Kinh tế

Những vụ thao túng chứng khoán đình đám khiến chủ tịch vướng lao lý

Nhiều cổ phiếu trong các vụ thao túng giá tăng giảm vài chục lần trong khoảng thời gian ngắn. Các doanh nghiệp liên quan làm ăn bết bát, thậm chí thua lỗ vẫn được tung hô trên mạng xã hội.

Thao túng tại nhóm cổ phiếu “họ APEC”

Ngày 28/6, Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 5 bị can về tội “Thao túng thị trường chứng”, trong đó có ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng Giám đốc CTCP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS); bà Huỳnh Thị Mai Dung (vợ ông Lăng) và ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch APS.

Đây là những nhân vật liên quan tới vụ án hình sự xảy ra tại 3 doanh nghiệp: CTCP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS), CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API) và CTCP đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ), thường được biết đến là “họ APEC”, liên quan tới hệ sinh thái APEC Group.

Ngày 23/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết đã nhận được thông báo từ Cơ quan an ninh điều tra - Công an Thành phố Hà Nội về Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại 3 công ty APS, API và IDJ.

Các cổ phiếu này từng làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán trong năm 2021 với mức tăng lên tới cả chục lần. Thông tin khởi tố khiến 3 cổ phiếu này giảm sàn mất 15% trong 3 phiên gần đây và đều về quanh ngưỡng 10.000 đồng/cp.

Thao túng tại nhóm Louis của Đỗ Thành Nhân

Vào ngày 9/12/2022, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch CTCP Chứng khoán Trí Việt - TVSC (TVB), về tội thao túng thị trường chứng khoán căn cứ theo Quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại CTCP Louis Holdings, CTCP Louis Capital (TGG), CTCP Louis Land (BII), CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) ngày 20/4.

Tháng 4/2022, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với: ông Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Louis Holdings), ông Đỗ Đức Nam (TGĐ Chứng khoán Trí Việt)… Các bị can đã dùng chiêu để thao túng giá cổ phiếu TGG, BII và các mã chứng khoán khác.

Trong năm 2021, khi thị trường sôi sục và tăng trưởng mạnh, hầu hết các cổ phiếu lớn nhỏ, tốt xấu đều tăng giá mạnh. Nhiều cổ phiếu tăng vọt một vài chục lần cho dù doanh nghiệp làm ăn bết bát. Nhóm cổ phiếu “họ Louis” nằm trong số đó.

Những vụ thao túng chứng khoán đình đám khiến chủ tịch vướng lao lý
Cơ quan chức năng xử phạt nhiều vụ thao túng chứng khoán. (Ảnh: TH)

Dòng Louis với hàng loạt mã tăng trần kéo dài và dồn dập các room “phím hàng”. Cổ phiếu TGG của CTCP Louis Capital tăng hàng chục lần từ mức 1.200 đồng hồi đầu năm 2021 lên trên 75.000 đồng/cp vào tháng 7/2021 sau khi đại gia buôn gạo Đỗ Thành Nhân và nhóm cổ đông liên quan đến Louis Holding thâu tóm Đầu tư và xây dựng Trường Giang (TGG) rồi đổi tên thành Louis Captial.

Mã BII (Louis Land) từ mức 1.000 đồng hồi tháng 7/2020 tăng vọt lên trên ngưỡng 34.000 đồng/cp vào 7/2021.

Một mã khác thuộc “họ Louis” là Chứng khoán APG (APG) tăng từ dưới 5.000 đồng/cp hồi tháng 7/2020 lên gần 22.000 đồng/cp hồi tháng 10/2021.

Những vụ thao túng chứng khoán đình đám khiến chủ tịch vướng lao lý - 1
Nhiều sếp công ty chứng khoán bị khởi tố vì thao túng chứng khoán

Vụ án Trịnh Văn Quyết

Ngày 29/3/2022, Bộ Công an thông tin về việc quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) để điều tra hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Ngày 25/8/2022, Bộ Công an đã khởi tố Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại CTCP Xây dụng FLC Faros và các công ty có liên quan.

Điều tra cho thấy, từ năm 2014 đến năm 2016 bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung còn có hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua việc: làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của CTCP Xây dựng Faros và khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. 

Trịnh Văn Quyết sau đó đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái) bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do Quyết nhờ dựng tên), thu được tổng cộng hơn 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Ngày 23/6, Bộ Công an khởi tố thêm 15 bị can giúp sức Trịnh Văn Quyết “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại CTCP Chứng khoán BOS, Tập đoàn FLC và các công ty liên quan.

Hồi tháng 8/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, FLC Faros đã tăng vốn khống từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng xảy ra tại ROS vào tháng 3/2016, trước khi niêm yết trên TTCK. 

“Họ FLC” gồm nhiều mã như: FLC, ROS, AMD, GAS, KLF...

Trong năm 2020, CTCP Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC (GAB) lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trên thị trường, vô địch 3 sàn với mức tăng giá trên 1.100%. Mức giá đầu năm 2020 là 16.250 đồng/cp nhưng tới cuối năm là 196.800 đồng/cp.

Ngày 27/6, thêm 2 cổ phiếu "họ FLC" bị hủy niêm yết là AMD và GAB.

Trước đó, HOSE đã quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với các thành viên trong “họ FLC” là FLC của CTCP Tập đoàn FLC, ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros và HAI của Công ty cổ phần Nông dược H.A.I.

Các cổ phiếu khác thuộc “họ FLC” là ART và KLF không được phép giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Vụ xử nặng nhất: Chung thân

Trong lịch sử hơn 2 thập kỷ trên thị trường, mức phạt nặng nhất về xử lý hình sự đến thời điểm hiện tại thuộc về Công ty MTM khi nguyên Chủ tịch Trần Hữu Tiệp bị xử tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết luận, Công ty MTM không có tài sản, không có hoạt động kinh doanh nhưng làm giả hồ sơ để đưa giao dịch UpCOM, làm giả hồ sơ đại hội cổ đông...

Các bị cáo sử dụng 59 tại khoản mua bán cổ phiếu MTM khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm nhằm tạo cung cầu giả tạo. Số tiền các bị cáo chiếm đoạt được từ nhà đầu tư là vài chục tỷ đồng.

Ngoài ra, các bị cáo khác tham gia thao túng chứng khoán trong vụ này cũng bị xử 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, tội giả tài liệu 4 năm tù...

Nhiều cá nhân thao túng chứng khoán bị xử phạt

Đầu tháng 6/2023, UBCK ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân bà Lê Thị Hải Bình (Hà Nội) với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng và cấm giao dịch 2 năm do có hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán.

Theo kết luận, trong khoảng thời gian từ ngày 22/8/2018 đến ngày 15/6/2021, bà Lê Thị Hải Bình đã sử dụng 46 tài khoản bao gồm 1 tài khoản của mình và 45 tài khoản của 34 nhà đầu tư để liên tục mua, bán cổ phiếu CTCP Chứng khoán APG (APG) nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu APG.

Mặc dù lập 46 tài khoản và thao túng chứng khoán, nhưng bà Bình được kết luận là không thu lợi. 

Tháng 11/2022, UBCK cũng đã xử phạt bà Vũ Thị Ngọc Ánh (Thái Nguyên) 550 triệu đồng do đã sử dụng 20 tài khoản để liên tục thực hiện giao dịch mua, bán cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á (DAH), tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu DAH. Bà Ánh cũng được xác nhận là không có số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Gần đây, ngày 13/4, UBCK xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đoàn Bá Hồng (Hải Dương) cũng bị phạt 550 triệu đồng do đã sử dụng 24 tài khoản để giao dịch tạo cung, cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu CTCP Xây dựng 1369 (C69). Kết quả kiểm tra, kết quả tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm của ông Đoàn Bá Hồng cho thấy không có số lợi bất hợp pháp.

Theo Mạnh Hà (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/nhung-vu-thao-tung-chung-khoan-dinh-dam-khien-chu-tich-vuong-lao-ly-2159394.html