Kinh tế

Tăng giá điện, hàng hóa liệu có 'té nước theo mưa'?

Mức tăng giá điện thêm 3% kể từ ngày 4-5-2023 được cho là đã tính toán kỹ và ảnh hưởng không lớn đến giá cả hàng hóa nói chung, nhưng liệu yếu tố tâm lý có gây nên hiện tượng “té nước theo mưa”? Ngăn chặn giá hàng hóa tăng theo giá điện là một trong những việc phải làm.

Tăng giá điện là tất yếu

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), giá điện được giữ nguyên từ năm 2019 đến nay, nhưng giá nhiên vật liệu (than, khí), chi phí sản xuất điện đã tăng cao trong thời gian qua, khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị lỗ liên tiếp. Do đó, thời điểm này tăng giá điện là hợp lý. Ông Ngô Trí Long cũng cho rằng, mức tăng 3% đã được Bộ Công Thương cân nhắc kỹ. “Với mức tăng như hiện nay, để bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh, giá điện có thể tăng 10% so với hiện hành. Tuy nhiên, điện là mặt hàng nhạy cảm, tác động đến toàn bộ nền kinh tế, đời sống tiêu dùng. Việc Bộ Công Thương tăng 3% giá điện đã tính toán cân nhắc kỹ, tránh tạo cú sốc, tránh điều hành chính sách giật cục. Tăng 3% giá điện sẽ giúp EVN tăng doanh thu, bớt khó khăn dù vẫn thua lỗ” - vị chuyên gia cho hay.

Tăng giá điện, hàng hóa liệu có 'té nước theo mưa'?

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, giá điện tăng 3% là mức khiêm tốn, chưa bù đắp được đà tăng giá nguyên nhiên liệu trong thời gian qua. “Dù vậy, tăng giá điện sẽ tác động nhiều đến nền kinh tế, tác động đến người sản xuất, giá thành sản phẩm” - TS Lê Đăng Doanh nói. Về mặt tích cực, việc tăng giá điện cũng sẽ khiến các doanh nghiệp và hộ gia đình tiết kiệm điện. Cùng với đó, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió...

Nói về giải pháp kiềm chế tình trạng “té nước theo mưa” của giá cả hàng hóa, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, Nhà nước phải có chính sách tổng thể về bình ổn mặt bằng giá. Trước hết là yêu cầu tất cả doanh nghiệp đăng ký giá, kê khai giá phải báo cáo chi tiết giá thành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi giá điện tăng 3%, tránh tình trạng điện tăng thì doanh nghiệp cũng tăng giá thành sản phẩm tương ứng, thậm chí cao hơn. Đồng thời cần có giải pháp tránh lợi dụng việc tăng giá điện để lôi kéo các mặt hàng ở thị trường, chợ dân sinh, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô…

Đánh giá tác động tăng giá điện tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ông Nguyễn Xuân Nam - Phó tổng Giám đốc EVN cho hay, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá điện tăng thêm 5% làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,17%. Vì thế, với mức tăng giá 3%, tác động rất nhỏ tới CPI.

Khách hàng sẽ phải trả thêm tiền điện mỗi tháng

Theo Quyết định 1062 của Bộ Công Thương, từ ngày 4-5-2023, giá bán lẻ điện sẽ tăng trung bình 3%. Theo đó, giá điện bán lẻ cho sinh hoạt vẫn được chia làm 6 bậc. Trong đó, bậc 1 từ kWh 0 - 50kWh/tháng, giá bán lẻ là 1.728 đồng/kWh; bậc 2 từ kWh 50 - 100kWh/tháng, giá bán lẻ là 1.786 đồng/kWh; bậc 3 từ kWh thứ 101 - 200kWh/tháng, giá bán lẻ là 2.074 đồng/kWh; bậc 4 từ kWh thứ 201 - 300kWh/tháng, giá bán lẻ là 2.612 đồng/kWh; bậc 5 từ kWh thứ 301- 400kWh/tháng, giá bán lẻ là 2.919 đồng/kWh. Bậc 6 dành cho hộ dùng từ 401kWh điện/tháng trở lên, giá bán lẻ là 3.015 đồng/kWh.

Ông Võ Quang Lâm - Phó tổng Giám đốc EVN cho biết, với hộ tiêu thụ 50kWh/tháng, tiền điện tăng thêm mỗi tháng là 2.500 đồng/hộ. Cả nước có khoảng 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt tiêu dùng điện ở mức này. Tương tự, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 51 - 100kWh toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt). Hộ tiêu thụ 200kWh/tháng tăng thêm tiền là 11.100 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 101 - 200kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201 - 300 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt). Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301 - 400kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Với ngành sản xuất, giá bán điện được chia theo cấp điện áp và khung giờ thấp/cao điểm và bình thường. Theo đó, giá bán điện cao nhất vào khung giờ cao điểm là 3.171 đồng/ kWh, giờ bình thường là 1.738 đồng/kWh và thấp điểm là 1.133 đồng/kWh. Khối hành chính sự nghiệp có giá điện mới 1.690 - 1.940 đồng/kWh tùy khung giờ, cấp điện áp. Giá bán lẻ cho lĩnh vực kinh doanh có sự chênh lệch khá cao giữa giờ cao điểm, thấp điểm, tương ứng là 4.724 đồng/kWh và 1.402 đồng/kWh. Giá này chưa gồm thuế VAT. Sau thay đổi giá, ước tính hơn 1,82 triệu hộ khách hàng dùng điện sản xuất phải trả thêm 307.000 đồng/tháng. Khách hàng sử dụng điện kinh doanh trả thêm 141.000 đồng/tháng; hành chính sự nghiệp khoảng 40.000 đồng/tháng.

Tính toán tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh

Là khách hàng trực tiếp tiêu thụ điện, ông Trần Văn Nam - Chủ tịch Công ty CP thiết bị điện MBT cho hay, trung bình tiền điện của doanh nghiệp hết khoảng 200 triệu đồng/tháng. Mức tăng giá điện vừa qua dù thấp hơn dự báo và cũng hợp lý trong thời điểm này, nhưng doanh nghiệp vẫn phải tính toán lại các chi phí sản xuất, thiết bị cũ thì thay thế, sản xuất tránh vào khung giờ cao điểm.

Đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cho hay, muốn biết rõ tác động của việc tăng giá điện đến chi phí kinh doanh thì phải sau 1 - 2 tháng nữa, khi có hóa đơn điện thì khách hàng mới biết. Tuy nhiên, điện là nhiên liệu đầu vào phục vụ mọi ngành sản xuất, dịch vụ, thế nên giá điện tăng sẽ không loại trừ nhiều ngành hàng sẽ “bám theo” để tăng giá hàng hóa, tăng chi phí sản xuất. “Mỗi mặt hàng, mỗi khâu sản xuất, phân phối tăng một chút, nhưng đều được tính vào giá thành sản phẩm. Nhà bán lẻ phải cân nhắc để không tăng giá hàng hóa quá cao làm ảnh hưởng đến sức mua” - vị đại diện chia sẻ.

Ở góc độ người dân mua lẻ điện sinh hoạt, anh Nguyễn Bá Mạnh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: “Mùa hè gia đình nào cũng dùng nhiều điện. Cách tính giá điện bậc thang lũy tiến này vẫn khiến hóa đơn điện của mỗi gia đình tăng cao hơn dự kiến, nhất là khi thời tiết nắng nóng liên tục, gia đình sử dụng thiết bị làm mát nhiều, trẻ em nghỉ học ở nhà cả ngày… Chưa kể giá cả hàng hóa khác tăng theo giá điện. Do đó, tiết kiệm điện vẫn là giải pháp hàng đầu với mỗi gia đình”.

Khách hàng có thể theo dõi chỉ số điện hàng ngày

Để khách hàng chủ động theo dõi, kiểm soát lượng điện tiêu thụ có khả năng tăng cao trong mùa nắng nóng, EVN yêu cầu các đơn vị điện lực tăng cường cung cấp tới khách hàng tiện ích theo dõi chỉ số điện hàng ngày từ dữ liệu công tơ điện tử đo xa. Theo đó, khi chốt chỉ số công tơ theo từng kỳ, nếu sản lượng điện của khách hàng được hệ thống phần mềm ghi nhận tăng/giảm đột biến từ 30% trở lên so với tháng trước liền kề, nhân viên điện lực sẽ báo khách hàng và thực hiện phúc tra về chỉ số điện. EVN cũng chỉ đạo các đơn vị điện lực tăng cường cung cấp tới khách hàng các chức năng, tiện ích từ công tơ điện tử đọc dữ liệu từ xa. Cụ thể, dữ liệu từ công tơ điện tử sẽ được thu thập hàng ngày và đưa lên website CSKH/Ứng dụng CSKH… Qua đó, khách hàng có thể chủ động theo dõi chỉ số điện tiêu thụ hàng ngày một cách minh bạch, dễ dàng.

Đối với thông báo tiền điện, hóa đơn tiền điện, điện lực sẽ gửi thông tin đến khách hàng qua E-mail/Zalo/Ứng dụng CSKH để khách hàng xem được các thông tin điện năng sử dụng tháng trước và cùng kỳ năm trước. Qua đó, thấy được tính chu kỳ về lượng điện tiêu thụ tăng cao trong mùa nắng nóng. Các đơn vị điện lực cũng phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra giá bán lẻ điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà để ở theo hướng dẫn tại Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 28-8-2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường kiểm tra việc thực hiện giá bán lẻ điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà để ở.

Theo Hà Linh (An Ninh Thủ Đô)




https://www.anninhthudo.vn/tang-gia-dien-hang-hoa-lieu-co-te-nuoc-theo-mua-post539736.antd