp nhất trong dải xe điện hoàn chỉnh của VinFast.

Vốn hóa của VinFast Auto (VFS) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn được duy trì ở gần 41 tỷ USD.

Tới đây, VF6 bản thương mại là một phiên bản SUV hạng B, tương đương các đối thủ cùng phân khúc như KIA Seltos, Hyundai Creta.

Giới đầu tư hiện chờ đợi những thông tin về doanh số bán hàng của VinFast trong gần 9 tháng đầu năm. Một thông tin được quan tâm là số lượng xe VF8, VF9 được bán tại Mỹ và Canada, cũng như sắp tới là châu Âu.

Chiến lược kinh doanh được VinFast đưa ra trước đó là sử dụng thị trường Việt Nam làm nền tảng để phát triển. Việc bán hàng ra thế giới được thực hiện từ Mỹ, rồi tìm cách để đưa sản phẩm sang châu Âu, ASEAN và Trung Đông.

Việc ra mắt VF6 và sau đó là phiên bản “quốc dân” VF3 được kỳ vọng sẽ ấn tượng hơn phiên bản VF5. Giới đầu tư chờ đợi những động thái từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng, về sản phẩm mới, sự tiến bộ về công nghệ, sự tăng trưởng về bán hàng.

VinFast được thành lập năm 2017 và chính thức chuyển hoàn toàn sang xe điện từ năm 2022. VinFast dự tính bán 50.000 xe ô tô điện trong năm 2023.

Theo Mạnh Hà (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vinfast-tren-hang-xe-dien-trung-quoc-cho-dong-thai-tu-ty-phu-pham-nhat-vuong-2192230.html