Kinh tế

'Nước mắt người vay' sắp ngừng chảy: Chính thức cấm ngân hàng bán bảo hiểm theo kiểu 'bia kèm lạc'

Với 450/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, sáng 18/1, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, bổ sung quy định nghiêm cấm các tổ chức tín dụng gắn bán sản phẩm bảo hiểm với cung ứng dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Một trong những nội dung được dư luận quan tâm trong Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD (tại Điều 5, Điều 113). 

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật các TCTD theo hướng bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm như sau: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. 

Đồng thời, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.

Trước đó, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về nội dung này trên nghị trường. Nêu ý kiến góp ý về dự thảo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chiều 15/01, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng phải luật hóa để có chế tài xử lý nghiêm với hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng, ngân hàng ép người dân phải mua bảo hiểm khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng.

Ông Mai cũng dẫn ra những vi phạm như tư vấn không đầy đủ khiến khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng, hay phải mua bảo hiểm khi muốn vay vốn ngân hàng đã được các phương tiện truyền thông đưa rất nhiều.

'Nước mắt người vay' sắp ngừng chảy: Chính thức cấm ngân hàng bán bảo hiểm theo kiểu 'bia kèm lạc'
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông)

Một hình ảnh ấn tượng được đại biểu Phạm Văn Thịnh dẫn ra trường hợp một phụ nữ vì trả nợ phải đến ngân hàng thế chấp sổ đỏ để vay 300 triệu đồng, nhưng phải mua bảo hiểm nhân thọ hết 20 triệu đồng, nên chỉ còn cầm được 280 triệu đồng.

"Hình ảnh khách hàng bước ra khỏi ngân hàng mà hai hàng nước mắt chảy dài, khóc nấc đã thôi thúc tôi phải phát biểu lần nữa về nội dung này", ông Thịnh chia sẻ. Theo đại biểu, kết luận với 4 công ty bảo hiểm của Thanh tra Bộ Tài chính tháng 7.2023 cho thấy, tỷ lệ khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm sau năm đầu lên tới 70%, tức khách hàng chịu mất không số phí đã nộp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thậm chí cho rằng không nên cho phép ngân hàng liên kết bán bảo hiểm, do có quá nhiều hệ lụy đã xảy ra. Theo ông, thành lập công ty bảo hiểm phải có trụ sở để bảo vệ quyền lợi khách hàng, nhưng như khu vực ĐBSCL chỉ có 2 trụ sở công ty bảo hiểm. "Như tôi ở Đồng Tháp mà chỉ qua trụ sở công ty bảo hiểm ở tận Cần Thơ", ông Hòa bức xúc.

'Nước mắt người vay' sắp ngừng chảy: Chính thức cấm ngân hàng bán bảo hiểm theo kiểu 'bia kèm lạc' - 1
Hình ảnh minh họa: Bảo hiểm nhân thọ

Bán chéo bảo hiểm (bancas) qua ngân hàng "nở rộ" trong gần chục năm trở lại đây, đóng góp tới 40% doanh thu khai thác mới của ngành bảo hiểm tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ khi các nhà băng đẩy mạnh hợp tác với bảo hiểm và thu lời từ mảng kinh doanh này, nhiều sự việc tư vấn không chính xác, không đúng bản chất,... dẫn tới thua thiệt cho khách hàng liên tục được phản ánh trên truyền thông. 

Bên cạnh đó, để hoàn thành chỉ tiêu, có tình trạng nhân viên ngân hàng ép khách hàng phải mua các gói bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân vốn vay, giải ngân tiền vay thu trực tiếp tiền phí bảo hiểm năm đầu.

Trước nhiều phản ánh, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng, phối hợp với các ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nếu có, thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao tỉ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng. Ngoài ra việc chào bán, giải thích điều khoản, điều kiện của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng mua bảo hiểm của ngân hàng cũng phải tuân thủ quy định pháp luật, nhằm giúp khách hàng hiểu đúng và đủ quyền và lợi ích của mình cũng như các điều kiện, điều khoản thanh toán của bảo hiểm.

Ngày 02/11/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Trong đó, nội dung nổi bật là quy định về bán bảo hiểm qua ngân hàng. Cụ thể, tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải thực hiện theo quy định sau:

- Giải thích cho bên mua bảo hiểm các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm là sản phẩm bảo hiểm. Việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của tổ chức hoạt động đại lý;

- Có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu về hợp đồng bảo hiểm khai thác mới, doanh thu phí bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực do tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm thực hiện với doanh nghiệp bảo hiểm định kỳ hàng tháng;

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Theo Trọng Nghĩa (An Ninh Tiền Tệ)




https://antt.nguoiduatin.vn/nuoc-mat-nguoi-vay-sap-ngung-chay-chinh-thuc-cam-ngan-hang-ban-bao-hiem-theo-kieu-bia-kem-lac-8469.html