Thế giới

Trung Quốc đặt mục tiêu 'sánh vai' với quân đội Mỹ trong 7 năm tới

Với tổng số 2,8 triệu binh sĩ, bao gồm cả lục quân, hải quân và không quân – quân đội Trung Quốc (PLA) có số lượng công dân mặc đồng phục cao gấp đôi so với Mỹ.

Đài CNN của Mỹ ngày 30-10 có bài nhận định: "Sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc đặt ra thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất cho tổng thống Mỹ tiếp theo". Bài viết được đăng trong bối cảnh ngày bầu cử Mỹ 3-11 còn cách chỉ vài ngày.

Trong báo cáo năm 2018, Lầu Năm Góc đã đánh giá Trung Quốc, cùng với Nga, là thách thức quân sự đối với Mỹ. Theo Đài CNN, khoảng 2 năm sau, thách thức đó chỉ tăng lên.

Trung Quốc đặt mục tiêu 'sánh vai' với quân đội Mỹ trong 7 năm tới

SCMP dẫn thông cáo phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 công bố hôm 29-10 cho biết Bắc Kinh muốn đồng thời tăng cường khả năng quốc phòng và sức mạnh kinh tế bên cạnh việc đạt được "mục tiêu thế kỷ", đó là xây dựng một lực lượng quân sự hiện đại vào năm 2027.

Cuộc họp do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì. Với mục tiêu trên, Trung Quốc dự định phát triển quân đội với khả năng bảo vệ chủ quyền, bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa an ninh do "chủ nghĩa bá quyền ở khu vực Tây Thái Bình Dương" gây ra cũng như bảo vệ lợi ích phát triển ở nước ngoài khi sự hiện diện kinh tế ở nước ngoài của họ ngày càng tăng, chuyên gia hải quân Li Jie ở Bắc Kinh nói với Thời báo Hoàn cầu.

Nhà phân tích quân sự Hồng Kông Song Zhongping cho SCMP biết mục tiêu thế kỷ của Trung Quốc có thể được hiểu là "đưa PLA trở thành lực lượng hiện đại hàng đầu thế giới, có thể sánh ngang với quân đội Mỹ".

Đài CNN viết: "Cùng lúc đó, các đơn vị hải quân của Trung Quốc tập trận ở Thái Bình Dương với tần suất ngày càng tăng. Đôi khi có 5 cuộc tập trận riêng lẻ diễn ra tại nhiều địa điểm trong vài ngày.

Trung Quốc đặt mục tiêu 'sánh vai' với quân đội Mỹ trong 7 năm tới - 1

Các hoạt động của Trung Quốc, đặc biệt tại Biển Đông, đặt ra thách thức cho khu vực 'Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở' như cách gọi của Mỹ. Washington nói rằng đó là nơi thương mại lưu thông mà không nên bị dọa dẫm, là nơi các quyền đánh bắt và khai thác khoáng sản nên được tôn trọng theo luật và các hiệp ước quốc tế".

Với vấn đề Biển Đông, thời gian qua Mỹ tăng cường chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển này. Hồi tháng 7, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố chính thức về lập trường của Mỹ ở Biển Đông, bác bỏ gần hết yêu sách của Trung Quốc ở vùng biển này.

Đức Minh (nguoiduatin.vn)