Kinh tế

Nhà đầu tư tháo chạy, cổ phiếu 'họ Apec' sàn la liệt

Sau vụ khởi tố thao túng chứng khoán, nhà đầu tư tháo chạy khỏi “nhóm Apec”, lượng dư bán sàn lên tới cả chục triệu đơn vị.

Thông tin liên quan tới khởi tố vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS), CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) khiến nhà đầu tư quan tâm. 

Trong phiên 26/6, nhóm cổ phiếu APS, API, IDJ kích hoạt làn sóng bán tháo. Cổ phiếu APS giảm 9,79% xuống 12.900 đồng/cổ phiếu, dư bán sàn 12 triệu đơn vị. 

Mã API giảm 9,52% xuống 11.400 đồng/cổ phiếu, dư bán giá sàn 6 triệu đơn vị. Tương tự, IDJ giảm 9,85% xuống 11.900 đồng/cổ phiếu, dư bán gần 20 triệu đơn vị.

Đây là các cổ phiếu thuộc “họ APEC”, từng làm mưa gió trên thị trường chứng khoán trong năm 2021 với mức tăng lên tới cả chục lần. Tuy nhiên, các cổ phiếu này sau đó giảm sâu.

APS từ có giá quanh 5.000 đồng/cp bất ngờ bứt tốc tăng mạnh lên mức đỉnh lịch sử 59.900 đồng/cổ phiếu vào phiên 18/11/2021. API từng đạt mức đỉnh lịch sử 45.650 đồng/cp vào hồi tháng 11/2021. IDJ tăng mốc đỉnh 42.470 đồng/cp (phiên 18/11/2021). Tuy nhiên, các cổ phiếu này sau đó giảm sâu. 

Kể từ đầu tháng 4/2023, các cổ phiếu này tăng khá nhanh và về quanh ngưỡng 13.000-14.000 đồng/cp.

Nhà đầu tư tháo chạy, cổ phiếu 'họ Apec' sàn la liệt
Nhiều nhà đầu tư tháo chạy khỏi nhóm cổ phiếu nhiều rủi ro. (Ảnh: Hoàng Hà)

Liên quan tới vụ khởi tố, các công ty công bố thông tin cho rằng, không phải chủ thể có liên quan và/hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc thao túng thị trường chứng khoán. 

Sự việc này hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng dài hạn cũng như hoạt động bình thường của công ty. Đồng thời, không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với công ty.

Tin doanh nghiệp Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* TVSI: Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) quyết định đình chỉ hoạt động mua chứng khoán trên thị trường chứng khoán niêm yết và thị trường đăng ký giao dịch đối với CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

* HBC: Ông Dương Văn Hùng, Thành viên HĐQT độc lập CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình vừa có đơn từ nhiệm chức vụ ngày 26/6. Đơn từ nhiệm của ông Hùng sẽ được Đại hội đồng cổ đông ngày 27/6 xem xét .

* ACG: HĐQT CTCP Gỗ An Cường thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2/2022, tỷ lệ phát hành là 11%. Thời gian dự kiến phát hành trong quý II-III/2023.

* BAF: CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam quyết định miễn nhiệm chức vụ thành viên Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT đối với bà Nguyễn Thị Hường.

* TVC: Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022, CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt báo cáo lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm gần 683 tỷ đồng, mức lỗ này gần gấp đôi so với báo cáo tự lập.

Thông tin giao dịch

* EVF: Ông Lê Mạnh Linh, Thành viên HĐQT Công ty Tài chính cổ phần Điện lực đăng ký mua 1,5 triệu cổ phiếu EVF từ ngày 3/7 đến 1/8, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. 

* SD9: Ông Lê Hải Đoàn, Ủy viên HĐQT CTCP Sông Đà 9 đã mua vào hơn 566.000 cổ phiếu SD9 từ ngày 23/5 đến 21/6. Sau giao dịch, ông Đoàn sở hữu hơn 746.000 cổ phiếu, tỷ lệ 2,18%.

* KPF: Bà Trần Thị Hải Yến, cổ đông lớn của CTCP Đầu tư tài sản Koji đã bán ra 2,85 triệu cổ phiếu KPF trong ngày 21/6. Bà Yến còn nắm giữ hơn 625.000 cổ phiếu, tỷ lệ 1,03%.

* DAG: Công ty TNHH TM Dịch vụ Hùng Phát, cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu DAG từ ngày 29/6 đến 28/7 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. 

* LPB: Ông Nguyễn Quý Chiến, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đăng ký bán 345.000 cổ phiếu LPB từ ngày 30/6 đến 28/7 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Dự kiến nếu giao dịch thành công, ông Quý còn nắm giữ hơn 161.000 cổ phiếu.

VN-Index

Chốt phiên 26/6, VN-Index tăng 2,65 điểm (+0,23%), lên 1.132,03 điểm. HNX-Index giảm 0,52 điểm (-0,23%) xuống 231,01 điểm. UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,13%) xuống 85,6 điểm.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường có thể tiếp tục đà tăng. VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng kháng cự 1.135-1.145 điểm trong phiên kế tiếp. Rủi ro ngắn hạn có chiều hướng gia tăng. Đây là giai đoạn rất khó tìm kiếm lợi nhuận cao.

Theo Chứng khoán KB Việt Nam, trong kịch bản tích cực, VN-Index đang có nhiều cơ hội mở rộng đà tăng điểm và hướng lên vùng đích kỳ vọng kế tiếp quanh 1.14x điểm trước khi chịu áp lực điều chỉnh rõ nét hơn.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục áp dụng chiến lược trading quay vòng, nắm giữ một phần vị thế và kết hợp mua tại hỗ trợ - bán tại kháng cự theo từng mã riêng lẻ với phần vị thế còn lại.

Theo Ngọc Cương (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/nha-dau-tu-thao-chay-co-phieu-ho-apec-san-la-liet-2158685.html