Kinh tế

Cổ phiếu PLX biến động mạnh vì đâu?

Cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HOSE: PLX) đã giảm khoảng 27% so với lúc đạt đỉnh, hiện giao dịch ở mức 67.800 đồng/cp.

Cổ phiếu PLX biến động mạnh vì đâu?

Trong 1 năm qua, cổ phiếu PLX của Petrolimex biến động khá mạnh. Đã có lúc cổ phiếu PLX vượt qua mốc 90.000 đồng/cổ phiếu, giá giao dịch cao nhất là 93.100 đồng/cổ phiếu, nhưng ngay sau đó giảm mạnh. Hiện nay, PLX đang giao dịch ở mức 67.800 đồng/cổ phiếu, giảm 27% so với lúc đạt đỉnh. Đáng chú ý, cổ phiếu PLX mới có dấu hiệu tăng trở lại chỉ trong 2 tháng trở lại đây. Trước đó vào tháng 7/2018, giá cổ phiếu PLX mới ở quanh mốc 53.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu PLX điều chỉnh mạnh trong thời gian qua chủ yếu do tác động tiêu cực từ xu hướng chung của thị trường, chứ không phải do kết quả kinh doanh của tập đoàn này.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét nửa đầu năm 2018, Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần 96.630 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 7.243 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Phần lãi từ liên doanh liên kết tăng sau kiểm toán tăng từ 317 tỷ đồng lên 335,5 tỷ đồng, giúp lợi nhuận ròng của Petrolimex tăng thêm hơn 15 tỷ đồng, đạt 2.077 tỷ đồng, cao hơn 17% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng tài sản của Petrolimex sau nửa năm đạt gần 66.823 tỷ đồng, tăng 8%. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 69%, chủ yếu là tiền và tiền gửi với hơn 18.588 tỷ đồng. Khoản tiền gửi mang về doanh thu tài chính gần 315 tỷ đồng cho Petrolimex trong nửa đầu năm. Mặt khác, tập đoàn cũng có hơn 15.888 tỷ đồng hàng tồn kho trong cơ cấu tài sản.

Về nguồn vốn, Petrolimex đang vay nợ 16.990 tỷ đồng, chiếm 37% nợ phải trả, trong đó 87% là nợ vay ngắn hạn. Mặt khác, Tập đoàn cũng có 2.838 tỷ đồng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối và 2.247 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần, bên canh quỹ đầu tư phát triển và quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu 2.383 tỷ đồng.

Trong tháng 8, Petrolimex vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về phương án thoái vốn Nhà nước. Tập đoàn đã có văn bản đề nghị nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 49%. Tuy nhiên, sau đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo tạm thời duy trì room ngoại tại Petrolimex không quá 20% vốn điều lệ.

Theo tính toán của Petrolimex, tỷ lệ còn lại dành cho nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ còn hơn 9%, tương đương 116 triệu cổ phiếu.

Theo báo cáo phân tích về Petrolimex của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), sản lượng xăng bán ra trong nước 6 tháng đầu năm của tập đoàn này tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

VCSC cho rằng có được mức tăng trưởng này là nhờ ngành sản lượng công nghiệp trong nước tăng 12,1% và tình trạng nhập lậu xăng RON 92 giảm bớt khi các đại lý phải phân phối xăng E5.

Ngoài ra, việc nâng cấp 250 trạm xăng sở hữu (COCO) giúp sản lượng xăng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, sản lượng bán ra thông qua kênh đại lý (DODO) tăng mạnh nhờ chính sách chiết khấu phù hợp hơn. Theo đó, VCSC điều chỉnh tăng sản lượng xăng nội địa năm 2018 từ 5,6% lên 7,2%. Bên cạnh đó, VCSC ước tính lợi nhuận từ mỗi lít xăng RON95 và E5 cao hơn 100 đồng so với xăng RON92.

Theo PV (Doanh Nghiệp & Đầu Tư)