Tình báo Hàn Quốc vừa đưa ra thông tin mới nhất về các nhóm quân mà Triều Tiên sắp đưa tới Ukraine. Bên cạnh đó, "món quà" mà ông Putin vừa dành tặng ông Kim Jong Un đã được hé lộ.
Tình báo Hàn Quốc: 2 vạn quân Triều Tiên tập hợp
Theo tờ Moscow Times (Nga) ngày 1/7, tình báo Hàn Quốc vừa đưa ra thông tin mới nhất rằng các nhóm quân mà Triều Tiên sắp đưa tới Ukraine để hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột đã được tập hợp tại Trung Quốc.
Trước đó, đài truyền hình Chosun TV của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức chính phủ nước này cho biết, Triều Tiên dự kiến sẽ điều động 4 trong số 10 lữ đoàn công binh tới hỗ trợ Nga tại mặt trận Donbass. Mỗi lữ đoàn công binh Triều Tiên có quân số khoảng 5.000 người, nâng tổng số binh sĩ được triển khai lên đến 20.000 người.
Nhiệm vụ chính của công binh Triều Tiên khi tới Ukraine là xây dựng các công sự quân sự, đặc biệt là tại hai bên sườn và khu vực dọc chiến tuyến của Nga.
Bên cạnh đó, họ cũng sẽ tham gia củng cố hệ thống công sự tại tuyến phòng thủ thứ hai và thứ ba. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự người Ukraine Pavlo Narozhny cho rằng, trong bối cảnh chiến tranh hiện nay, khả năng công binh Triều Tiên phải tham gia chiến đấu là điều khó tránh khỏi.
Moscow Times cho hay, Nga đã tăng cường hợp tác với Triều Tiên kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tình báo Hàn Quốc nói rằng, các thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Nga-Triều Tiên đã bắt đầu vào mùa hè năm 2022. Cho tới nay, Moscow đã nhận được ít nhất 5 triệu quả đạn pháo từ Triều Tiên, cùng một số tên lửa đạn đạo.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik, để đáp lại sư hỗ trợ của Triều Tiên, Nga đã cung cấp cho Bình Nhưỡng xe tăng, máy bay và công nghệ chế tạo vệ tinh do thám. Trong khi đó, Washington lưu ý rằng, ông Kim Jong Un mong nhận được công nghệ tên lửa hạt nhân tầm xa từ Nga.
Mới đây nhất, "món quà" mà ông Putin vừa dành tặng ông Kim Jong Un đã được tiết lộ. Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 1/7 cho hay, Triều Tiên đã chuyển đổi hoạt động truyền phát các chương trình nhà nước thông qua vệ tinh của Trung Quốc sang vệ tinh do Nga cung cấp, khiến việc theo dõi những chương trình truyền hình như thế này trở thành thách thức khá lớn đối với các cơ quan chính phủ và truyền thông của Hàn Quốc.
Một nhà cung cấp dịch vụ đĩa vệ tinh của Hàn Quốc nói với hãng tin Reuters rằng, tín hiệu từ Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên đã được truyền đi bằng vệ tinh Express 103 của Nga từ ngày 29/6 vừa qua, thay vì vệ tinh ChinaSat 12 của Trung Quốc như trước đây.
Theo Moscow Times, việc theo dõi truyền hình trung ương sẽ cho phép một quốc gia có được thông tin về các hoạt động của quốc gia đối thủ. Hiện Seoul đang tìm cách giải quyết vấn đề.
Việc thay đổi vệ tinh diễn ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Triều Tiên vào tháng 6, nơi ông gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Hai phía đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác sâu sắc hơn trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả các cam kết phòng thủ chung.
Cũng theo tài liệu này, Nga và Triều Tiên sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có hành động gây hấn nhằm vào một trong hai quốc gia. Ông Putin cũng không loại trừ khả năng hợp tác kỹ thuật quân sự với Triều Tiên.
Mỹ lên tiếng việc Triều Tiên đưa quân tới Ukraine
Trái với tình báo Hàn Quốc, Lầu Năm Góc ngày 1/7 cho biết, họ chưa thể xác nhận việc Triều Tiên bắt đầu đưa công binh tới hỗ trợ Nga tại Ukraine.
"Tôi chưa có bất cứ thông tin nào về điều đó" - Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói với phóng viên của hãng thông tấn Ukrinform (Ukraine) khi được hỏi Mỹ có thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên đưa lực lượng đến Nga để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh ở Ukraine hay không.
Tuy nhiên, bà Singh lưu ý rằng, Mỹ biết rằng Triều Tiên đang giúp cho các nỗ lực của Nga ở Ukraine bằng cách cung cấp các hỗ trợ quân sự khác nhau.
Trước đó, hôm 25/6, phản ứng về thông tin Triều Tiên có khả năng cử các đơn vị công binh đến khu vực Donetsk, miền đông Ukraine, Thiếu tướng Pat Ryder - Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc cảnh báo gay gắt rằng, quân Triều Tiên sẽ thành "bia đỡ đạn" nếu hỗ trợ Nga ở Ukraine.
"Tôi nghĩ rằng nếu tôi là người quản lý nhân sự quân sự của Triều Tiên, tôi sẽ đặt câu hỏi về lựa chọn của mình trong việc cử lực lượng của mình làm bia đỡ đạn trong một cuộc chiến chống lại Ukraine" - Ông Ryder nói.
Theo tờ Spectator (Anh), nếu Triều Tiên cử kỹ sư, binh lính hoặc công binh đến những vùng lãnh thổ do Nga nắm quyền kiểm soát thì điều đó "sẽ không đi ngược lại lập trường chính sách đối ngoại của Triều Tiên".
Tuy nhiên, số lượng không đi đôi với chất lượng. Triều Tiên có thể có sức mạnh về quân số - cả về lực lượng vũ trang quy ước và vũ khí hạt nhân nhưng lực lượng của họ được huấn luyện kém hơn và phụ thuộc vào nhiều năng lực có từ thời Liên Xô.
Theo Minh Minh (Nguoiduatin.vn)