Xã hội

Vụ để lọt hành khách mang dao lên máy bay: Nhân viên soi chiếu bỏ qua 'trong một phút lơ là'

Chuyến bay VN208 từ TP.HCM - Hà Nội ngày 18/7, một phụ nữ lớn tuổi cầm dao gọt trái cây kích thước 10 - 20cm ngay trên máy bay khiến nhiều hành khách trên chuyến bay "choáng váng". Đây là đồ nằm trong danh mục cấm, luôn bị phát hiện khi qua máy soi chiếu an ninh. 

Nguồn tin Tuổi Trẻ Online tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho hay chiều 19/7, đơn vị này sẽ họp về vụ việc sót lọt con dao gọt trái cây lên máy bay. Đây là sự việc được đánh giá nghiêm trọng. 

Qua rà soát quy trình, đánh giá ban đầu nam an ninh có 13 năm kinh nghiệm làm việc soi chiếu, trong một phút lơ là đã không phát hiện con dao được đặt ở vị trí khó quan sát, nhận biết. 

Sân bay Tân Sơn Nhất khẳng định không có chuyện nhân viên soi chiếu làm việc quá tải. Đây là thời điểm chuyến bay đầu ngày, nhân viên mới nhận ca trực. Hiện sân bay đang rà soát các quy trình an ninh soi chiếu để báo cáo Cục Hàng không Việt Nam. 

Vụ để lọt hành khách mang dao lên máy bay: Nhân viên soi chiếu bỏ qua 'trong một phút lơ là'
Hành khách mang dao lên máy bay để gọt trái cây sáng 18/7. Ảnh: DĐHK

Trao đổi với Tri Thức Trực Tuyến, ông Tô Tử Hùng, Trưởng phòng An ninh Hàng không (Cục Hàng không), cho biết vụ việc đã được tổ bay của Vietnam Airlines báo cáo về Cục.

Bước đầu, sân bay Tân Sơn Nhất thừa nhận có trường hợp để hành khách mang dao lọt qua cửa soi chiếu an ninh. Phía sân bay đang tiếp tục xác minh trách nhiệm của từng bộ phận.

Đánh giá sơ bộ, ông Hùng cho biết vụ việc như vậy là hiếm gặp nhưng cũng từng xảy ra tại Việt Nam. Tình huống xảy ra chủ yếu do lỗi chủ quan của nhân viên an ninh soi chiếu.

Danh mục vật phẩm cấm mang lên khoang khách máy bay, gồm những loại nào?

Theo quyết định 1541/QĐ-CHK của Cục Hàng không Việt Nam, các vật phẩm nguy hiểm cấm mang lên khoang hành khách máy bay bao gồm: Chất nổ và các chất gây cháy, nổ và các vật có thành phần như: Ngòi nổ, dây nổ và các thành phần cấu thành khác được sử dụng để gây sát thương hoặc đe dọa đến sự an toàn của máy bay.

Vũ khí, súng và các loại vật dụng được thiết kế để gây sát thương hoặc các vật giống như vũ khí: các thành phần cấu tạo của súng và đạn (súng phóng điện, súng tự chế như các loại súng in 3D, loại không xác định). Các chất hóa học như các loại bình xịt, khí và chất hóa học nhằm vô hiệu hóa hoặc gây tê liệt.

Các vật có lưỡi sắc hoặc đầu nhọn và các thiết bị khi phóng (bắn) có thể sử dụng để gây thương tích nghiêm trọng: Các vật được chế tạo để băm, chặt, chẻ như rìu, dao phay; dao lam, dao rọc giấy; súng tự chế, súng phóng lao; súng cao su; các loại dao có lưỡi (không bao gồm cán dao) dài trên 6cm hoặc tổng chiều dài cán và lưỡi trên 10cm; kéo có lưỡi dài trên 6cm tính từ điểm nối giữa hai lưỡi hoặc tổng chiều dài cán và lưỡi trên 10cm; dụng cụ võ thuật có đầu nhọn hoặc cạnh sắc: các loại dao găm, kiếm, gươm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, tên, nỏ...

Các dụng cụ lao động có thể sử dụng để gây thương tích nghiêm trọng hoặc đe dọa đến an toàn của máy bay: Xà beng, cuốc, thuổng, xẻng, mai, liềm, tràng, đục...

Các vật, dụng cụ đầu tù khi tấn công gây thương tích nghiêm trọng: Các loại gậy thể thao như gậy đánh bóng chày, gậy đánh golf, gậy chơi khúc côn cầu, gậy chơi bi-a...

NT (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/vu-de-lot-hanh-khach-mang-dao-len-may-bay-nhan-vien-soi-chieu-bo-qua-trong-mot-phut-lo-la-tintuc832819