Nga gọi đây là đòn tấn công sau lưng và có thể triển khai máy bay đặc dụng cùng phương tiện tác chiến điện tử chế áp “chọc mù” Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga gọi đây là đòn tấn công sau lưng và có thể triển khai máy bay đặc dụng cùng phương tiện tác chiến điện tử chế áp “chọc mù” Thổ Nhĩ Kỳ.

Hãng tin RIA Novosti của Nga dẫn lời chuyên gia quân sự nước này tuyên bố Bộ Quốc phòng Nga có thể sẽ sử dụng các máy bay đặc biệt cùng các phương tiện tác chiến điện tử ở Syria nhằm tránh kịch bản tương tự vụ Su-24 bị bắn hạ.

Trung tướng Evgenia Buzhinsky nói: “Về việc sự cố vừa qua sẽ ảnh hưởng như thế nào tới chiến dịch (không kích của Nga ở Syria) trong thời gian tới, tôi cho rằng phi công của chúng ta sẽ chú ý hơn.

Nếu người Thổ tiếp tục hành xử như vậy, Nga sẽ buộc phải sử dụng các phương tiện chế áp và tác chiến điện tử cũng như cho cất cánh những chiếc máy bay đặc dụng để bảo vệ phi công của chúng ta trước các đòn tấn công bằng tên lửa”.

Phương tiện tác chiến điện tử của Nga có đủ khả năng chế áp Thổ Nhĩ Kỳ?

Theo lời Trung tướng Buzhinsky, các phương tiện giám sát khách quan cho phép xác định một cách tin cậy rằng máy bay cường kích Su-24 của Nga đã bị bắn rơi ở đâu và như thế nào, qua đó loại trừ những thông tin sai lệch về vấn đề này.

Chiều 24/11, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một máy bay của Nga đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và bị các máy bay F-16 của nước này bắn hạ ở khu vực biên giới giáp Syria. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định chiếc Su-24 hoàn toàn trong không phận Syria.

Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày đã lên tiếng khẳng định chiếc Su-24 của nước này đã bị bắn hạ trong lãnh thổ của Syria và cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 1 km.

Phát biểu trong cuộc gặp Quốc vương Jordan Abdullah tại Sochi, Tổng thống Putin cho biết máy bay Nga bị bắn hạ trên không phận của Syria bằng tên lửa phóng đi từ máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Nga Putin gọi đây là đòn tấn công từ sau lưng của Thổ Nhĩ Kỳ

Máy bay Nga đang bay ở độ cao 6.000 m và cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 1km. Sau khi bị bắn, máy báy Nga đã rơi xuống vị trí cách biên giới Thổ Nhĩ kỳ 4 km.

Tổng thống Nga khẳng định trong mọi trường hợp, các phi công và máy bay của Nga không đe dọa lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ vì họ đang tiến hành hoạt động chống "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria.

Tổng thống Putin nhận định việc chiếc Su-24 bị bắn rơi tại Syria đã vượt ra ngoài cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã cố tình tấn công máy bay Nga, dù Nga đã ký thỏa thuận với Mỹ về báo trước các sự cố như vậy.

Tổng thống Nga thậm chí còn gọi đây là một đòn đánh "từ sau lưng" và cho rằng vụ việc này sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ song phương giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Máy bay Su-24 của Nga tại Syria

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã triệu Tùy viên quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Moskva đến làm việc liên quan đến vụ việc trên, song không tiết lộ thêm thông tin.

Đáng chú ý, về phần mình, nguồn tin quốc phòng Mỹ khẳng định các lực lượng của nước này không liên quan đến vụ máy bay Nga bị bắn hạ.

Nhiều nghị sĩ Nga thậm chí đã kêu gọi cắt đứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, lên án Ankara cố tình gây căng thẳng.

Phó Chủ tịch Duma Quốc gia, thành viên Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện), ông Nikolai Levichev tuyên bố: "Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế bắt đầu cuộc chiến đầy đủ chống khủng bố, sào huyệt của chúng là khu vực lãnh thổ Syria do IS chiếm đóng, Thổ Nhĩ Kỳ đang biểu lộ sự đoàn kết với những kẻ khủng bố và bắn hạ máy bay của chúng ta trên lãnh thổ Syria. Hành động gây hấn này có thể so với cuộc tấn công vào chiếc máy bay Nga khác trên bầu trời (bản đảo) Sinai".

Nghị sĩ Levichev cho rằng Nga "cần ngừng dịch vụ hàng không tới Thổ Nhĩ Kỳ và sơ tán công dân Nga ở đó" và Nga cũng cần triệu hồi Đại sứ Nga ở Ankara để tham vấn.

Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Leonid Kalashnikov cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã cố tình gây căng thẳng. Ông tuyên bố: "Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho những kẻ khủng bố (lực lượng đối lập với Tổng thống Bashar al-Assad) vũ khí, đạn dược và thù địch với những người ủng hộ lực lượng chính phủ Syria".

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia, Vladimir Komoyedov cho rằng máy bay Nga không hề bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ có run?

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triệu Đại biện lâm thời Nga sau khi chiếc máy bay chiến đấu Su-24 của Nga bị các máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ở khu vực biên giới Syria.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho hay đã liên tục cảnh báo máy bay Nga xâm phạm không phận - điều mà Moskva một mực bác bỏ và khẳng định máy bay này vẫn hoạt động trong không phận của Syria.

Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1950, một máy bay của Nga hay Liên Xô trước đây bị một nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắn hạ. NATO đã triệu tập "cuộc họp toàn thể" theo đề nghị từ Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 24/11 nhằm thảo luận về vụ việc.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố việc bắn hạ chiếc máy bay trên không nhằm vào bất cứ quốc gia nào mà chỉ là bước đi để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nước này.

Chiếc Su-24 của Nga bốc cháy trước khi lao xuống đất trên lãnh thổ Syria

Kể từ khi Nga mở chiến dịch không kích chống nhóm khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Syria từ cuối tháng 9 vừa qua, đã xảy ra nhiều tranh cãi giữa Moskva và Ankara liên quan đến các máy bay chiến đấu của Nga. Hôm 3/10 vừa qua, các máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn một máy bay quân sự Nga xâm nhập không phận. Nga khẳng định việc máy bay của nước này bay nhầm vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ là do thời tiết xấu.

Hồi đầu tháng, chính giới chức NATO đã lên tiếng cảnh báo Nga có khả năng tạo ra một “bong bóng” có đường kính lên tới 600 km ở Syria làm mù radar, can thiệp hoạt động của các hệ thống dẫn đường điện tử và thậm chí gây nhiễu ảnh vệ tinh của đối phương…

Lo ngại của NATO xuất hiện sau khi có thông tin ở khu vực chiến sự miền Bắc Syria một hệ thống gây nhiễu điện tử mới của Nga vừa được triển khai.

Máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ

Trước đó, một thông tin khác được lan truyền là Nga đã cho triển khai một tàu tuần dương với hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 ở khu vực duyên hải tình Latakia của Syria.

Giới phân tích phương Tây cũng nhận định các lực lượng của NATO nếu được triển khai cũng sẽ bị làm mù ngay tức khắc bên trong “bong bóng” có đường kính tới 600 km, với trung tâm là căn cứ mà Nga triển khai ở Latakia.

Tuy vậy, giới quân sự phương Tây vẫn chưa hiểu những vũ khí bí mật nào đã được Nga triển khai tại Syria. Họ chỉ có thể phỏng đoán rằng công nghệ này tương tự hệ thống Richag do công ty KRET của Nga sản xuất, song có tầm hoạt động lớn hơn rất nhiều.

Hệ thống tác chiến điện tử Richag của Nga vốn được thiết kế để tránh radar, sonar hoặc các hệ thống phát hiện khác nhằm bảo vệ máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, lực lượng bộ binh cũng như hải quân tránh khỏi các tên lửa không đối không hoặc hệ thống phòng không trong phạm vi vài trăm km.
 
>> So sánh uy lực Su-24 Nga và tiêm kích đa nhiệm F-16

Theo Song Minh (Đất Việt)