Thế giới

Myanmar: Internet lại bị cắt, lãnh đạo phe biểu tình thúc giục áp dụng chiến thuật 'chiến tranh du kích'

Tình hình ở Myanmar tiếp tục xấu đi giữa lúc phương Tây tăng cường đòn cấm vận nhằm vào chính phủ quân sự.

Chiến tranh du kích

Các nhóm biểu tình ở Myanmar đã tổ chức các cuộc biểu tình dưới ánh nến trong đêm và cố gắng tìm cách giải quyết việc bị cắt internet vào ngày 2/4. Trong lúc đó, những người phản đối chiến dịch đàn áp đẫm máu của quân đội Myanmar tuyên bố sẽ không từ bỏ nỗ lực "hạ bệ" các tướng lĩnh cầm quyền.

Các nhóm chống đảo chính đã chia sẻ tần số vô tuyến, tài nguyên internet ngoại tuyến để thông báo tin tức bằng tin nhắn văn bản nhằm cố gắng vượt qua các hạn chế mới trên internet - hiện chỉ giới hạn quyền truy cập trang web đối với các dịch vụ đường dây cố định.

Quân đội không thông báo hoặc giải thích lệnh yêu cầu các công ty viễn thông cắt băng thông mạng không dây. Trước đó, quân đội đã ban hành lệnh cấm dữ liệu di động bởi người biểu tình đã sử dụng hình thức này để huy động một phong trào toàn quốc trên truyền thông xã hội, lan truyền hình ảnh về cuộc đàn áp gây chết người của quân đội đối với các cuộc biểu tình chủ yếu do thanh niên lãnh đạo.

Myanmar: Internet lại bị cắt, lãnh đạo phe biểu tình thúc giục áp dụng chiến thuật 'chiến tranh du kích'
Ảnh: REUTERS/Stringer

Vào cuối ngày 1/4, những người biểu tình đã phát đi lời kêu gọi "tấn công bằng hoa" tại các bến xe buýt - nơi những người biểu tình tử vong do lực lượng an ninh đã đi chuyến đi cuối cùng của họ.

"Chúng tôi sẽ để hoa tại các bến xe buýt vào ngày mai... Đó là điều tôi muốn nói với các bạn trước khi mạng internet ngừng hoạt động", Khin Sadar, một nhà lãnh đạo cuộc biểu tình, đăng trên Facebook.

"Những ngày sau đó, sẽ có các cuộc biểu tình trên đường phố. Hãy thực hiện càng nhiều cuộc tấn công du kích càng tốt. Hãy tham gia."

"Chúng ta hãy nghe radio. Chúng ta hãy gọi điện thoại cho nhau."

Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn trong hai tháng sau khi quân đội lật đổ chính quyền được bầu của bà Aung San Suu Kyi. Việc này đã làm dấy lên sự giận dữ trên khắp các thị trấn và thành phố, làm bùng phát các cuộc chiến giữa các lực lượng vũ trang và quân nổi dậy dân tộc thiểu số ở một số khu vực khác nhau.

Hôm 1/4, luật sư của bà Aung San Suu Kyi cho biết quân đội đã cáo buộc một tội danh mới cho bà, cụ thể là vi phạm đạo luật về bảo mật. Đây là tội danh nghiêm trọng nhất cho đến nay và có thể bị phạt tới 14 năm tù. Ngoài ra, bà Suu Kyi còn bị cáo buộc hai tội danh tương đối nhẹ khác.

Các cáo buộc khác cũng được quân đội trình lên để kiện 3 bộ trưởng trong nội các bị phế truất của bà Suu Kyi và cố vấn kinh tế người Úc Sean Turnell. Những người này nằm trong số hàng trăm người bị giam giữ trong chiến dịch truy quét nhân vật đối lập của quân đội Myanmar kể từ khi quân đội lên nắm quyền và cáo buộc cuộc bầu cử mà bà Suu Kyi chiến thắng có dấu hiệu gian lận.

Luật sư Min Min Soe cho biết bà Suu Kyi có sức khỏe tốt trong buổi điều trần qua video hôm 1/4, nhưng không thể biết liệu nhà lãnh đạo này có được cung cấp thông tin về tình hình ở Myanmar hiện tại hay không. Được biết, bà Suu Kyi là người đứng đầu trong cuộc đấu tranh vì dân chủ kéo dài hàng thập kỷ của Myanmar.

Myanmar: Internet lại bị cắt, lãnh đạo phe biểu tình thúc giục áp dụng chiến thuật 'chiến tranh du kích' - 1
Ảnh: REUTERS/Stringer

"Chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng"

Những người biểu tình đã xuống đường ở một số trung tâm đô thị cả ngày lẫn đêm hôm 1/4. Tại đây, một số người đã đốt các bản sao của hiến pháp năm 2008 do quân đội soạn thảo. Truyền thông đưa tin hai người đã thiệt mạng, trong đó có một thanh niên 18 tuổi, khi cảnh sát nổ súng để dập tắt các cuộc biểu tình.

Khit Thit Media đưa tin đã nghe thấy nhiều tiếng súng trong đêm ở khu vực có 400 binh sĩ Myanmar hiện diện. Thông tin này chưa được xác minh chính xác.

Khoảng 543 người đã thiệt mạng trong cuộc nổi dậy - theo nhiều nguồn tin. Quân đội đã nhiều lần nói rằng những người tử vong đều đã kích động bạo lực.

Một đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội vào cuối ngày 1/4 cho thấy một người đàn ông bất tỉnh đã bị một nhóm 7 người đàn ông mặc đồng phục quân đội, đội mũ bảo hiểm dùng súng trường đá và đánh đập. Họ kéo người đàn ông gục mặt xuống đường trước khi mang người này đi nơi khác.

Một hình ảnh khác được chia sẻ rộng rãi cho thấy cảnh hàng trăm ngọn nến được xếp trên một con đường trong bóng tối, tạo thành dòng chữ "chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng".

Hôm 1/4, Anh đã trừng phạt một trong những tập đoàn lớn nhất của quân đội Myanmar sau một động thái tương tự của một số nước phương Tây. Britain’s Next trở thành thương hiệu mới nhất tạm dừng các đơn đặt hàng từ các nhà máy của Myanmar.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói: "Quân đội Myanmar ngày càng tồi tệ hơn khi giết người vô tội, bao gồm cả trẻ em". Động thái của Vương quốc Anh đã được người đồng cấp Mỹ Antony Blinken hoan nghênh.

Theo Tất Đạt (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/myanmar-internet-lai-bi-cat-lanh-dao-phe-bieu-tinh-thuc-giuc-ap-dung-chien-thuat-chien-tranh-du-kich-161210204122059497.htm