Ngày 1/10, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. HĐXX tiếp tục hỏi các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên để làm rõ các vật chứng, tài sản, đồ vật thu giữ và các quyền tài sản của những người này.
Trong phần xét hỏi buổi sáng, trả lời HĐXX bị cáo Trương Mỹ Lan đã trình bày về một số dự án, tài sản, cổ phần có liên quan tại các công ty, tập đoàn… Bị cáo Lan đồng ý bán một số dự án cổ phần… để khắc phục cho các gói trái phiếu trong vụ án này.
Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, đối với dự án Tân Thành Long An, bị cáo đề nghị Novaland thanh toán 2.500 tỷ đồng bằng tiền mặt cho bị cáo liên quan đến dự án Tân Thành Long An để khắc phục hậu quả của vụ án.
Bà chủ Vạn Thịnh Phát còn “khoe” có nhiều bạn là tỷ phú nước ngoài. Họ có thể giúp bị cáo, sẵn sàng nộp tiền để khắc phục hậu quả vụ án. Trước đó, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, bào chữa cho 4 bị cáo trong vụ án này và là đại diện của một trong những người bạn và là cổ đông của bị cáo Lan trong một dự án, thông báo sẵn sàng bỏ tiền ra cho bị cáo Lan khắc phục hậu quả. Bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị luật sư có thể giải thích, cung cấp thông tin rõ hơn về người bạn đó để khắc phục thay số tiền cho bị cáo.
Trả lời luật sư bào chữa cho mình, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng bị cáo đồng ý tất cả các tài sản sẽ được ưu tiên thi hành cho các bị hại như Bản án giai đoạn 1 đã kết luận. Về nguồn tiền, nguồn tài sản để khắc phục hậu quả vụ án, bị cáo cho rằng toàn bộ tài sản đã bị kê biên, thu giữ, nộp lại trong cả 2 giai đoạn của vụ án. Về cách xử lý tài sản để khắc phục hậu quả, bị cáo đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo chức năng, thẩm quyền để sớm thu hồi tiền trả lại cho bị hại.
Về Dự án 6A, Bình Chánh, là một trong tài sản đảm bảo để đảm bảo tái cơ cấu cho SCB, chỉ đưa tài sản vào SCB, không dùng để đảm bảo khoản vay nào tại SCB, bị cáo đề nghị Ngân hàng SCB trả lại Dự án 6A và 65 tài sản không thuộc tài sản đảm bảo nào tại SCB để đảm bảo xử lý khắc phục hậu quả chung của vụ án.
Bị cáo Trương Mỹ Lan có ý kiến muốn được nghiên cứu các tài liệu phụ lục về các tài sản kèm theo Kết luận điều tra - Cơ quan CSĐT Bộ Công an để bị cáo nhớ lại các tài sản của bị cáo trong vụ án, nhằm trình bày cho Hội đồng xét xử một cách toàn diện nhất để đảm bảo thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả của vụ án.
Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan còn trình bày về một số vật dụng bị thu giữ, trong đó có 2 chiếc túi hiệu Hermes da cá sấu bạch tạng. Bị cáo Lan cho biết có tiền cũng không mua được. Trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa, bị cáo Lan vẫn mong muốn nhận lại 2 chiếc túi này và không muốn bán đấu giá. "Hai chiếc túi có tiền cũng không mua được, nhưng bị cáo có được là nhờ tên tuổi của Trương Mỹ Lan, Chu Lập Cơ”, bị cáo Lan trình bày.
Theo bị cáo Lan, hai chiếc túi Hermes này không đáng giá bao nhiêu so với tài sản của bị cáo đưa vào khắc phục hậu quả vụ án nên xin lại để làm kỷ niệm.
Chiều cùng ngày, chủ tọa tiếp tục hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan về các tài sản thu giữ trong vụ án liên quan đến phụ lục 6, 7, 8, 9, 10 kèm theo Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT. Đồng thời HĐXX cũng hỏi đại diện Ngân hàng PV Combank, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, Công ty TNHH Đô thị Sing Việt…
Bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, các tài sản bị thu giữ của bị cáo và các công ty của Vạn Thịnh Phát thì đề nghị xin dùng để khắc phục hậu quả của vụ án.
Liên quan đến dự án Tứ giác Bến Thành với Tập đoàn Bitexco thì bị cáo cho rằng có thỏa thuận miệng với Chủ tịch Bitexco về việc bị cáo sẽ tìm đối tác chuyển nhượng dự án với giá 22.000 tỷ đồng, trong đó bị cáo đã nhiều lần chuyển cho Bitexco. Về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco thừa nhận có nhận 15.712 tỷ đồng từ bị cáo Trương Mỹ Lan để thực hiện dự án khu tứ giác Bến Thành, về số tiền này mục đích để thực hiện triển khai dự án, hiện đã hòa nhập dòng tiền này vào hoạt động của tập đoàn. Tập đoàn Bitexco dùng 15.712 tỷ đồng trên để trực tiếp thanh toán hoặc chuyển cho công ty con trong tập đoàn để hoàn trả các khoản vay ngân hàng, công nợ với nhà thầu, nhà cung cấp, tư vấn của Bitexco và các công ty con đã phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng của dự án khu tứ giác Bến Thành và một số dự án khác trong Tập đoàn Bitexco. Ngoài ra dùng để chi cho hoạt động, chi đầu tư, chi phí quản lý chung của Tập đoàn và các công ty con. Công ty Bitexco có ý kiến không thu hồi số tiền 15.712 tỷ đồng vì đây là quan hệ dân sự giữa các bên; Bitexco nhận số tiền nêu trên một cách hợp pháp và hoàn toàn không biết số tiền này có liên quan đến vụ án hay không.
Đối với Công ty TNHH Đô thị Sing Việt, công ty này thuộc sở hữu 100% của Công ty Amaland của Singapore, hiện đang thực hiện triển khai dự án tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Singapore Việt Nam cho biết, hiện công ty có ký hợp đồng chuyển nhượng với Công ty Amaland tại Singapore, công ty đã chuyển nhượng hơn 16 triệu đô la cho Amaland, nhưng hiện nay Amaland không tiếp tục thực hiện hợp đồng, hiện các bên đang khởi kiện tại TAND TP Hồ Chí Minh và Công ty Amaland hiện đã khởi kiện tại Trọng tài Quốc tế. Công ty chưa nhận được các kết quả giải quyết này. Công ty sẵn sàng nộp số tiền còn lại là 153 triệu USD khắc phục hậu quả vụ án để tiếp tục thực hiện dự án.
Bị cáo Trương Mỹ Lan thừa nhận hiện nay nhóm công ty của bị cáo tại Singapore đã ủy quyền cho Công ty cổ phần Tập đoàn TTD Captical tham gia điều hành dự án và sẽ nộp khắc phục 147 triệu USD để khắc phục hậu quả của vụ án. Do đó, đề nghị Hội đồng xem xét đồng ý đối với nội dung này. Phiên tòa tạm nghỉ đến ngày 4/10.
Theo Văn Hào – Ngọc Thiện (CAND Online)