Kinh tế

Lãi suất USD xuống 0%: NHNN có thể rơi vào bẫy thanh khoản

Một rủi ro mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể rơi vào khi đưa lãi suất USD về 0%, đó là bẫy thanh khoản nếu thị trường vẫn tiếp tục nắm giữ USD.

Một rủi ro mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể rơi vào khi đưa lãi suất USD về 0%, đó là bẫy thanh khoản nếu thị trường vẫn tiếp tục nắm giữ USD.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể rơi vào bẫy rủi ro thanh khoản khi đưa lãi suất USD về 0%

“Việc tiếp tục giảm lãi suất USD của NHNN đến mục mức mà như hiện nay chúng ta gọi là tiệm cận zero thì không thể giảm thêm được nữa. Khi đó công cụ lãi suất của NHNN trở nên vô dụng, lúc đó tựa như chính sách tiền tệ của NHNN rơi vào cái gọi là bẫy thanh khoản. Trong trường này, người ta vẫn tiếp tục nắm giữ USD là vì tính thanh khoản của nó chứ không phải để sinh lời”, ông Tuấn phân tích.

Theo ông Tuấn, nếu trong thời gian tới tâm lý nắm giữ USD của thị trường vẫn còn thì NHNN sẽ còn công cụ gì nữa? Lúc đó, NHNN chỉ còn giải pháp hoặc tăng lãi suất tiền VND, hoặc tăng tỷ giá thì những người đang nắm giữ USD mới có động cơ chuyển USD sang VND.

Làm bức tranh ngân hàng kém minh bạch

Nhằm giảm nhu cầu tích trữ USD của thị trường sau động thái tăng lãi suất thêm 0,25% của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), NHNN đã quyết định giảm lãi suất tiền gửi USD của cá nhân từ 0,25% xuống 0% có hiệu lực từ ngày 18/12.

“Liệu NHNN có đi xử lý nỗi những tình huống đó không hay lại làm cho bức tranh ngân hàng kém minh bạch hơn, mập mờ hơn và làm biến dạng thị trường tài chính của chúng ta?”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, phân tích.

Theo ông Tuấn, quyết định giảm lãi suất tiền gửi USD của cá nhân từ 0,25% xuống 0% của NHNN sẽ khiến các NHTM trong nước lách bằng cách tặng quà, bốc thăm trúng thưởng… để đảm bảo lãi suất tiền gửi USD vẫn lớn hơn 0 nhằm duy trì tính hấp dẫn với người gửi tiền.

Thực tế, quyết định bán USD chuyển sang tiền VND hoặc chuyển sang nắm giữ tài sản khác hay tiếp tục chấp nhận giữ USD để hưởng lãi suất 0% từ ngân hàng của thị trường còn phụ thuộc vào suất sinh lời kỳ vọng của từng người.

Theo đó, suất sinh lời kỳ vọng đối với sản phẩm tài chính sẽ bằng giá trị kỳ vọng nhân với xác suất xảy ra giá trị kỳ vọng đó. Còn giá trị kỳ vọng phụ thuộc vào xác suất xảy ra kỳ vọng NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá. Do mức độ kỳ vọng vào suất sinh lời của mỗi người khác nhau nên hành vi đối với USD cũng khác nhau.


 
Đặt tình huống NHNN có thể sẽ điều chỉnh tỷ giá là hoặc 0,5%, hoặc 1%, hoặc 2%. Với ba kịch bản này, mỗi nhà đầu tư sẽ xác định xác suất bao nhiêu % NHNN sẽ điều chỉnh 0,5%, bao nhiêu % NHNN điều chỉnh 1% và bao nhiêu % NHNN sẽ điều chỉnh ở mức 2%.

Xác suất này sẽ nhân với biến cố (xác suất NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá) tương ứng xảy ra xác suất đó sẽ ra kết quả của giá trị kỳ vọng. Theo đó, mỗi người sẽ cho một đáp án khác nhau về tỷ suất sinh lời kỳ vọng của việc nắm giữ USD, và chuyển đổi sang tiền VND. Kết quả này sẽ dựa vào kỳ vọng và ước tính xác suất NHNN điều chỉnh tỷ giá ở một biên độ khác nhau, không án giống ai.

“Nếu kết quả trả ra cho thấy suất sinh lời của việc nắm giữ USD thấp hơn suất sinh lời cho với việc nắm giữ VND thì người đó sẽ vào ngân hàng bán USD để chuyển sang VND. Nhưng nếu không có người vào ngân hàng bán USD để chuyển sang VND cho thấy kết quả trả ra là một kết quả khác với những người đang chuyển USD sang VND. Theo quan sát của tôi thì không có mấy người chuyển USD sang VND”, ông Tuấn bình luận.

Với những người vẫn nắm giữ USD là vì người ta kỳ vọng USD sẽ lên giá (đáng kể) trong thời gian tới. Nếu giả sử trong 3 tháng tới, tỷ giá tăng lên 0,25% thì tức là người ta đã có lợi hơn nhiều so với phần thiệt 0,25%/năm do lãi suất USD giảm đi.

“Tức là sau 3 tháng, người ta chỉ mất có 0,0625% lãi suất tiền gửi nhưng bù lại được 0,25% tăng giá đồng USD. Ngay cả sau khi bù đắp chi phí cơ hội 6%/4 = 1,5% lãi suất tiền gửi VND sau 3 tháng thì người gửi USD cũng chưa hẳn bị thiệt bởi những giao dịch USD của thị trường có thể vượt ra ngoài những giới hạn được kiểm soát của NHNN (tất nhiên sẽ có rủi ro)”, ông Tuấn phân tích.

Tại sao VND luôn bị mất giá?

Một giải pháp nữa, đó là thực hiện lãi suất âm như NHTW Châu Âu đang áp dụng mức 0,3%. Có nghĩa người gửi tiền phải trả phí cho ngân hàng để giữ tiền cho họ.

Liệu tình huống này có thể xảy ra ở Việt Nam không? Tôi không tin NHNN sẽ áp dụng chính sách đó, chỉ có Châu Âu mới áp dụng, nhưng các NHTM Châu Âu họ không tính lãi suất âm đối với khách hàng của họ.

Đó là chưa kể nếu có sự dịch chuyển từ USD thì cũng chưa chắc người ta dịch chuyển từ USD sang VND mà để đầu tư bất động sản, chứng khoán…  Do vậy, giải pháp này, nếu có chăng chỉ giảm bớt sức ép nắm giữ USD trên thị trường.

Còn một tình huống nữa, đó là quan hệ của nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước. Trước đây lãi suất ở Mỹ còn thấp, ở trong nước vẫn còn cao 0,75%, lúc đó rất nhiều người chuyển USD về Việt Nam gửi hộ. thậm chí họ vay ở ngân hàng nước ngoài chuyển về Việt Nam để hưởng chênh lệch lãi suất.

Bây giờ lãi suất của Mỹ tăng, Việt Nam giảm thì những người này không có động cơ chuyển thêm tiền về nữa, hoặc họ sẽ rút ra. Như vậy, lượng tiền gửi mới sẽ giảm đi. Lượng USD giảm đi càng tăng sức ép lên nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam.

Một yếu tố quan trọng, đó là, đối với nhà đầu tư, việc nắm giữ USD để đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình nhằm giảm thiểu rủi ro. Do vậy, ngay cả khi USD xuống mức lãi suất 0% thì họ vẫn nắm giữ. Hơn nữa, với những sản phẩm tài chính có suất sinh lời như USD thì việc nắm giữ để giảm thiếu rủi ro khi đầu tư là rất tốt.

“Có nghĩa NHNN đang sử dụng giải pháp tình thế mà chưa chắc đã mang lại hiệu quả. Trong khi giải pháp bền vững là duy trì lạm phát thấp so với các nước, nhưng hiện nay lạm phát các nước cũng thấp không thua gì chúng ta”, ông Tuấn nhận định.

Theo ông Tuấn, giải pháp căn cơ của Việt Nam  là nền sản xuất. Chừng nào nền sản xuất của chúng ta vẫn kém hiệu quả, năng suất của nền sản xuất của chúng ta không được cải thiện thì sức ép lên tỷ giá vẫn còn.

Tôi đang muốn nói đến một vấn đề, đó là tại sao mức giá của chúng ta luôn cao, VND luôn mất giá? Đó là vì tốc độ tăng cung tiền của chúng ta luôn cao hơn tốc độ tăng cầu tiền.

“Tốc độ tăng cầu tiền phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. tăng trưởng của chúng ta hạn chế cho nên tốc độ tăng cầu tiền cũng bị hạn chế đi. Nhưng tốc độ tăng cung tiền lớn hơn tốc độ tăng cầu tiền. trong tăng trưởng GDP chỉ có 6,2% thì tăng trưởng cung tiền hơn 10%. Thành ra tốc độ tăng cung tiền lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng cầu tiền nên tiền VND vẫn phải bị mất giá so với đồng tiền khác”, ông Tuấn phân tích.
 
>> Vật vã USD: Dân Việt lãnh cú sốc thế giới phẳng
>> Người gửi đôla xót xa khi lãi suất về 0%

Theo Trần Giang (BizLIVE.vn)