Thế giới

Nga im lặng khi bị Mỹ bóc mẽ chất lượng vũ khí

Trong khi Mỹ úp mở những khuyết điểm trên dàn vũ khí mới thì trái lại, Nga luôn im lặng trong quá trình thử nghiệm vũ khí của mình.

Trong khi Mỹ úp mở những khuyết điểm trên dàn vũ khí mới thì trái lại, Nga luôn im lặng trong quá trình thử nghiệm vũ khí của mình.

Theo Jane's Defence Weekly, ngày 7/3, Văn phòng Dự toán và định giá của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề xuất hạn chế mua tàu tác chiến ven bờ (LCS) ở mức 40 chiếc thay vì 52 chiếc theo kế hoạch. “Không cần đến 52 chiếc, chỉ cần một hạm đội 40 tàu chiến là hoàn toàn có thể phát huy rất tốt vai trò quan trọng của mình”, vị đại diện của Văn phòng này cho biết.

Dù đưa ra đề xuất cắt giảm về số lượng nhưng vị đại diện này không cho biết cụ thể nguyên nhân của đề xuất này. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia hải quân, gần như chắc chắn rằng vấn đề nằm ở chỗ lớp chiến hạm LCS đã không như kỳ vọng ban đầu.

Cụ thể, bất chấp vẫn còn nhiều tồn tại về kỹ thuật, giới chức Mỹ trong năm 2012 đã quyết định cho ra lò 52 chiếc LCS. Tuy nhiên, LCS đã liên tục bộc lộ những điểm yếu chết người và gặp trục trặc dù không phải trong chiến đấu.

Chiến hạm LCS.


Trong năm 2013, Hải quân Mỹ phát hiện ra rằng hệ thống máy tính của LCS rất dễ bị tấn công (với chiếc USS Freedom, chiếc tàu đầu tiên thuộc chương trình LCS). Điều gì sẽ xảy ra với một chiến hạm tối tân khi nó bị đối phương khống chế bộ não bằng cách xâm nhập hệ thống máy tính!

Thời gian qua, LCS cũng liên tục “dở chứng”. Hồi cuối tháng 10/2013, USS Freedom được triển khai đến Singapore từ trước đó khoảng 6 tháng đã bị nước tràn vào ở tầng thấp nhất. Nước đã ngập tới gần 1 m. Theo giải trình của Hải quân Mỹ thì đường ống làm mát động cơ tuốc bin số 1 bị nứt, song không xác định được nguyên nhân.

Trước đó, hồi tháng 7/2013, USS Freedom cũng bị hỏng động cơ tạm thời khi đang hoạt động gần Singapore. Lỗi lần này là do rò rỉ khí từ máy phát điện diesel số 2, một trong 4 máy phát của tàu. Động cơ quá nóng và đã đột ngột ngừng chạy. Sau đó máy phát điện số 3 cũng phát sinh sự cố.

Giới chuyên gia quân sự Mỹ đánh giá những trục trặc kiểu này nảy sinh từ quá trình thiết kế và chế tạo. Trong gần một thế kỷ qua, Hải quân Mỹ không cho ra lò bất kỳ mẫu thiết kế mới nào. Thiết kế mới xuất hiện gần đây nhất chính là tàu sân bay.

Tuy nhiên, loại tàu mới này phải cần tới 2 thập kỷ để thử nghiệm và cần tới một cuộc chiến tranh thế giới với quy mô lớn để kiểm nghiệm xem nó thực sự hoạt động ra sao.

Trong khi đó, thời gian thiết kế chế tạo và đưa vào sử dụng của LCS lại rất ngắn. Trên thực tế, chương trình LCS chỉ thực sự bắt đầu từ năm 2003 mà tới năm 2006, cả hai mẫu LCS đều đã được ra lò.

Ngạc nhiên hơn là năm 2010, cả hai mẫu thiết kế LCS hoàn toàn khác nhau đều được lựa chọn để đặt hàng dù về lý thuyết chúng có thể sử dụng chung các thiết bị. Cho tới nay, LCS chưa hề tham chiến, song lại được Mỹ triển khai ra cả nước ngoài.

Ngoài vấn đề về kỹ thuật, LCS còn bị đánh giá là không xứng với chi phí bỏ ra khi giá thành của nó quá đắt đỏ so với dự kiến ban đầu. Trước đây, Hải quân Mỹ muốn đóng từ 50-60 chiếc LCS trong giai đoạn 2014-2018 với chi phí 460 triệu USD mỗi chiếc.

Tuy nhiên, riêng chiếc tàu đầu tiên là USS Freedom đã có chi phí đội lên tới 600 triệu USD. Hải quân Mỹ cũng cố thuyết phục rằng con số này có thể giảm xuống còn 450 triệu USD khi LCS được sản xuất hàng loạt, song đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối.

Vũ khí Nga lộ khuyết điểm khi Mỹ phân tích

Trong khi Mỹ úp mở về những lỗi chết người trên chiến hạm của mình thì các chuyên gia nước này đã tìm được điểm yếu trên siêu vũ khí Nga. Mới đây, một đại diện của Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) đã thẳng thắn chê bai tiêm kích thế hệ năm T-50 của Nga chỉ là bản nâng cấp của Su-35 và rất yếu về tàng hình (thực tế này chưa bao giờ được Nga nhắc đến).

Theo vị đại diện này, Nga luôn gọi tiêm kích Sukhoi T-50 là dòng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5, nhưng xét cho cùng nó chưa thật sự hoàn hảo và dường như chỉ được cái tên hơn những gì mà Sukhoi quảng cáo.

Một chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 không chỉ nằm ở thiết kế tàng hình của nó mà còn nằm ở nhiều yếu tố khác. Cơ sở để người đại diện của Lockheed Martin tin rằng T-50 chưa phải là máy bay tàng hình thực sự là cả hai hệ thống quan trọng nhất của Sukhoi T-50 là radar NIIP Irbis và hệ thống động cơ phản lực NPO Saturn 117S đều được trang bị trên Su-35.

Ngoài ra cả hai dòng máy bay chiến đấu này cũng sử dụng các hệ thống điện tử gần như tương đương nhau. Do đó xét ở một góc độ nào đó Sukhoi T-50 chỉ là một biến thể nâng cấp sâu của Su-35 với thiết kế tàng hình.

Đồng quan điểm với Lockheed Martin, trang Foxtrotalpha ngày 20/8/2015 cũng từng đưa ra nhận định tương tự khi căn cứ vào kho vũ khí Nga trang bị cho dòng tiêm kích thế hệ mới nhất của mình.

Theo đó, trên Twitter của Tập đoàn máy bay thống nhất Nga (UAC, trong đó có hãng Sukhoi) có 1 đồ hoạ về các vũ khí tầm xa mà T-50 sẽ trang bị, gồm tên lửa không đối không, không đối đất, tên lửa diệt hạm, bom… hầu hết đều là vũ khí có tầm bắn xa tối đa đến 400 km.

Tiêm kích T-50.


Với trường hợp T-50 được trang bị tên lửa Izdelie 810 (phiên bản của R-37M) tiêu diệt mục tiêu giá trị cao hoặc máy bay cảnh báo sớm AWACS ở cách xa 400 km, tên lửa hành trình Kh-35UE diệt hạm (bắn xa 260 km), tên lửa hành trình Kh-58UShKE diệt radar (bắn xa 245 km), tên lửa diệt hạm siêu âm BrahMos-NG (bắn xa 290 km)… Ba loại tên lửa bắn xa nhất này đều nằm trong khoang vũ khí trong bụng của T-50.

Việc PAK-FA mang các tên lửa tầm xa để diệt máy bay cảnh báo sớm (AWACS) và cố gắng để ít bị radar đối phương phát hiện là điểm quan trọng của dòng máy bay này so với máy bay tàng hình của Mỹ và cả với máy bay tàng hình của Trung Quốc.

Thậm chí T-50 còn có ưu thế với khả năng tăng tốc (hành trình vượt tốc độ âm thanh (Mach 1) mà không cần dùng buồng đốt hai lần (afterburner, để giúp tăng tốc).

Trái lại, máy bay tàng hình Mỹ như F-22, F-35 chỉ dùng tên lửa không đối không loại AIM-120 AMRAAM và cả AIM-120D (mà cả tiêm kích đời cũ như F-15C cũng dùng) có tầm bắn gần hơn máy bay Nga. Hơn nữa, máy bay Mỹ có nối mạng với hệ thống radar tầm xa từ các chiến hạm hay máy bay cảnh báo sớm có tầm bao quát hàng trăm km.

Máy bay tàng hình Mỹ cũng không mang theo tên lửa diệt radar hay tên lửa diệt hạm tầm xa như của T-50, nghĩa là máy bay Mỹ có thể bay đến gần mục tiêu mà không bị phát hiện hơn là máy bay tàng hình của Nga.

Điều này cũng có nghĩa là máy bay tàng hình của Nga phải phụ thuộc vào vũ khí tầm xa khi tấn công đối phương ở khoảng cách xa thay vì đến gần, do khả năng tàng hình của nó yếu kém hơn máy bay Mỹ.

Tuy nhiên, theo giới thiệu của nhà sản xuất Nga, tiêm kích T-50 được trang bị công nghệ tàng hình độc đáo và hiệu quả nhất thế giới – công nghệ plasma độc đáo của người Nga.

Theo Tuấn Hưng (Đất Việt)