Thế giới

Châu Âu ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm Covid-19 trong một tuần, WHO phát cảnh báo 'cực kỳ nghiêm trọng'

Châu Âu tuần qua ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm Covid-19, cao hơn đỉnh dịch hồi tháng 03, khiến các chuyên gia y tế phải đưa ra cảnh báo.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 17/09, giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hanks Kluge cảnh báo khu vực này đang đối mặt với "tình hình hết sức nghiêm trọng" và khuyến nghị giới chức y tế không rút ngắn thời gian cách ly.

Ông Kluge cho biết hơn một nửa các nước châu Âu đã số ca nhiễm Covid-19 tăng 10% trong hai tuần qua.

Đây là lần đầu tiên khu vực ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm chỉ trong một tuần, từ khi dịch bệnh bùng phát.

Châu Âu ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm Covid-19 trong một tuần, WHO phát cảnh báo 'cực kỳ nghiêm trọng'
Ông Hans Kluge

"Chúng ta đang phải đối mặt với một tình thế hết sức nghiêm trọng. Số ca nhiễm hàng tuần hiện đã lớn hơn mức cao nhất ghi nhận được khi dịch bệnh đạt đỉnh lần đầu ở châu Âu hồi tháng 03, cụ thể là hơn 300.000 bệnh nhân," ông Kluge nói.

"Hơn một nửa các nước châu Âu đã báo cáo số ca nhiễm tăng cao hơn 10% trong hai tuần qua, trong đó có bảy nước ghi nhận số ca nhiễm mới tăng gấp đôi vào thời gian trên," ông nói thêm.

Ông Kluge nhấn mạnh hiệu quả của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng tại các nước trong khu vực từ khi đại dịch bùng phát.

"Vào mùa Thu và đầu Hè, chúng ta đã thấy hiệu quả của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Những nỗ lực, những hy sinh của chúng ta đã được đền đáp. Số ca nhiễm trong tháng 06 giảm xuống mức thấp nhất. Tuy vậy, số ca nhiễm trong tháng 09 nên là lời cảnh báo cho tất cả chúng ta," ông cho hay.

Bên cạnh đó, ông Kluge nói thêm rằng dù số ca nhiễm tăng cao thể hiện công tác "xét nghiệm toàn diện hơn", đây cũng là điều cho thấy "lây nhiễm đang tăng đáng báo động trên toàn khu vực".

Bên cạnh đó, WHO cho biết sẽ không thay đổi đề nghị cách ly 14 ngày đối với những người đã tiếp xúc với người nhiễm virus, trong bối cảnh một số nước châu Âu rút ngắn thời gian cách ly.

"Khuyến nghịch cách ly 14 ngày được đưa ra dựa trên hiểu biết về thời gian ủ bệnh và sự lây truyền của căn bệnh. Chúng tôi sẽ chỉ thay đổi điều đó nếu kiến thức khoa học có thay đổi," Catherine Smallwood, quan chức cấp cao của WHO tại châu Âu nói.

Tại Anh và Ireland, những người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 phải cách ly 10 ngày, trong khi ở Pháp là 7 ngày.

Linh Giang (Nguoiduatin.vn)