Pháp luật

Cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo dịp cận Tết Nguyên đán 2024

Các cơ quan chức năng cảnh báo về nhiều hình thức lừa đảo trong dịp cận Tết Nguyên đán 2024 như: Đóng thuế trúng thưởng, bán hàng qua mạng, lừa cài app giả, giới thiệu "việc nhẹ lương cao"…

Nghe 2 cuộc gọi yêu cầu nhập dữ liệu dân cư, người phụ nữ mất 500 triệu

Trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2024, một người phụ nữ ở Hà Nội nghe 2 cuộc gọi yêu cầu nhập dữ liệu cư dân đã bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tài sản 500 triệu đồng.

Cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo dịp cận Tết Nguyên đán 2024
Ảnh minh họa.

Cụ thể vào chiều muộn 6/2, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, vào ngày 25/1, chị N. (SN 1986, ở Đống Đa, TP Hà Nội) nhận được cuộc gọi của một số điện thoại lạ tự xưng là cán bộ Công an phường Phương Mai. Người này thông báo chị N. chưa làm định danh mức 2, cần cần cập nhật thông tin trong hệ thống.

Một đối tượng khác tự xưng là cán bộ Công an quận Đống Đa hướng dẫn chị cập nhật thông tin mà không cần tới trụ sở và gửi link truy cập tải phần mềm Dichvucong.apk, quét vân tay và nhận diện khuôn mặt.

Thực hiện xong thao tác, chị N. phát hiện tài khoản ngân hàng bị trừ 500 triệu đồng. Lúc này, chị N. mới biết mình bị lừa nên đến cơ quan công an trình báo.

Lừa đảo bán hàng qua mạng chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng

Trong năm 2023, Phòng An ninh mạng phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Đắk Lắk và Công an TP. Buôn Ma Thuột nhận được đơn trình báo của nhiều người về việc bị một đối tượng lừa bán hàng qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền cọc.

Cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo dịp cận Tết Nguyên đán 2024 - 1
Công an đã tạm giữ hình sự đối tượng Trần Quốc Vũ. (Ảnh: CACC)

Qua điều tra, mới đây, Công an TP. Buôn Ma Thuột đã tạm giữ hình sự Trần Quốc Vũ (23 tuổi, trú xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua bán đồ nội thất, gia dụng qua mạng.

Tại cơ quan công an, đối tượng Vũ khai nhận do cần tiền tiêu xài và đánh bạc trên mạng nên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người qua mạng xã hội.

Đối tượng lên mạng liên hệ với một người không rõ nhân thân lai lịch có tên "Nhi Xinh" để cấu kết lập tài khoản nhận tiền của các nạn nhân.

Khi lừa được nạn nhân, đối tượng hướng dẫn họ chuyển tiền vào số tài khoản của "Nhi Xinh" và thỏa thuận trả tiền công cho "Nhi Xinh" 10% số tiền chiếm đoạt được.

Đối tượng mua các tài khoản mạng xã hội, đăng tải thông tin rao bán những món đồ nội thất, gia dụng lên các hội nhóm. Khi có người nhắn tin hỏi mua, đối tượng yêu cầu khách chuyển tiền đặt cọc đến các tài khoản của "Nhi Xinh". Sau khi nhận được tiền của nạn nhân, Vũ chặn liên lạc, chiếm đoạt tiền, sử dụng vào việc đánh bạc trên mạng.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 1/2023 đến khi bị bắt giữ, Vũ lừa hơn 400 người ở nhiều tỉnh, thành chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng.

Lừa đảo xin việc nở rộ

Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã khởi tố và bắt tạm giam Nguyễn Thị Thanh (38 tuổi, ở thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo dịp cận Tết Nguyên đán 2024 - 2
Đối tượng Nguyễn Thị Thanh bị công an bắt giữ. (Ảnh: Công an Thanh Hóa)

Một trong những nạn nhân là anh B.V.T. (43 tuổi, ở phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa) đã nhiều lần chuyển cho Thanh tổng số tiền hơn 400 triệu đồng để xin việc cho một số người thân của mình.  

Sau nhiều lần Thanh hứa hẹn, người thân của anh T. vẫn không được đi làm, lúc này anh mới biết mình bị lừa nên trình báo công an.

Theo cơ quan công an, Thanh không có việc làm ổn định, thường thuê chung cư trên địa bàn TP. Thanh Hóa để sinh sống. Tuy nhiên, Thanh luôn tự giới thiệu mình thân quen với nhiều người, nhiều doanh nghiệp, có thể xin việc cho người khác tại các công ty lớn với mức thu nhập ổn định 10 - 30 triệu đồng.

Đối tượng đưa ra các lý do và yêu cầu nạn nhân phải đặt cọc số tiền 5-10 triệu đồng thì mới được nhận vào công ty làm việc, tiền cọc sẽ được công ty hoàn lại sau 3 tháng đi làm.

Đối với người có nhu cầu làm tài xế xe khách, phải đặt cọc từ 10 - 30 triệu đồng. Sau 2 năm đi làm, nếu không tự ý bỏ việc thì công ty sẽ hoàn trả số tiền đặt cọc.

Tin lời Thanh, nhiều người đã chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để đặt cọc với mong muốn có được vị trí việc làm ổn định mà không biết đây hoàn toàn là chiêu trò lừa đảo.

Cài ứng dụng giả mạo dịch vụ công, bị lừa 20,6 tỷ đồng

Công an TP Hà Nội cho biết, trong tháng 1/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 20,6 tỷ đồng; người bị chiếm đoạt nhiều nhất 15,3 tỷ đồng.

Cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo dịp cận Tết Nguyên đán 2024 - 3
Ảnh minh họa: A.I

Theo cơ quan chức năng, có nhiều nạn nhân bị các đối tượng giả mạo cán bộ công an, yêu cầu hỗ trợ cài đặt dịch vụ công giả mạo chứa mã độc chiếm quyền điều khiển điện thoại của bị hại, sau đó thực hiện chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán để chiếm đoạt.

Thủ đoạn của những đối tượng là tạo ra những ứng dụng có giao diện giống với ứng dụng cổng dịch vụ công.

Sau đó, để tạo uy tín thực hiện hành vi lừa đảo, chúng giả danh là cán bộ công an phường/quận thông báo: Căn cước công dân chưa được đồng bộ dữ liệu đất đai thành công, chưa cập nhật thông tin thẻ bảo hiểm y tế... và hướng dẫn cập nhật qua mạng vì công an quận phải hoàn thành công việc ngay trong ngày, cập nhật trực tiếp trên ứng dụng được, cài phần mềm để lấy số thứ tự nhanh không phải chờ đợi…

Các đối tượng sẽ dẫn dắt người dân cài đặt ứng dụng giả mạo về điện thoại hoặc truy cập vào đường link cài đặt ứng dụng giả mạo gần giống với cổng dịch vụ công.

Mã độc sẽ song song được tải về điện thoại, cho phép đối tượng truy cập vào thiết bị để hoạt động truy cập dữ liệu, chụp ảnh màn hình, đọc tin nhắn, đặc biệt là quyền trợ năng để chiếm quyền điều khiển điện thoại.

Chiếm được quyền điều khiển điện thoại, các đối tượng lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng và mã OTP giao dịch, thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.

Tinh vi hơn, chúng thường nhằm vào những người cao tuổi ít am hiểu về công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo.

Để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo dịp cận Tết, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, tin nhắn có liên quan tới cán bộ của các cơ quan chức năng.

Không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Đồng thời, liên hệ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền để xác minh về người gọi điện.

Cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm. Tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk.

Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, người dùng cũng nên đọc kỹ thông tin, đừng vội đồng ý tất cả các điều khoản. Chỉ truy cập, tải và cài đặt ứng dụng chính thức thông qua Google Play và Apple Store, kiểm tra thông tin tác giả (nhà phát triển).

Nên sử dụng những phương thức bảo vệ tài khoản sinh trắc học như vân tay, nhận diện khuôn mặt... để đăng nhập ứng dụng ngân hàng và các ứng dụng thanh toán khác. Không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại.

Theo Tiến Dũng (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/canh-bao-nhieu-hinh-thuc-lua-dao-dip-can-tet-nguyen-dan-2024-2246057.html