Kinh tế

Nga giáng đòn vào lệnh cấm vận dầu mỏ của phương Tây

Giá dầu thô Urals của Nga đã "vi phạm" mức giá trần do Nhóm G7 đặt ra, giáng một đòn mạnh vào các nỗ lực trừng phạt của phương Tây và được cho là một chiến thắng về kinh tế cho Moscow.

Dầu Nga vượt “lằn ranh đỏ” của G7

Đài CNN và CNBC đưa tin, trong những ngày vừa qua, giá dầu Urals của Nga đã vượt mức giá trần 60 USD/thùng do 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp đặt, lần đầu tiên kể từ khi phương Tây áp lệnh trần giá đối với dầu thô của Nga.

Nga giáng đòn vào lệnh cấm vận dầu mỏ của phương Tây
Giá dầu Urals của Nga đã vượt mức giá trần 60 USD/thùng do nhóm G7 áp đặt. Ảnh: AFP

Theo dữ liệu từ Công ty Argus Media, các lô dầu Urals dỡ từ các cảng Baltic và Biển Đen Novorossiysk lần lượt ở mức 62,22 USD/thùng và 63,22 USD/thùng hôm 13/7. Giá dầu Urals tăng bất chấp các lệnh cấm vận của phương Tây đối với thị trường năng lượng Nga và trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu có xu hướng giảm.

Bloomberg nhận định, đó là một bước thụt lùi đối với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ - những quốc gia đã tạo ra các chính sách nhằm giữ đủ lượng dầu cung cấp cho nền kinh tế toàn cầu để ngăn chặn cú sốc lạm phát song song với việc cố gắng cắt giảm lợi nhuận của Nga.

Chuyên gia Stanislav Mitrakhovich tại Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia, Nga giải thích thêm trên đài  Sputnik: “Điều này xảy ra do ngành công nghiệp của Nga và các đối tác đã thích nghi với hoàn cảnh mới. Họ đã tìm giải pháp giảm thiểu tối đa tác động từ lệnh cấm vận của phương Tây, như thiết lập hậu cần, trả cước vận chuyển và bảo hiểm. Với tất cả các điều kiện này, nhu cầu giảm giá lớn đã biến mất”.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, sản lượng dầu của Nga dự kiến duy trì ổn định. IEA lưu ý sản lượng dầu trong tháng 6 vẫn duy trì mức 9,45 triệu thùng/ngày do hoạt động của các nhà máy lọc dầu trong nước cao bù đắp lượng xuất khẩu giảm.

Chuyên gia Mitrakhovich cho biết, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm phần nào so với năm 2022 – thời điểm giá năng lượng tăng vọt – nhưng không phải do biện pháp áp trần giá của G7. Nguyên nhân chủ yếu là do lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Mặc dù Moscow đã tìm được thị trường thay thế các khách hàng EU, nhưng nước này vẫn cần thời gian để chuyển hướng dòng chảy dầu. Chuyên gia Nga nhấn mạnh một số nhà cung cấp phải trả phí cho các dịch vụ vận chuyển hàng hóa và bảo hiểm.

Theo ông Mitrakhovich, đó cũng là lý do tại sao giá dầu của Nga tại cảng của người nhận có thể cao hơn 60 USD/thùng do đã bao gồm chi phí vận chuyển, cước phí và dịch vụ trung gian.

Hiện tại, dầu của Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ. Trong khi đó, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukaine, thị phần của Moscow tại quốc gia Nam Á này chỉ chiếm chưa đến 2%.

Ấn Độ đã trở thành khách hàng mua dầu vận chuyển bằng đường biển lớn nhất của Nga, vượt qua cả Trung Quốc. Nhập khẩu dầu từ Nga sang Ấn Độ trong năm tài chính 2022 - 2023 tăng 14 lần từ 2,2 tỷ USD lên 31,02 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Nga vô hiệu hóa biện pháp trần giá của phương Tây?

Vào đầu tháng 12 năm ngoái, G7 đã thông qua biện pháp áp giá trần với dầu Nga nhằm siết nguồn thu dầu mỏ của Moscow, đồng thời đảm bảo ổn định nguồn cung dầu toàn cầu để ngăn chặn lạm phát. Song liệu biện pháp này có đạt hiệu quả không, khi lạm phát tại Mỹ và nhiều nước châu Âu vẫn chưa hoàn toàn hạ nhiệt, còn giá dầu của Nga lại tăng cao hơn mức giới hạn do G7 đặt ra?

Ông Mitrakhovich cho rằng: “Có thể thấy biện pháp áp trần giá dầu Nga không gây ra hậu quả thảm khốc nào đối với nền kinh tế Nga. Điều này có nghĩa là tỷ lệ lạm phát và phá giá nội tệ Nga không lớn. Chúng ta không chứng kiến tình trạng thất nghiệp tràn lan, cũng không phải áp đặt những hạn chế nghiêm trọng về công nghệ. Tình hình hiện này cho thấy các biện pháp trừng phạt Nga còn lâu mới đạt hiệu quả”.

Theo vị chuyên gia này, doanh thu từ dầu thô của Nga vẫn ở mức khá cao, dù đã giảm so với năm 2022. Nếu so sánh doanh thu từ dầu thô của Nga với năm 2020 hay 2021, lợi nhuận từ dầu mỏ trong năm 2022 cũng xấp xỉ mức đó.

Nga giáng đòn vào lệnh cấm vận dầu mỏ của phương Tây - 1
Khoảng cách giữa giá dầu Urals của Nga và dầu chuẩn dầu toàn cầu Brent được thu hẹp khá nhiều trong thời gian gần đây. Ảnh: AP

Đồng thời, ông Mitrakhovich nói rằng sự sụt giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga hiện tại sẽ không gây ra bất kỳ thiệt hại kinh tế nào đối với Moscow. Dẫn chứng cho điều này, ông đã đề cập đến khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga trong đại dịch Covid-19 khi nhu cầu dầu giảm trên toàn cầu, khiến giá năng lượng giảm.

Theo dữ liệu từ Công ty Argus Media, giá dầu thô Urals và dầu chuẩn dầu toàn cầu Brent, đã tăng lần lượt 23% và 10% trong 2 tuần qua. Khoảng cách giữa hai mức giá cũng đã được thu hẹp. Điều này cho thấy dầu của Nga giảm giá ít hơn.

Một thùng dầu thô Urals được giao dịch ở mức 38 USD vào ngày 20/3 - mức thấp nhất kể từ nổ ra chiến sự ở Ukraine. Cùng thời điển đó, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 71 USD/thùng. Tuy nhiên, đến ngày 13/7, một thùng dầu thô Urals được giao dịch ở mức gần 64 USD/thùng, được thu hẹp khác nhiều so với 81 USD/thùng của dầu Brent. Khoảng cách giữa hai mặt hàng dầu này đã giảm tới 48%.

Ông Richard Bronze, đồng sáng lập và trưởng bộ phận địa chính trị tại Energy Aspects khẳng định, khoảng cách của dầu thô Urals và dầu Brent nhỏ hơn đang chứng minh rằng, biện pháp trần giá của G7 “có tác động giảm dần đối với doanh thu từ dầu mỏ của Nga”.

Giới chuyên gia năng lượng đánh giá, biện pháp áp trần giá của phương Tây dường như không ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển dầu thô của Nga. Nhà phân tích dầu mỏ cấp cao Viktor Katona của Kpler cho biết, phần lớn dầu thô của Nga đang được bán cho các khách hàng tại Ấn Độ - những công ty vốn không mua bảo hiểm từ các nhà cung cấp phương Tây và chủ yếu do đội tàu của Nga vận chuyển.

Theo Nguyễn Phương (Kinh Tế & Đô Thị)




https://kinhtedothi.vn/nga-giang-don-vao-lenh-cam-van-dau-mo-cua-phuong-tay.html