Kinh tế

Xuất khẩu gạo tăng chưa từng có, vì sao doanh nghiệp vẫn báo lỗ?

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang bùng nổ nhờ nhu cầu trên thị trường tăng mạnh. Dù vậy, hàng loạt doanh nghiệp lớn lại báo cáo kết quả kinh doanh trái ngược...

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 3 triệu tấn tương đương hơn 1,5 tỷ USD. Kết quả trên tăng 44% về khối lượng và 55% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng ước đạt 526 USD/tấn, tăng 8%. Mức giá này giúp gạo Việt vượt Thái Lan vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới và cũng là mức cao nhất 2 năm qua.

Hiện, hầu hết các thị trường đều tăng mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam. Các doanh nghiệp nhận được hàng loạt đơn hàng lớn với giá trị cao. Điều đáng nói, trong thời điểm ngành gạo gặp "thiên thời", nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại báo lỗ.

Tập đoàn Lộc Trời (LTG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với doanh thu thuần đạt hơn 2.450 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Dù kinh doanh nhiều mảng, song gạo vẫn chiếm hơn 68% tổng doanh thu của doanh nghiệp này. Tuy vậy, trong kỳ giá vốn bán hàng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nên mảng gạo chỉ ghi nhận 9 tỷ đồng lãi gộp. Mức này thấp hơn một nửa so với ba tháng đầu năm 2022.

Đáng chú ý, chi phí tài chính của Lộc Trời quý đầu năm tăng gấp 2 lần lên 147 tỷ đồng cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh. Kết quả, Lộc Trời báo lỗ sau thuế lỗ hơn 80 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lợi nhuận 184 tỷ đồng, hay quý cuối năm ngoái vẫn lãi gần 209 tỷ đồng. Với kết quả này, Lộc Trời còn cách rất xa kế hoạch lợi nhuận sau thuế tối thiểu 400 tỷ đồng đề ra trong năm nay.

Xuất khẩu gạo tăng chưa từng có, vì sao doanh nghiệp vẫn báo lỗ?
Chi phí tài chính tăng mạnh đã bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Một doanh nghiệp lớn khác của ngành gạo là Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong quý đầu năm, nhờ thị trường xuất khẩu gạo sôi động giúp doanh thu của Vinafood 2 tăng tới hơn 65% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 4.170 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản chi phí tăng mạnh đã làm xói mòn lợi nhuận của “ông lớn” này. Cụ thể, chi phí lãi vay tăng 60,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí bán hàng tăng hơn 30 tỷ đồng.

Kết quả lợi nhuận trước thuế của Vinafood 2 trong quý đầu năm đạt xấp xỉ 5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tiếp tục lỗ 7,16 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hiện lỗ lũy kế của Vinafood 2 đến thời điểm này đã lên gần 2.800 tỷ đồng, tương đương 55,8% vốn điều lệ; vốn chủ sở hữu hiện còn hơn 2.450 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả, đặc biệt là nợ vay vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng khiến tình hình kinh doanh của Vinafood 2 dự báo còn nhiều thách thức trong bối cảnh lãi suất ở mức cao.

Tính đến đến ngày 31/3, nợ vay của Vinafood 2 đạt khoảng hơn 3.700 tỷ đồng, tăng gần 1.160 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 42,5% cơ cấu vốn. Trong đó gần như toàn bộ là nợ vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa qua, Vinafood 2 đặt mục tiêu đạt doanh thu 15.325 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 100 tỷ đồng. Với kết quả đạt được sau quý đầu năm, khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay còn nhiều thách thức.

Các doanh nghiệp lớn khác trong ngành như Tập đoàn PAN hay Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) không đến mức thua lỗ nhưng lợi nhuận cũng giảm mạnh. Trong đó, Trung An ghi nhận doanh thu giảm 6%, lãi sau thuế giảm đến 69%, về còn 8,5 tỷ đồng. Công ty lý giải nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay lớn, tăng gần 59% so với cùng kỳ.

Theo Dương Hưng (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/xuat-khau-gao-tang-chua-tung-co-vi-sao-doanh-nghiep-van-bao-lo-post1535462.tpo