“Tôi không đối xử với các con như trẻ con, không la mắng chúng. Tôi không bao giờ bắt chúng phải học. Tôi không kiểm tra bài tập về nhà của chúng. Đó là trách nhiệm của bọn trẻ”.
Như bất kỳ người mẹ nào, bà Maye Musk chia sẻ rằng bà yêu các con và rất tự hào về những gì các con đã đạt được.
Con trai cả của bà là tỷ phú Elon Musk. Con trai thứ hai của bà, Kimbal, mở nhà hàng theo mô hình từ nông trại đến bàn ăn. Tosca, con gái út của bà, là nhà sản xuất và đạo diễn phim.
“Mọi người thường hỏi tôi làm thế nào để nuôi dạy những đứa trẻ thành công như vậy. Tôi nói với họ rằng, tôi làm được điều đó là nhờ dạy chúng làm việc chăm chỉ và để chúng theo đuổi đam mê riêng”.
Để con làm việc từ nhỏ
Bà Maye là mẹ đơn thân khi mới 31 tuổi. Bà phải làm việc toàn thời gian vì không có lựa chọn khác. Con cái là ưu tiên hàng đầu của bà nên bà làm việc chăm chỉ để các con có nhà để ở, có đồ để ăn, có quần áo để mặc.
Tuổi thơ của bà là những tháng ngày gian khó và phải làm việc từ nhỏ để phụ giúp bố mẹ. Bà bắt đầu làm việc cho bố từ năm 8 tuổi. Bà và cô em sinh đôi Kaye được trả 5 xu/giờ để giúp bố gửi bản tin hàng tháng.
Họ phải gấp tờ thông báo nhỏ lại, bỏ vào phong bì và dán tem. Hai chị em làm khoảng 1.000 bản như vậy mỗi tháng. Khi được 12 tuổi, họ bắt đầu làm công việc của nhân viên lễ tân tại phòng khám.
“Bố mẹ đối xử với chúng tôi như những người lớn đáng tin cậy. Và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến cách tôi nuôi dạy con cái. Từ lúc nhỏ, các con tôi đã giúp mẹ trong công việc”, bà Maye Musk chia sẻ.
Khi sống ở Bloemfontein, bà đã đưa con gái út Tosca đi theo khi làm việc ở trường người mẫu mà bà đang điều hành.
“Một cô bé 8 tuổi dạy học sinh cách đi đứng, biên đạo các buổi trình diễn thời trang và điều hành các lớp học nghi thức xã giao. Tôi thậm chí còn bắt con hỗ trợ tất cả các buổi trình diễn của mình".
Cho con quyết định điều con muốn
Bà Maye nuôi dạy con giống như cách cha mẹ đã nuôi dạy chị em bà. Bà dạy các con độc lập, tử tế, trung thực, chu đáo và lịch sự. Bà dạy con hiểu tầm quan trọng của làm việc chăm chỉ và làm những điều tử tế.
“Tôi không đối xử với các con như trẻ con, cũng không la mắng chúng. Tôi không bao giờ bắt chúng phải học. Tôi không kiểm tra bài tập về nhà của chúng. Đó là trách nhiệm của bọn trẻ”.
Khi các con lớn lên, họ tự chịu trách nhiệm về tương lai thông qua các quyết định mà họ tự đưa ra. Cả ba đều nộp đơn vào trường đại học mà họ lựa chọn và hoàn thành đơn xin học bổng, đơn vay vốn sinh viên.
Bà quan niệm, trẻ em không cần được bảo vệ khỏi thực tế của việc chịu trách nhiệm. “Con tôi được hưởng lợi vì chúng thấy tôi làm việc chăm chỉ để có một mái nhà che đầu, để có đồ ăn và có quần áo cũ để mặc”.
Khi cả ba đi học đại học, họ đều sống trong điều kiện khá tồi tệ: Nằm nệm đặt trên sàn, 6 người chung một phòng hoặc chung một ngôi nhà tồi tàn. Nhưng họ vẫn ổn với điều đó.
Bà cho rằng, nếu bọn trẻ không quen được sống xa xỉ, chúng vẫn sẽ sống tốt. “Bạn không cần phải chiều chuộng chúng. Khi bạn chắc chắn con bạn đang ở trong tình trạng an toàn, hãy để chúng tự chăm sóc bản thân.
Rất nhiều phụ huynh dễ bị căng thẳng vì con cái. Tôi thường thấy điều đó trong quá trình hành nghề dinh dưỡng của mình. Họ có quá nhiều giấy tờ cần phải điền để con cái được vào một ngôi trường tốt.
Lời khuyên của tôi là gì? Hãy để con bạn tự xử lý hồ sơ đại học hoặc những giấy tờ liên quan đến công việc của chúng. Chúng nên chịu trách nhiệm cho tương lai của mình.
Hoặc nếu chúng thích khởi nghiệp và bạn nghĩ đó là một ý tưởng hay, hãy ủng hộ các con. Hãy dạy con bạn cách cư xử tốt. Nhưng hãy để chúng quyết định những gì chúng muốn” – bà khuyên.
Theo Nguyễn Thảo (VietNamNet)