Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Chiến lược phong tỏa Vũ Hán: Khắc nghiệt nhưng hiệu quả

Vào tháng 1, quyết định phong tỏa thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc đã khiến truyền thông thế giới và nhiều chuyên gia sửng sốt và nghi ngờ về độ hiệu quả của phương pháp chống dịch này.

Chiến lược phong tỏa Vũ Hán: Khắc nghiệt nhưng hiệu quả

Khi đó, các nhà dịch tễ học cảnh báo quyết định phong tỏa Vũ Hán là một thử nghiệm rộng lớn và nó có thể không đem lại hiệu quả mặc dù tổn thất về kinh tế và con người là rất lớn.

Phương pháp kiểm dịch này chưa bao giờ được thử trên quy mô lớn như vậy trong thế giới hiện đại.

Thành phố Vũ Hán với dân số lên tới 11 triệu người, cùng hàng chục triệu người ở các thành phố lân cận đã chịu chung cảnh "nội bất xuất ngoại bất nhập", nhiều câu hỏi đã được đặt ra về tính đúng đắn của quyết định này.

Chiến lược phong tỏa Vũ Hán: Khắc nghiệt nhưng hiệu quả - 1
Người dân Vũ Hán xếp hàng chờ nhận thực phẩm. Ảnh: AFP

Nhưng gần 2 tháng sau, mọi nghi ngờ đều đã được xóa bỏ khi Trung Quốc hiện đã trải qua hai ngày liên tiếp không xuất hiện ca bệnh mới trong nước. Tất cả các ca nhiễm mới đều từ nước ngoài trở về, Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết.
Bắt đầu trong vài giờ sau khi thông báo, các hoạt động ra vào Vũ Hán nói riêng và tỉnh Hồ Bắc nói chung hoàn toàn bị cấm, không có ngoại lệ ngay cả đối với các trường hợp khẩn cấp cá nhân và y tế. Các trường học và trường đại học bị đóng cửa dài hạn.

Ngoại trừ hiệu thuốc và siêu thị, tất cả các cửa hàng khác đều ngừng công việc kinh doanh. Các phương tiện cá nhân đã bị chặn khỏi các tuyến đường nếu không thực hiện nhiệm vụ còn hệ thống giao thông công cộng rơi vào cảnh "đắp chiếu", khiến nhiều người liên tưởng tới khung cảnh hậu tận thế.

Chiến lược phong tỏa Vũ Hán: Khắc nghiệt nhưng hiệu quả - 2
Chính quyền thiết lập rào chắn trước các ngôi nhà để ngăn người dân ra đường. Ảnh: AFP

Ban đầu, người dân được phép ra khỏi nhà, nhưng những hạn chế đã sớm được thắt chặt. Một số khu vực chỉ cho phép mỗi hộ cử một người ra ngoài mua nhu yếu phẩm sau 2 ngày. Những nơi khác cấm cư dân rời đi và chỉ cho phép mua hàng qua mạng.

Sau đó, chính sách này càng trở nên nghiêm khắc hơn, khi các nhân viên công cộng sẽ đến tận nhà để kiểm tra sức khỏe và buộc bất kỳ ai bị bệnh phải cách ly.

Các biện pháp kiểm soát đã được tăng cường ở những nơi khác trên khắp Trung Quốc ngay sau khi Vũ Hán bị khóa, một phần vì lo ngại rằng mọi người đua nhau trốn thoát khỏi thành phố trước khi nó bị đóng cửa có thể đã thúc đẩy sự lây lan của Covid-19.

Tuy vậy, biện pháp phòng, chống dịch theo kiểu Vũ Hán không nhất thiết là hình mẫu để các quốc gia và vùng lãnh thổ noi theo. Ví dụ như tại Đài Loan và Singapore, chính quyền cho đến nay đã có thể ngăn chặn căn bệnh thông qua các chương trình kiểm tra, xét nghiệm và theo dõi kỹ lưỡng, cũng như buộc người dân tự cách ly khỏi cộng đồng.

Phó giáo sư Chen Xi tại Trường Y tế Công cộng Yale, cho biết dù ông tin rằng Trung Quốc đã ngăn chặn thành công Covid-19, nhưng không phải tất cả các phương pháp được áp dụng đều cần thiết.

"Tôi không nghĩ rằng phương pháp phong tỏa là cần thiết và khả thi. Hồ Bắc đã phải chọn phương án này vì họ che đậy thông tin về dịch bệnh quá lâu đến mức quy mô của cuộc khủng hoảng vượt quá khả năng xử lý của mình", ông Chen nhận định.

Ngoài ra, phó giáo sư Chen cho biết các chiến lược giảm thiểu rủi ro lây lan như cách ly sớm, chẩn đoán sớm, và điều trị sớm là những phương án cần thiết để các quốc gia khác xem xét nghiêm túc.

Hiện tại chính phủ Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn lơi lỏng lệnh phong tỏa. Phần lớn Vũ Hán vẫn đang "trong thời chiến", mặc dù một số người được phép quay lại làm việc nhưng phải tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng dịch do lo ngại dịch bệnh có thể tái xuất hiện.

Nhiều nhà hàng và cửa hàng yêu cầu khách phải kiểm tra nhiệt độ và để lại thông tin trước khi vào, hoặc phải giới hạn số lượng khách.

Các quan chức đặc biệt cảnh giác với các trường hợp du khách hoặc công dân trở về từ nước ngoài, chính quyền thủ đô Bắc Kinh và tỉnh An Huy đang yêu cầu du khách từ nước ngoài phải cách ly trong các khu vực tập trung.

Những nơi khác như Thượng Hải và tỉnh Quảng Đông đang yêu cầu tất cả khách du lịch từ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch - bao gồm Vương quốc Anh và Ý, phải cách ly tại nhà hoặc trong các trung tâm cách ly trong 14 ngày.

Theo Bắc Hiệp (Ngaynay.vn)




https://ngaynay.vn/the-gioi/chien-luoc-phong-toa-vu-han-khac-nghiet-nhung-hieu-qua-168338.html