Thể thao >> Vòng loại World Cup 2022

Bóng đá Trung Quốc xảy ra sự việc 'hy hữu và ngớ ngẩn', sếp lớn bị chỉ trích thậm tệ

Truyền thông Trung Quốc đang bày tỏ sự khó hiểu với một quyết định của Liên đoàn bóng đá nước này (CFA).

Cụ thể, trong thông báo được phát đi vào chiều nay (23/6), CFA đã công bố kế hoạch tổ chức thi đấu giai đoạn tiếp theo của Chinese Super League 2021 (từ ngày 11/7 đến 17/8). Tuy nhiên thông tin gây chú ý nhiều hơn là việc sẽ có 5 cầu thủ trẻ Trung Quốc không được chơi ở giải đấu này mà phải chuyển xuống đá ở hạng Nhì.

Những cái tên này bao gồm: Abdullah Adili, Efeierding Iskar, Tian Yuda, Zong Keyi và Zheng Xuejian.

"Điều gì đã xảy ra vậy? Do một số nhân sự bị chấn thương và bận tham dự AFC Champions League, CFA quyết định triệu tập bổ sung 5 cầu thủ vào đội U20 Trung Quốc để tham dự giải hạng Nhì.

Điều này đồng nghĩa với việc nhóm cầu thủ trên đang từ hạng đấu cao nhất bỗng nhiên bị "xuống hạng", phải về đá ở hạng Nhì. Nhìn rộng ra cả làng bóng đá thế giới, việc để một tuyển trẻ quốc gia tham dự một giải thuộc hệ thống VĐQG thật là hy hữu và ngớ ngẩn", tờ Sohu phản ứng gay gắt.

Bóng đá Trung Quốc xảy ra sự việc 'hy hữu và ngớ ngẩn', sếp lớn bị chỉ trích thậm tệ
Bóng đá Trung Quốc lại tiếp tục xảy ra ồn ào. (Ảnh: Sina)

Cây bút này phân tích tiếp: "Lứa cầu thủ U20 của Trung Quốc chắc chắn không thiếu người. Mục đích cho đội U20 Trung Quốc đá hạng Nhì là để tăng kinh nghiệm thi đấu, bởi họ ít được ra sân ở giải VĐQG.

Vậy tại sao 5 cầu thủ kia đã đủ sức để đá ở Super League rồi, giờ lại bị gọi giật ngược về đá giải hạng Nhì? Còn rất nhiều những cầu thủ U20 khác, sao không trao cơ hội cho họ?".

Trên thực tế, bóng đá Trung Quốc đang vấp phải nhiều khó khăn khi lứa cầu thủ trẻ không đạt được kỳ vọng như mong đợi. Ở chiến dịch vòng loại World Cup 2022 vào tháng Sáu vừa rồi, tuyển Trung Quốc dự giải mà không có bất kỳ cầu thủ nào thuộc lứa tuổi U23.

"Ta có thể ví cả nền bóng đá và giải VĐQG là một con gà mái, còn đội tuyển quốc gia như quả trứng. Gà mái tốt thì sẽ đẻ ra những quả trứng tốt. Nhưng nhìn vào cách làm của những người điều hành bóng đá Trung Quốc, kết quả chỉ là những bước thụt lùi.

Nếu cứ thế này, Trung Quốc sẽ phải phụ thuộc vào những cầu thủ nhập tịch chứ chẳng tìm được thêm tài năng trẻ nào cho đội tuyển quốc gia. Dễ hiểu hơn, khi con gà chẳng thể đẻ ra những quả trứng tốt, ta đành phải đi mượn con gà mái khác về đẻ hộ mà thôi", cây bút của Sohu chua chát bình luận.

Theo Linh Đan (Pháp Luật và Bạn Đọc)




https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/bong-da-trung-quoc-xay-ra-su-viec-hy-huu-va-ngo-ngan-sep-lon-bi-chi-trich-tham-te-162212306210015559.htm