Kinh tế

Không lỗ tháng nào năm 2020, Thế giới Di động vẫn nợ 30 nghìn tỷ đồng

Chuỗi điện máy Thế giới Di động vẫn lãi đều trong năm 2020, vậy khoản nợ 30 nghìn tỷ đồng đến từ nguồn nào?

Năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn đối với các ngành kinh tế Việt Nam do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 lây lan trên toàn cầu cùng với tình hình thiên tai liên tục diễn ra trong nước.

Mặc dù vậy, công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (Thế giới Di động, mã chứng khoán: MWG) vẫn có sự tăng trưởng đáng kể cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Trong suốt giai đoạn nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, chưa một tháng nào doanh nghiệp (DN) của đại gia Nguyễn Đức Tài phải ghi nhận lỗ.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2020 mà DN này mới công bố, Thế giới Di động đạt được lợi nhuận sau thuế 942 tỷ đồng, tăng 10% so với mức 860 tỷ đồng của quý IV/2019.

Nguyên nhân tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận xuất phát từ MWG tăng thêm 303 cửa hàng Điện máy Xanh (chuyển đổi từ cửa hàng Thế giới Di động và Điện máy Xanh supermini) và 96 cửa hàng Bách hóa Xanh.

Ngoài ra, trong quý IV/2020, tình hình kinh doanh điện thoại, điện máy đã có sự phục hồi tích cực so với quý III năm nay.

Trong báo cáo, Thế giới Di động nhắc đến “nỗ lực không ngừng thử nghiệm để tìm ra động lực tăng trưởng mới cho tương lai” khi nói về chuỗi Điện máy xanh Supermini và Bluetronics (tại Campuchia, chuyển đổi từ chuỗi Bigphone).

Sau 6 tháng triển khai, chuỗi Điện máy xanh đã phát triển nhanh đáng kinh ngạc với 302 cửa hàng tại 61/63 tỉnh thành.

Chuỗi này đã đóng góp hơn 850 tỷ đồng doanh thu lũy kế cho công ty. Trước tình hình kinh doanh khả quan của Điện máy Xanh, Thế giới Di động đặt mục tiêu nhân rộng mô hình này lên đến 1.000 điểm bán vào cuối năm 2021.

Kết quả kinh doanh khả quan của quý IV/2020 cùng với đà tăng trưởng các quý trước đã khiến lợi nhuận sau thuế lũy kế cả năm 2020 của DN đạt 3.920 tỷ đồng, tăng 2% so với cả năm 2019. Với kết quả này, trong năm 2020, DN đạt 114% kế hoạch lợi nhuận và bảo vệ được biên lợi nhuận ròng của năm 2020 ở mức 3,6%.

Không lỗ tháng nào năm 2020, Thế giới Di động vẫn nợ 30 nghìn tỷ đồng
Thế giới Di động vẫn mở rộng bất chấp dịch Covid-19, dù phải đi vay 51 nghìn tỷ đồng trong năm 2020

“Giải mã” gánh nặng nợ nần 30 nghìn tỷ đồng

Tại thời điểm ngày 31/12/2020, tổng tài sản của DN đạt hơn 47 nghìn tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số gần 42 nghìn tỷ đồng hồi đầu năm.

Trong đó, chiếm phần lớn giá trị là tài sản ngắn hạn (hơn 37 nghìn tỷ đồng) và hàng tồn kho (hơn 19 nghìn tỷ đồng).

Mặc dù kinh doanh ấn tượng trong năm 2020 nhưng, tính đến hết thời điểm này, Thế giới Di động vẫn đang gánh khoản nợ hơn 30 nghìn (gấp đôi vốn chủ sở hữu là hơn 15 nghìn tỷ đồng), trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn. Chiếm phân nửa trong đó là đến từ các khoản vay ngắn hạn (gần 16 nghìn tỷ đồng).

Giải trình về vấn đề này, bà Lê Thu Trang - người được DN uỷ quyền công bố thông tin - cho hay: “Trong 6 tháng cuối năm 2020, MWG tập trung mở rộng mạng lưới cửa hàng mạnh mẽ, liên tục thử nghiệm các mô hình mới, tăng cường sức mạnh cho đội ngũ mua hàng, đầu tư cho hệ thống kho vận và các nền tảng hỗ trợ vận hành. Việc này làm tăng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong ngắn hạn nhưng là sự đầu tư cần thiết giúp công ty quay lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững trong tương lai”.

Quý IV/2020, MWG đạt 27,5 nghìn tỷ đồng doanh thu, trong đó chi 20,9 nghìn tỷ cho giá vốn hàng bán, 3.400 tỷ đồng cho chi phí bán hàng và 783 tỷ đồng cho chi phí quản lý; các chỉ số này đều tăng mạnh so với quý IV/2019.

Trong cả năm 2020, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG - mạnh tay chi tới 15,3 nghìn tỷ đồng cho chi phí bán hàng và hơn 3.000 tỷ đồng cho quản lý, tăng lần lượt gần 3 nghìn tỷ đồng và 400 tỷ đồng so với năm ngoái.

Để có tiền trang trải việc mở rộng quy mô như trên, năm qua, Thế giới Di động đã đi vay tới hơn 51 nghìn tỷ đồng, sau đó lại trả gốc vay hết 48,5 nghìn tỷ đồng.

Trên thương trường, ông Nguyễn Đức Tài nổi tiếng là vị doanh nhân táo bạo với các trải nghiệm liên tục “thử và sai”. Nhưng cũng chính nhờ triết lý kinh doanh khác người ấy – theo ông Tài là để nhằm tìm ra công thức, hướng đi mới cho thị trường bán lẻ - mà Thế giới Di động trở thành đế chế tỷ USD như ngày nay.

Theo M. Minh – Bạch Hiền (Nguoiduatin.vn)