Năm 2002, một vụ tai nạn hàng không thảm khốc đã xảy ra tại tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), khiến toàn bộ 112 người thiệt mạng. Tuy nhiên, điều khiến dư luận rúng động lại là nguyên nhân thực sự phía sau: một hành khách đã cố tình phóng hỏa máy bay để nhận tiền bảo hiểm.

Chuyến bay CJ6136 cất cánh từ sân bay quốc tế Bắc Kinh lúc 20 giờ 37 phút, ngày 7/5, dự kiến hạ cánh tại sân bay Chu Thủy Tử (Đại Liên) lúc 21 giờ 40 phút. Đến khoảng 21 giờ 22 phút, khi máy bay đang hạ độ cao xuống còn khoảng 1.200 mét, cơ trưởng Vương Vĩnh Tường thông báo với đài kiểm soát không lưu rằng có khói trong cabin. Chỉ vài phút sau, ông tiếp tục báo buồng lái cũng bị khói bao trùm, sau đó mọi liên lạc bị cắt đứt.

hop-dong-bao-hiem.jpg

Ngay trong đêm, lực lượng cứu nạn được điều động. Công tác tìm kiếm kéo dài đến ngày 25/5 với sự tham gia của hơn 17.800 lượt người, gần 1.300 lượt tàu, và hơn 700 giờ lặn. Tổng cộng 92 thi thể và nhiều phần thi thể, hành lý, mảnh vỡ máy bay cùng hai hộp đen (thiết bị ghi âm buồng lái và dữ liệu bay) được vớt lên. Các dữ liệu trong hộp đen là bằng chứng quan trọng làm sáng tỏ diễn biến vụ việc.

Sau nhiều tháng điều tra, ngày 7/12/2002, Tân Hoa Xã công bố kết quả khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Thủ phạm gây ra thảm kịch là hành khách Trương Phi Lâm, một người đàn ông đang rơi vào cảnh nợ nần và khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

hop-dong-bao-hiem-1.jpg
Thủ phạm gây ra vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng ở Trung Quốc năm 2002.

Theo kết quả điều tra do cơ quan chức năng Trung Quốc công bố, Trương Phi Lâm, muốn nhận được khoản bảo hiểm 1,4 triệu nhân dân tệ (khoảng 2,8 tỷ đồng ở thời điểm đó), đã bỏ ra vỏn vẹn 140 tệ để mua 7 hợp đồng bảo hiểm tai nạn ngay tại sân bay Bắc Kinh, chỉ vài giờ trước chuyến bay.

Trương đã mang theo một chai xăng được nguỵ trang trong vỏ chai nước ngọt, lén đem lên máy bay và châm lửa đốt ngay tại khu vực ghế ngồi của mình, khiến toàn bộ cabin nhanh chóng chìm trong khói và lửa. Phi hành đoàn không kịp phản ứng và máy bay mất kiểm soát, rơi xuống biển chỉ cách sân bay điểm đến 20 km.

Trương Phi Lâm từng làm việc tại Công an thành phố Đại Liên từ năm 1990. Tuy nhiên, do bất mãn vì không được phân nhà ở công vụ như kỳ vọng, Trương nghỉ việc và tìm công việc khác.

Thế nhưng, dù nhiều lần nhảy việc, Trương không hài lòng với bất cứ công việc nào. Cuối cùng, ông ta mở một công ty nhỏ chuyên nhận thi công nội thất nhà ở tại địa phương. Giai đoạn đầu tháng 5/2002, dù là mùa cao điểm kinh doanh, Trương vẫn rời bỏ công việc và gia đình một cách bí ẩn.

Vào sáng ngày cuối kỳ nghỉ lễ 1/5, Trương nói với nhân viên rằng phải bay gấp ra Bắc Kinh để thu hồi nợ vì công ty hết tiền trả lương. Trước khi lên máy bay, Trương gọi điện cho vợ, một người bạn thân và một người phụ trách công trình, không hề đề cập đến ý định tự sát.

Sau vụ rơi máy bay, khi gia đình Trương đến công ty bảo hiểm yêu cầu chi trả, họ mới biết rằng ông ta là người mua bảo hiểm nhiều nhất trên chuyến bay và vị trí cháy đầu tiên cũng chính là ghế ngồi của Trương. Do nghi vấn lớn, các công ty bảo hiểm lập tức ngừng xử lý yêu cầu bồi thường và phối hợp với cơ quan điều tra.

Khi điều tra xác nhận Trương Phi Lâm là thủ phạm phóng hỏa, các công ty bảo hiểm từ chối chi trả, theo quy định loại trừ đối với hành vi phạm tội có chủ đích.

Thảm kịch chuyến bay 6136 đã đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về công tác giám sát an ninh hàng không và quản lý bảo hiểm. Việc hành khách có thể mang chất cháy nổ lên máy bay, đồng thời mua nhiều hợp đồng bảo hiểm một cách dễ dàng ngay tại sân bay, cho thấy những lỗ hổng lớn trong hệ thống ở thời điểm đó.

Sau vụ việc, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã phải tiến hành rà soát toàn diện quy trình kiểm tra an ninh, đồng thời thắt chặt quy định mua bảo hiểm hàng không, bao gồm hạn chế số lượng hợp đồng được mua trong thời gian ngắn, xác minh danh tính và mục đích mua bảo hiểm.

Theo Vu Lam (Nhịp sống thị trường)