Kinh tế

Bất chấp lệnh cấm, tiền ảo vẫn ngang nhiên giao dịch

Tại TP.HCM hiện có tới 4 trụ máy giao dịch Bitcoin cùng với đó là hàng loạt các điểm khác đang chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo. Trong khi đó, cơ quan chức năng khẳng định, chưa cấp phép cho bất cứ máy BTM hay máy giao dịch tiền điện tử nào khác trên địa bàn TP.

BTM vẫn hoạt động

Sáng 27/12, PV ghi nhận ở một số điểm có trụ BTM (máy giao dịch Bitcoin – thuật ngữ của dân sử dụng tiền điện tử - PV) vẫn hoạt động bình thường. Điển hình tại quán cà phê Bitcoin (74 đường Bùi Viện, quận 1), trụ máy BTM được bố trí trên tầng lửng. Khi PV hỏi về trụ máy, quầy đổi tiền có được giao dịch hay không và các thông tin liên quan, nhân viên quán cà phê không trả lời bất cứ câu hỏi nào.

Cấu tạo của trụ BTM giống như các máy ATM thông thường, có bàn phím bấm, màn hình hiển thị bằng tiếng nước ngoài (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và không có tiếng Việt. Trụ cũng có khe nhận và bỏ tiền vào để giao dịch. Khi bỏ tiền vào mua, máy sẽ in tờ chứng nhận (đã quy đổi thành Bitcoin) tương ứng với số tiền bằng đồng Bitcoin cho người dùng.

Bất chấp lệnh cấm, tiền ảo vẫn ngang nhiên giao dịch
Dù bị cấm, tại TP.HCM hiện có tới 4 trụ máy giao dịch Bitcoin cùng với đó là hàng loạt các điểm khác đang chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo. 

Tại đây, ngoài trụ máy BTM, PV ghi nhận còn có một quầy đổi tiền điện tử sang tiền mặt và ngược lại nhưng không phục vụ. Đi kèm với đó là một màn hình khá lớn, hiển thị thông tin giá niêm yết tiền điện tử được cập nhật thường xuyên, quy đổi sang đồng Việt Nam (giống như niêm yết chứng khoán hay mệnh giá tiền). Ngoài Bitcoin còn có nhiều loại tiền khác như Ethereum, Neo, Litecoin...

Trong thời gian buổi sáng, chỉ có một số người nước ngoài (chủ yếu là du khách tại phố Tây Phạm Ngũ Lão) sử dụng máy BTM được đặt tại đây. Ngoài điểm này, trên địa bàn quận 1 còn có hai điểm đặt máy khác là số 17 Hàn Thuyên và 290 Lý Tự Trọng. Điểm còn lại ở số 135 Đặng Chất (quận 8). Các điểm đặt máy thường là các quán cà phê hoặc đồ ăn nhanh. Không chỉ là địa chỉ thường xuyên của các tín đồ sử dụng tiền điện tử, một điều dễ nhận biết, các nhà hàng kể trên đều có đồng phục Bitcoin, ngay cả gói bọc đường (dùng để pha cà phê) cũng in hình Bitcoin.

Theo tìm hiểu của PV, các trụ BTM nói trên là của công ty TNHH Bitcoin Việt Nam. Hiện, công ty này đang kinh doanh các dịch vụ mua bán tài sản điện tử, sàn giao dịch tiền điện tử và hệ thống các máy BTM giao dịch tiền điện tử ở Hà Nội và TP.HCM. Riêng các máy BTM được nhập về Việt Nam vào năm 2015, có xuất xứ từ Canada (do Bit Aceess sản xuất).

Trên trang facebook, Bitcoin ATM-HCMC cũng có thông báo gửi khách hàng vào ngày 23/12 với nội dung: “Hiện nay, phí giao dịch Bitcoin đang tăng quá cao. Quý khách vui lòng không thực hiện đơn hàng mua với giá trị thấp hơn 5 triệu đồng vì có thể phải trả phí rất nhiều hoặc thậm chí không đủ trả phí. Chúng tôi đang có kế hoạch đưa thêm những loại tiền điện tử khác vào hệ thống để có thể tránh tình trạng tắc nghẽn này trong tương lai”.

Ngang nhiên chấp nhận thanh toán tiền điện tử

Ngoài các giao dịch trực tiếp từ máy BTM thì còn đó hàng loạt giao dịch khác cũng dùng tiền điện tử. Ví như quán cà phê Con (quận Tân Bình) ngoài Bitcoin, nơi đây còn chấp nhận thanh toán với nhiều đồng tiền điện tử khác như Buddhidmcoin, Forexcoin, Techtradecoin... Một số cửa hàng bán hàng online như điện thoại thông minh, đồng hồ, ... cũng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Thậm chí, các công ty du lịch cũng chấp nhận tiền điện tử, như dịch vụ đặt phòng Gren Holiday hay đặt vé máy bay, du thuyền qua công ty Fu.Travel...

Trong một diễn biến khác, theo thông tin PV có được, sau khi “thả” gần 1.500 bộ máy đào tiền ảo vào cuối tháng 10/2017 thì tính đến giữa tháng 12, tại cục Hải quan TP.HCM đã có trên 7.000 bộ máy đào tiền điện tử được làm thủ tục nhập khẩu. Các “trâu cày” đều chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Tốc độ nhập khẩu máy đào tiền ảo tăng phi mã đã được dự báo từ trước, bất chấp lệnh cấm giao dịch, thanh toán tiền điện tử của ngân hàng Nhà nước.

Một lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Sở dĩ các loại máy xử lý dữ liệu tự động giải mã tiền điện tử (quen gọi là máy đào tiền ảo) được nhập khẩu về Việt Nam là vì nó không liên quan đến việc sử dụng tiền ảo vào thanh toán, đồng thời nó cũng không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu theo các quy định hiện hành. Dự báo sẽ còn nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sẽ tiếp tục nhập các “trâu cày” về Việt Nam. Do đó, cục Hải quan TP đã đề xuất Tổng cục Hải quan kiến nghị cơ quan chức năng cấm nhập mặt hàng này”.

Tại thời điểm ngày 27/12, giá Bitcoin tại “chợ Bitcoin” Việt Nam đang bán ra là trên 371 triệu đồng/Bitcoin, mua vào với giá trên 367 triệu đồng. Như vậy, sau khoảng 1 tuần, giá đồng tiền điện tử này đã giảm hơn 20 triệu đồng/Bitcoin nhưng vẫn cao ngất so với vài tháng trước đây. Ngày 5/9/2017, trên “chợ Bitcoin”, giá bán chỉ ở mức gần 95,2 triệu đồng/Bitcoin và giá mua chỉ gần 93,7 triệu đồng/Bitcoin.

Các chuyên gia cho rằng, tiền điện tử luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Trong những ngày gần đây, người dùng đã điên đảo vì giá nhảy múa liên tục. Tuy nhiên, điều đó không đáng lo ngại bằng việc nó không chịu sự quản lý của bất cứ đơn vị nào tại Việt Nam hay có sự điều phối của tổ chức nào. Do đó, người sở hữu tiền điện tử sẽ không được bảo vệ nếu có sự cố xảy ra”, TS.Nguyễn Hoàng Quang, giảng viên trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM phân tích.

Bất chấp lệnh cấm, tiền ảo vẫn ngang nhiên giao dịch - 1
Một số người nước ngoài sử dụng máy BTM.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hà, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: “Một khi cơ quan chức năng đã ban hành lệnh cấm thì phải có sự thống nhất quản lý, tránh chồng chéo, gây cản trở. Ví như ngân hàng Nhà nước có lệnh cấm các giao dịch thanh toán bằng tiền điện tử thì phải phối hợp với ngành hải quan, công thương, công an... để thống nhất quản lý. Bởi, nếu không chấp nhận thanh toán nhưng lại cho phép nhập về và đưa máy đào tiền điện tử vào hoạt động thì chắc chắn sẽ có tình trạng giao dịch chui, càng khó kiểm soát hơn”.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khẳng định: “Ngân hàng Nhà nước đã có quan điểm rõ ràng rằng, tiền điện tử Bitcoin và các loại tiền tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng tiền điện tử làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng chưa cấp phép cho bất cứ máy BTM hay máy giao dịch tiền điện tử nào khác tại TP.HCM”.

Trước thông tin đang có nhiều điểm giao dịch bằng Bitcoin và một số loại tiền điện tử khác, ông Minh cho biết thêm: “Việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền tương tự để làm phương tiện thanh toán là vi phạm. Do đó, chúng tôi sẽ phối hợp và đề nghị các cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, sau đó sẽ có hình thức xử lý”.

Đã chỉ đạo kiểm tra

Mới đây nhất, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo các cơ quan: Công an, tư pháp, quận – huyện phối hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với các hình thức giao dịch bằng phương tiện thanh toán là tiền điện tử.

Theo Dương Thanh Tùng (Nguoiduatin.vn)