Thế giới

CDC Mỹ: Miễn dịch của vaccine ngừa Covid-19 mạnh hơn miễn dịch sản sinh sau khi nhiễm bệnh

Tiêm chủng ngừa Covid-19 tạo ra miễn dịch mạnh hơn so với miễn dịch cơ thể người sản sinh sau khi mắc bệnh, theo nghiên cứu mới được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố.

CDC Mỹ: Miễn dịch của vaccine ngừa Covid-19 mạnh hơn miễn dịch sản sinh sau khi nhiễm bệnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho một người dân ở Boston (Mỹ) (Ảnh: Getty)

Nghiên cứu của CDC Mỹ được thực hiện đối với 7.000 nhập viện với triệu chứng giống Covid-19. Kết luận được đưa ra là những người chưa được tiêm chủng, nhưng từng mắc Covid-19, có khả năng tái nhiễm căn bệnh gấp năm lần so với những người đã được tiêm chủng đầy đủ nhưng chưa từng nhiễm bệnh.

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát người nhập viện với các triệu chứng giống Covid-19 tại 187 bệnh viện ở 9 bang của Mỹ từ tháng 01 tới 09/2021, giai đoạn nước này ghi nhận những ca nhiễm biến thể alpha và delta.

Các bệnh nhân được lựa chọn để nghiên cứu nếu họ từng nhiễm Covid-19 trước đó 3-6 tháng, hoặc đã được tiêm chủng đầy đủ bằng vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna trước đó 3-6 tháng.

Trong nghiên cứu, 6.328 bệnh nhân được tiêm chủng đầy đủ đã nhập viện với triệu chứng giống Covid-19, nhưng chỉ có 324 người dương tính với virus corona, chiếm 5,1%. Nhóm thứ hai gồm những người chưa được tiêm chủng nhưng từng mắc Covid-19. Có 1.020 người thuộc nhóm này nhập viện, trong đó có 89 người dương tính, chiếm 8,7%.

Cả hai vaccine của Pfizer và Moderna đều  tạo ra miễn dịch mạnh hơn miễn dịch sản sinh sau khi mắc bệnh. Khả năng bảo vệ của vaccine Moderna mạnh hơn so với vaccine của Pfizer, trùng khớp với một nghiên cứu trước đó của CDC Mỹ. Hiệu quả bảo vệ của vaccine ở người lớn từ 65 tuổi trở lên cũng cao hơn so với người từ 18-64 tuổi.

Việc đã từng nhiễm Covid-19 có thể tạo ra một lượng miễn dịch nhất định ngăn ngừa khả năng tái nhiễm, tuy vậy nghiên cứu kể trên cho thấy miễn dịch do vaccine sản sinh ra mạnh hơn.

"Chúng ta đã có thêm bằng chứng tái khẳng định tầm quan trọng của tiêm chủng ngừa Covid-19, ngay cả khi bạn từng mắc bệnh," giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky tuyên bố.

Giáo sư miễn dịch học Deepta Bhattacharya tại Đại học Arizona cho rằng rất khó để so sánh mức độ hiệu quả của miễn dịch do vaccine và miễn dịch do từng mắc bệnh.

"Tôi cho rằng có lẽ chúng ta đang không tranh luận đúng chủ đề. Lý do để tiêm chủng là mắc bệnh sẽ mang lại nguy cơ rất lớn cho sức khỏe, không phải là nó khiến bạn không có miễn dịch," ông nói.

Nghiên cứu trước đó cho thấy cái gọi là "miễn dịch lai", nghĩa là người đã nhiễm Covid-19 và sau đó tiêm vaccine, có khả năng bảo vệ rất hiệu quả trước virus corona, được đánh giá là một lý do quan trọng để những người từng mắc bệnh đi tiêm vaccine.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/cdc-my-mien-dich-cua-vaccine-ngua-covid-19-manh-hon-mien-dich-san-sinh-sau-khi-nhiem-benh-tintuc794351