Lối Sống

Canh bóng bì lợn - món truyền thống trên mâm cỗ Tết nhưng tiềm ẩn độc tố

Món ăn này giàu collagen, không thể thiếu vào dịp Tết, song dễ bị tẩm ướp hóa chất độc hại để bảo quản, có thể gây hại sức khỏe.

Món ăn siêu giàu collagen ngày Tết được nhiều gia đình ưa chuộng chính là canh bóng bì lợn. Chúng ta đều biết, bì lợn là một nguồn thực phẩm giàu collagen, giúp cải thiện sức khỏe của da và xương. 

Canh bóng bì lợn - món truyền thống trên mâm cỗ Tết nhưng tiềm ẩn độc tố
Ảnh minh họa: Internet

Bạn có thể ăn bì lợn theo nhiều dạng khác nhau. Trong đó, canh bóng bì lợn được coi là món truyền thống trên mâm cơm Tết cổ truyền của người Việt, cung cấp nguồn collagen dồi dào, chị em phụ nữ đặc biệt rất thích.

Tuy nhiên, chia sẻ trên báo Tổ Quốc, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, canh bóng bì lợn rất dễ nhiễm độc tố, hóa chất, tiềm ẩn nguy cơ ung thư. Món ăn giàu collagen có thể hóa "thuốc độc" nếu bạn phạm phải một vài sai lầm khi mua hoặc chế biến.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh có rất nhiều nguyên nhân biến bóng bì lợn trở thành "thuốc độc" âm thầm tấn công cơ thể, nguy cơ gây ung thư cao. Chúng bao gồm:

Một là, nguồn nguyên liệu bì lợn ban đầu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay là thời điểm cận Tết, không thiếu những cơ sở sản xuất bóng bì lợn có nguồn nhập hàng không đảm bảo, không được kiểm tra kỹ lưỡng khiến bóng bì có nguy cơ bị bẩn và nhiễm độc tố ngay khi được nhập về. Bì lợn khi để ôi thiu lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn phát triển, sinh ra nhiều độc tố.

Hai là, khâu chế biến bóng bì không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Nếu không ngộ độc cấp tình thì cũng tích tụ lâu trong người, tiềm ẩn nguy cơ ung thư.

Canh bóng bì lợn - món truyền thống trên mâm cỗ Tết nhưng tiềm ẩn độc tố - 1
Ảnh minh họa: Internet

Ba là, người bán sử dụng chất tẩy rửa để loại bỏ mùi hôi của bóng bì lợn. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến bóng bì lợn hóa "thuốc độc", âm thầm tấn công cơ thể, mầm mống gây bệnh ung thư. 

"Để sản xuất bóng bì, có cơ sở đã sử dụng nước javen, oxy già và chất phụ gia công nghiệp như kalisunfit, hydrosunfit. Đây đều là những hóa chất có tính tẩy mạnh. Nếu ăn thường xuyên sẽ bị ngộ độc, tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa và tăng nguy cơ ung thư", chuyên gia cho biết thêm.

Đồng quan điểm, VnExpress dẫn lời chuyên gia dinh dưỡng Hải Yến, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cũng cho biết bì lợn là nguyên liệu rất khó làm sạch, thời gian bảo quản không dài, nên một số người bán sử dụng hóa chất độc hại để tẩy trắng, có thể gây hại đến sức khỏe người dùng.

Ăn bì lợn quá thường xuyên cũng có thể tiềm ẩn các rủi ro về sức khỏe tim mạch vì tăng hàm lượng cholesterol xấu cho cơ thể. Cụ thể, trong 150 g bì lợn luộc có chứa 37 g chất béo bão hòa và 122 mg cholesterol. Khi kết hợp với nhau, chúng có thể dẫn tới nguy cơ xơ vữa, tắc nghẽn động mạch, nhồi máu cơ tim.

Canh bóng bì lợn - món truyền thống trên mâm cỗ Tết nhưng tiềm ẩn độc tố - 2
Ảnh minh họa: Internet

PGS. TS Thịnh khuyến cáo người dân nên mua ở những cơ sở sản xuất uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nếu được, có thể tự làm bóng bì lợn tại nhà để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chuyên gia hướng dẫn cách chọn mua bóng bì lợn sạch, an toàn sức khỏe, bổ sung collagen dựa theo các tiêu chí sau về màu sắc, độ giòn, hương vị. Cụ thể:

- Màu sắc: Bì lợn sạch, được lấy từ lợn khỏe mạnh sẽ có màu trắng hồng, thường có thêm lớp mỡ trong bì màu trắng phau đẹp mắt. Trong khi bì lợn tẩy hóa chất sẽ có màu trắng bất thường, trắng quá mức, không có lớp mỡ bên trong bì.

- Độ giòn: Bì lợn sạch có độ giòn và dai, trong khi bì lợn bẩn có thể rất dai nhưng không đảm bảo độ giòn.

- Hương vị: Bì lợn sạch sẽ có mùi thơm đặc trưng của bì lợn, trong khi bì lợn ngâm hóa chất thường không có mùi vị gì của thịt lợn, thậm chí là mùi hôi hoặc mùi bất thường của hóa chất, tốt nhất không nên mua.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/canh-bong-bi-lon--mon-truyen-thong-tren-mam-com-tet-nhung-tiem-an-doc-to-d205079.html