Thế giới

Báo Mỹ hé lộ cuộc sống tuyệt vọng của những 'cô gái dịch vụ' ở 'khu đèn đỏ' lớn nhất Philippines

Bài viết trên báo Washington Post hé lộ cuộc sống tuyệt vọng của gái mại dâm tại Philippines, hầu hết không có tên họ mà chỉ được đánh số và gọi là "tiếp viên". Họ được cho là những nạn nhân của nạn buôn người.

Thành phố Angeles từ lâu đã trở thành "trung tâm du lịch tình dục" của Philippines, theo cách gọi của phóng viên báo Washington Post.

Ở đây, hành vi mại dâm bất hợp pháp giữa những người đàn ông nước ngoài và các cô gái tuổi teen Philippines diễn ra hàng ngày. Đa số các cô gái mại dâm là nạn nhân của nạn buôn người, một số khác buộc phải hành nghề do áp lực kinh tế từ phía gia đình của chính họ.

Báo Mỹ hé lộ cuộc sống tuyệt vọng của những 'cô gái dịch vụ' ở 'khu đèn đỏ' lớn nhất Philippines
Một góc phố ở thành phố Angeles (Philippines) (Ảnh: Washington Post)

Các nhà hoạt động cho rằng tình trạng mại dâm bất hợp pháp phổ biến tại Philippines có nguyên nhân gián tiếp từ những lỗ hổng pháp lý, cũng như sự thờ ơ rõ ràng từ phía chính quyền nước này.

Luật pháp Philippines cấm mọi hình thức mại dâm, và hành vi mua dâm với người dưới 18 tuổi được coi là tội cưỡng hiếp. Thế nhưng để lách luật, các ông chủ quán bar, nhà hàng giới thiệu những cô gái này là "tiếp viên" thay vì "gái mại dâm". Các khoản tiền thu được từ khách mua dâm thì được coi là "tiền phạt" khi các nhân viên tự ý rời ca sớm.

Theo Washington Post, chính quyền Philippines không dành nhiều nguồn lực để chống lại tệ nạn mại dâm, mà chỉ có các lãnh đạo địa phương đơn độc trong cuộc chiến với những kẻ kinh doanh thân xác phụ nữ.

"Không có chuyện tôi bỏ cuộc đâu, nhưng cuộc chiến này sẽ mất rất nhiều thời gian. Có quá nhiều rào cản," tân thị trưởng Carmelo "Pogi" Lazatin Jr. nói hồi tháng Bảy trong bài phát biểu khẳng định ưu tiên hàng đầu của ông là chấm dứt mọi hình thức mại dâm trong thành phố.

Washington Post dẫn lời các nhà hoạt động cho biết khi ngành công nghiệp tình dục mang lại nhiều lợi nhuận, không ít chính trị gia tham nhũng đã tiếp tay tạo ra những vỏ bọc hợp pháp cho tệ nạn này.

Cụ thể, hơn 9.000 cô gái làm việc tại các quán bar được gọi là "tiếp viên", nhưng chính quyền yêu cầu họ xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục mỗi tuần một lần. Các nhà hoạt động chỉ trích động thái này, cho rằng đây chẳng qua là một phương thức quảng bá cho nền công nghiệp tình dục "sạch" ở địa phương.

Báo Mỹ hé lộ cuộc sống tuyệt vọng của những 'cô gái dịch vụ' ở 'khu đèn đỏ' lớn nhất Philippines - 1
Một khu phố cho người đi bộ ở "trung tâm đèn đỏ" Angeles (Ảnh: Philippines Street Styles)

Trong khi đó, chủ các quán bar thậm chí còn không tuân thủ quy định về độ tuổi tối thiểu của các nhân viên, khiến cho tình trạng nạn nhân buôn người ở độ tuổi vị thành niên làm việc xảy ra thường xuyên. Nạn nhân trẻ nhất trả lời phỏng vấn của Fuller Project - hãng tin độc lập chuyên điều tra các vấn đề ảnh hưởng tới phụ nữ - thậm chí mới 10 tuổi.

Các nhà hoạt động cũng cảnh báo rằng việc một nhà ga sân bay sẽ được mở cửa vào năm 2020 sẽ khiến lượng khách du lịch tăng gấp ba, đồng nghĩa với nguy cơ buôn bán, lạm dụng tình dục tăng cao.

"Nếu du lịch phát triển gấp đôi thì khả năng trẻ em bị tổn thương cũng tăng gấp đôi," Dolores Alforte, giám đốc điều hành tại Philippines của tổ chức phi chính phủ chống buôn bán và lạm dụng trẻ em (gọi tắt là ECPAT) nhận xét.

Tháng 07/2018, thị trưởng Angeles ở thời điểm đó là Edgardo Pamintuan cùng nhà hoạt động phi lợi nhuận Mỹ Robert Wagner đã gặp gỡ John McGregor, cán bộ nhân quyền của Đại sứ quán Mỹ ở Philippines. Họ đề ra bản kế hoạch bao gồm 6 điểm nhằm theo dõi, bắt giữ những công dân Mỹ phạm tội lạm dụng tình dục phụ nữ và bé gái Philippines, trong đó có cả đề xuất lắp đặt camera an ninh ngoài các quán bar, và lập kiosk để các nạn nhân có thể báo cáo sự việc và yêu cầu trợ giúp.

Tuy vậy đến nay không có hành động nào được triển khai theo bản kế hoạch mà giới truyền thông đề cập. Đại sứ quán Mỹ ở Philippines (trụ sở tại Manilla) từ chối bình luận, nhưng trước đây các quan chức Mỹ đã từng tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật của Philippines để ngăn chặn tình trạng buôn người và các vấn đề liên quan.

Trong ánh đèn lờ mờ tại quán bar, một người đàn ông Mỹ vẫy tay gọi cô bé 14 tuổi lại gần. Cô bé nói tên mình là Rose và năm nay đã 18 tuổi, nhưng rõ ràng đây là hai lời nói dối. Tên và tuổi này được lấy từ giấy tờ giả mạo mà cô gái dùng để nhận việc tại quán bar. Người quản lý quán bar nói với người đàn ông Mỹ rằng sẽ mất 2.000 peso (khoảng 38 USD) nếu muốn đưa cô bé về khách sạn "trong một khoảng thời gian ngắn". Người đàn ông Mỹ dúi tờ tiền màu xanh vào tay người quản lý.

Báo Mỹ hé lộ cuộc sống tuyệt vọng của những 'cô gái dịch vụ' ở 'khu đèn đỏ' lớn nhất Philippines - 2
Khung cảnh thành phố Angeles về đêm (Ảnh: Getty Images)

"Trông họ cứ như ông nội cháu vậy," Rose kể lại.

Rose là người trẻ nhất trong số 30 cô gái có mặt trong quán bar hôm đó, dù bản thân cô cũng không chắc chắn về điều đó.

Theo phóng viên của Washington Post, trong số 150 người thực hiện phỏng vấn với Fuller Project, đa số muốn rời bỏ nghề mại dâm, nhưng không biết làm cách nào.

Những cô bé dưới 18 tuổi lo ngại rằng nếu được "giải cứu", họ sẽ đem tới những phiền phức cho bạn bè và người thân. Một số cô gái sợ rằng theo đạo luận chống lại mại dâm của Philippines hiện nay, việc họ báo hành vi lạm dụng tình dục của người nước ngoài sẽ khiến bản thân họ phải vào tù.

"Những chuyện thế này là bình thường," Rose nói. Cô bé tiết lộ bản thân bị bán vào đường dây mại dâm bởi một người đàn ông Mỹ năm 12 tuổi. Hiện tại cô bé đang "làm việc tự do" cùng một nhóm bạn, tất cả đều ở độ tuổi vị thành niên.

Theo đạo luật PROTECT do Mỹ ban hành năm 2003, mọi công dân phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em đều có thể bị xét xử ở Mỹ, bất kể hành vi vi phạm xảy ra ở nước nào. Tuy vậy, dù có cả một nhóm đặc vụ chuyên điều tra những vụ công dân Mỹ xâm hại tình dục trẻ em ở Philippines, tới nay chưa có nhiều đối tượng bị kết án, theo Washington Post.

"Chúng tôi đã xác định một số đối tượng là công dân Mỹ đã tới những nơi như Philippines với mục đích quan hệ tình dục với trẻ em nghèo," Stacie Harris, trợ lý thứ trưởng tư pháp Mỹ kiêm điều phối viên quốc gia về nạn buôn người và lạm dụng trẻ em cho biết.

Tuy vậy luật PROTECT không có ảnh hưởng gì tới công dân Mỹ mua dâm các cô gái đủ tuổi trưởng thành ở nước ngoài.

"Chúng tôi không có quyền hạn xử lý những du khách Mỹ đón ai đó ở một góc phố", bà Harris nói.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)