Bác sĩ Diệp Văn Lăng, ở Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ ông đã hoàn toàn khỏi gan nhiễm mỡ nhờ thay đổi chế độ ăn uống.
Chia sẻ trong chương trình “Focus 2.0”, bác sĩ Diệp Văn Lăng, làm việc tại Bệnh viện Tưởng niệm Lâm Khẩu Trường Canh cho biết trước đây ông thường ra ngoài giao lưu với đối tác nên phải uống rất nhiều rượu. Chế độ ăn uống của ông cũng toàn là món nhiều dầu mỡ. Cân nặng của bác sĩ Diệp cũng theo đó mà tăng lên thành 90kg. Trong một lần kiểm tra sức khỏe cho cán bộ nhân viên tại bệnh viện, bác sĩ Diệp được chẩn đoán mắc gan nhiễm mỡ nặng, viêm gan.
Khi nhận kết quả chẩn đoán, bác sĩ Diệp khá bất ngờ, tuy nhiên ông cũng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Sau khi tìm hiểu và nghe tư vấn từ đồng nghiệp, bác sĩ Diệp quyết định thay đổi chế độ ăn uống để cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ.
Thay đổi chế độ ăn để cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ
Bác sĩ Diệp cho biết thực đơn của ông tuân thủ theo nguyên tắc ăn ít tinh bột, nạp đủ chất đạm và ngừng tiêu thụ các thực phẩm giàu chất béo “xấu”.
Cụ thể, thực đơn ngày 3 bữa của bác sĩ Diệp bao gồm các món như sau:
Vào buổi sáng, bác sĩ Diệp sẽ ăn 2 quả trứng và uống 1 tách cà phê đen (không đường, không sữa).
Vào buổi trưa và buổi tối, bác sĩ Diệp sẽ thay phiên ăn các loại rau giàu chất xơ (như bông cải xanh, bắp cải,...) thực phẩm giàu protein (như trứng, ức gà) và một ít cơm trắng.
Theo bác sĩ Diệp, ông vẫn ăn thêm một ít cơm trắng để đảm bảo cung cấp đủ lượng calo cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, các thực phẩm còn lại đều có thể giúp bổ sung chất dinh dưỡng nhưng không làm tăng thêm lượng mỡ trong gan cũng như trong cơ thể.
Bác sĩ Diệp đã duy trì chế độ ăn uống này trong suốt 1 năm. Trong khoảng thời gian này, bác sĩ Diệp đã giảm được 20kg. Kết quả khám gần đây cũng cho thấy ông đã khỏi hẳn gan nhiễm mỡ, chức năng gan của ông đã hồi phục như bình thường.
Lợi ích của các loại thực phẩm bác sĩ Diệp tiêu thụ
1. Cà phê
Khi cơ thể tiêu hóa caffeine sẽ tạo ra một chất hóa học gọi là paraxanthine làm chậm quá trình phát triển của mô sẹo liên quan đến xơ hóa. Vậy nên bệnh gan nhiễm mỡ, tình trạng sẹo gan, xơ gan cũng được cải thiện khi mọi người uống cà phê với lượng vừa phải.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMC Public Health, uống khoảng 3 ly cà phê mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh gan khác. Các nhà nghiên cứu đã xem xét thói quen uống cà phê của hơn 494.000 người tại Biobank (cơ sở dữ liệu y sinh của Anh) và theo dõi sức khỏe gan của họ trong hơn 11 năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người uống cà phê sẽ có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ thấp hơn 20% so với những người không uống cà phê.
2. Trứng và ức gà
Ức gà và trứng thuộc nhóm thực phẩm giàu protein, ít chất béo và ít calo, thường ít hơn so với các loại thịt đỏ. Do đó, các thực phẩm này đặc biệt phù hợp cho người mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Nguồn protein phong phú trong các loại thực phẩm này cũng hỗ trợ tái tạo, phục hồi các loại mô, tế bào bị tổn thương, bao gồm các tế bào gan bị tổn thương do bệnh gan nhiễm mỡ.
3. Các loại rau, củ
Các nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều rau củ đặc biệt tốt cho người mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Nguyên nhân là do các thực phẩm này chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, có thể giúp ngăn ngừa và giảm sự tích tụ chất béo trong gan.
Tập luyện góp phần “đẩy lùi” gan nhiễm mỡ
Ngoài chế độ ăn uống, bác sĩ Diệp cũng tích cực đi bộ và chạy bộ để đốt cháy calo, giảm mỡ thừa trong cơ thể và ổn định lượng đường trong máu từ đó giúp cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ.
Phương pháp tập luyện của bác sĩ Diệp là khởi động bằng cách đi bộ nhanh, khi nhịp tim tăng lên thì bắt đầu chạy bộ. Đến khi chạy mệt thì bác sĩ Diệp lại chuyển sang đi bộ nhanh.
Bác sĩ Diệp cho biết cách tập này có thể giúp kéo dài thời gian hoạt động thể chất và giúp giảm mỡ thừa hiệu quả.
Theo Mộc Miên (Nguoiduatin.vn)