Thế giới

Iran đề nghị Interpool bắt Tổng thống Trump

Đây là lần thứ hai Iran gửi yêu cầu tới Interpol về việc bắt giữ Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi chỉ còn hai tuần nữa là diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng.

Theo Al Jazeera đưa tin, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 5/1, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Iran Gholamhossein Esmaili cho biết Tehran đã gửi đề nghị tới Interpol, yêu cầu bắt giữ ông Trump cùng với 47 quan chức khác của Mỹ bị cho là có dính líu đến vụ sát hại tướng Soleimani một năm trước đây. “Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran rất nghiêm túc theo đuổi vụ việc và trừng phạt những kẻ ra lệnh và thực hiện tội ác này”, ông Esmaili nói.

Iran đề nghị Interpool bắt Tổng thống Trump
Tướng Qasem Soleimani, người bị sát hại trong cuộc không kích do Mỹ tiến hành vào tháng 1/2020. Ảnh: AP

"Yêu cầu phát lệnh truy nã đỏ với 48 người tham gia vào vụ sát hại tướng Soleimani, bao gồm tổng thống Mỹ, và các chỉ huy, quan chức ở Lầu Năm Góc cùng lực lượng Mỹ ở khu vực, đã được trao cho Interpol", người phát ngôn Esmaili nói.

"Cộng hòa Hồi giáo Iran rất nghiêm túc trong việc truy đuổi, trừng trị những người ra lệnh và thực hiện tội ác này", người phát ngôn Esmaili nói trước các phóng viên.

Đây là lần thứ hai Iran yêu cầu Interpol ban hành “truy nã đỏ” bắt giữ ông Trump cùng hàng chục quan chức Lầu Năm góc, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ đóng tại vùng Vịnh. Truy nã đỏ (red notice) là một yêu cầu thực thi pháp luật có phạm vi trên toàn thế giới nhằm xác định vị trí và bắt giữ một người phạm tội để dẫn độ. 

Lệnh truy nã đỏ được ban hành bởi tổng thư ký Interpol theo yêu cầu của các quốc gia thành viên, hoặc một tòa án quốc tế dựa trên một lệnh bắt giữ quốc gia hợp lệ.

Tháng 6/2020, Công tố viên trưởng Tehran, ông Ali Alqasimehr, đã ban hành yêu cầu bắt giữ tương tự, cáo buộc ông Trump và giới chức Mỹ phạm tội giết người và khủng bố. Tuy nhiên, tại thời điểm đó Interpol đã bác đề nghị của Iran, với lý do Interpol duy trì tính trung lập chính trị, điều lệ hoạt động cấm tổ chức này tham gia các hoạt động mang tính chất chính trị, quân sự, tôn giáo hoặc chủng tộc.

Tướng Soleimani khi đó là người chỉ huy các hoạt động tại nước ngoài của Vệ binh Cách mạng Iran. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và vận hành các nhóm vũ trang Shia ở nhiều nước láng giềng, trong đó có Yemen và Iraq, giúp tạo dựng tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Vụ ám sát đẩy căng thẳng Mỹ - Iran gia tăng, đưa cuộc khủng hoảng an ninh ở vịnh Ba Tư - bắt đầu khi ông Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran - lên cao trào.

Đức Minh (nguoiduatin.vn)