Thế giới

Tiêm kích F-35 thua "bà già" F-16 khi không chiến gần

Trong một cuộc không chiến giả định, F-35 cho thấy những điểm bất lợi của mình khi tấn công đối phương hoặc né đạn ở cự ly gần.

Trong một cuộc không chiến giả định, F-35 cho thấy những điểm bất lợi của mình khi tấn công đối phương hoặc né đạn ở cự ly gần.
Cuộc không chiến giả định diễn ra tại khu vực gần căn cứ Không quân Edward, bang California, Mỹ. Một chiến đấu cơ tàng hình F-35 đọ sức về tốc độ, hỏa lực và độ linh hoạt với chiếc máy bay chiến đấu già cỗi F-16 được chế tạo từ những năm 1970.
 
Mục đích của trận không chiến giả là thử nghiệm khả năng tác chiến của F-35 ở độ cao từ 3.000 tới 9.000 m. Phi công trên hai tiêm kích có thể dùng mọi vũ khí để hạ gục đối phương.
 
Tuy nhiên, theo báo cáo của phi công điều khiển F-35, tiêm kích này hoàn toàn không phù hợp khi đối đầu với chiến đấu cơ khác ở cự ly gần.
 
Theo phi công này, tiêm kích được cho là hiện đại và đắt nhất trong lịch sử quân đội Mỹ quá chậm khi tấn công máy bay đối phương hoặc né đạn, dù F-16 có gắn hai bình nhiên liệu phụ khiến trọng lượng của nó tăng đáng kể.
 

Tiêm kích F-35 (trên) bộc lộ điểm yếu trước 'bà già' F-16 (dưới).

 
Viên phi công này cũng đề cập tới một số vấn đề về khí động học, đặc biệt ở phần mũi máy bay khi nó tăng tốc. Điều này khiến tiêm kích trở nên chậm chạp khi đối đầu với đạn từ kẻ thù.
 
Hơn thế, mũ bảo hiểm trị giá nửa triệu USD trên F-35, vốn giúp phi công có tầm nhìn 360 độ bên ngoài, lại là trở ngại cho họ khi không thể quan sát không gian trong buồng lái. F-16 có thể lợi dụng sơ hở này để tiếp cận F-35 từ phía sau.
 
"Mũ bảo hiểm quá lớn bên trong khoang lái chật hẹp khiến tôi khó có thể ngoái lại phía sau để quan sát", phi công F-35 viết trong bản báo cáo dài 5 trang.
 
Tiêm kích F-35 'kẻ vô dụng đắt tiền'?
 
Kể từ khi được giới thiệu từ những năm đầu thế kỷ đến nay F-35 không ngừng phát sinh hết lỗi lớn này đến lỗi lớn khác và quá trình khắc phục đã biến chương trình chế tạo máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ trở thành chương trình chế tạo máy bay đắt đỏ nhất trong lịch sử.
 
Hồi cuối năm 2014, đã rộ lên thông tin về việc máy bay F-35 của Mỹ không thể sử dụng súng máy (dù được trang bị) cho tới năm 2019 vì không có phần mềm kiểm soát bắn.
 

F-35 đã nhiều lần mắc lỗi.

 
Tháng hai vừa qua, theo một thông tin quốc phòng của Mỹ cho biết F-35 có thể mắc một lỗi tai hại đến mức nếu áp chế điện tử của đối phương đủ mạnh thì chỉ cần tấn công vào hệ thống của máy bay là có thể hạ F-35 mà không cần phải dùng đến một viên đạn.
 
Ngoài ra, lỗi trong phần mềm hệ thống Block 2B của F-35 làm giảm khả năng chiến đấu của máy bay, khiến máy bay bay không chính xác.
 
Thùng chứa nhiên liệu của máy bay chiến đấu F-35 cũng bị thay đổi vì nguyên nhân là nó có thể tự phát nổ trên không, thế nhưng khi được thay bằng thùng chứa nhiên liệu khác thì máy bay chiến đấu F-35 được khuyến nghị là không được bay liên tục trên không trung quá 12 giờ, vì thùng nhiên liệu của máy bay bị nhiễm điện quá mức có thể sẽ biến F-35 trở thành nạn nhân của vụ sét đánh.
 
Một sự thiếu chính xác khác trong hệ thống kiểm soát vũ khí khiến máy bay chiến đấu F-35 khó lòng mà sử dụng các vũ khí chính xác trong điều kiện thời tiết xấu.
 
Theo Phương Nguyên (Đất Việt)