Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Công bố kết quả thí nghiệm quan trọng mang lại hy vọng mới cho nỗ lực chế tạo vaccine Covid-19

Các nhà khoa học sau khi lây nhiễm chủng mới coronavirus cho khỉ đã phát hiện ra rằng những cá thể phục hồi đã tự sản sinh miễn dịch đối với Covid-19. Đây được đánh giá là bước tiến quan trọng trong nỗ lực chế tạo vaccine.

Tuy vậy, các nhà khoa học cũng cho biết loài khỉ có thể bị nhiễm bệnh qua mắt, đồng nghĩa với lo ngại rằng khẩu trang chưa chắc đã bảo vệ hoàn toàn được cho con người trước dịch bệnh này.

Các nhà khoa học trên Thế giới vẫn đang nỗ lực nghiên cứu và chế tạo vaccine chống Covid-19. Một số loại vaccine sẽ sớm được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trong tháng tới, theo SCMP.

Tuy vậy, việc ghi nhận một số ca nhiễm được xác định âm tính với virus và xuất viện, nhưng sau đó tái nhiễm trở lại đã gây ra hoài nghi về vaccine.

Tỷ lệ tái nhiễm, theo truyền thông Trung Quốc, rơi vào khoảng 0,1-1% trên phạm vi toàn quốc, tuy vậy ở một số nơi như Quảng Đông, tỷ lệ này có thể cao đột biến, lên tới 14%. Nếu thực sự những trường hợp này đều nhiễm bệnh trở lại, vaccine sẽ không có hiệu quả phòng bệnh như mong đợi.

Công bố kết quả thí nghiệm quan trọng mang lại hy vọng mới cho nỗ lực chế tạo vaccine Covid-19
Ảnh minh họa: AFP/Getty

Tuy vậy, thí nghiệm trên loài khỉ tại Viện Nghiên cứu Khoa học Y tế Trung Quốc có thể sẽ làm giảm lo ngại kể trên. Những nội dung chi tiết về thí nghiệm hiện vẫn đang chờ bình duyệt đã được đăng tải trên trang web bioRxiv.

Giáo sư Qin Chuan cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã lây nhiễm chủng mới coronavirus cho bốn cá thể khỉ rezut, và những cá thể này có dấu hiệu nhiễm bệnh sau đó ba ngày. Chúng bị sốt, khó thở, bỏ ăn, giảm cân.

Một trong những cá thể khỉ được trợ tử, và sau đó các nhà khoa học phát hiện virus đã lan ra toàn thân con vật, đồng thời có những dấu hiệu tổn thương phổi. Tuy vậy ba cá thể còn lại dần dần phục hồi, không còn triệu chứng.

Khoảng một tháng sau, thời điểm kết quả xét nghiệm virus đã là âm tính và ảnh chụp X-quang cho thấy nội tạng của các cá thể khỉ đã hoàn toàn phục hồi, hai cá thể tiếp tục được lây nhiễm virus qua miệng. Các nhà khoa học ghi nhận thân nhiệt của chúng tăng nhẹ, nhưng ngoài ra không có gì bất thường.

Tiến hành khám nghiệm trên hai cá thể khỉ sau đó khoảng nửa tháng, các nhà khoa học không ghi nhận dấu vết của virus. Trong khi đó, mức độ kháng thể rất cao được ghi nhận trên các cá thể này sau hai tuần, cho thấy hệ miễn dịch của chúng đã sẵn sàng chống lại virus.

Giáo sư Qin đánh giá kết quả ghi nhận trên "là bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu và sản xuất vaccine".

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng việc các bệnh nhân Covid-19 đã phục hồi cho kết quả xét nghiệm dương tính trở lại có thể là do nguyên nhân khác, không nhất thiết là bởi họ bị tái nhiễm.

"Hiện tượng này có thể gây ra bởi 'kết quả âm tính sai' trước khi bệnh nhân được xuất viện, hoặc các bệnh nhân chưa thực sự phục hồi, dù họ đã đủ tiêu chuẩn xuất viện," nhóm nghiên cứu đánh giá.

Công bố kết quả thí nghiệm quan trọng mang lại hy vọng mới cho nỗ lực chế tạo vaccine Covid-19 - 1
Nghiên cứu được đánh giá góp phần quan trọng trong việc phát triển vaccine (Ảnh minh họa)

Kết quả thí nghiệm trên khỉ phù hợp với những nhận định của một số y bác sĩ tiền tuyến trong cuộc chiến chống Covid-19. Giáo sư Zhong Nanshan, chuyên gia y tế hàng đầu của Trung Quốc, cho biết các nhà khoa học phát hiện mức độ kháng thể rất cao ở những bệnh nhân phục hồi, nghĩa là virus không thể xâm nhập và lấy họ làm vật chủ được nữa.

"Vấn đề ai cũng muốn biết lúc này là liệu những người tiếp xúc gần và người thân của bệnh nhân dương tính trở lại có thể nhiễm bệnh từ họ hay không. Cho đến lúc này tôi chưa thấy bằng chứng nào về hiện tượng đó," ông Zhong nói.

Tuy vậy, chính phủ Trung Quốc vẫn tiến hành những biện pháp thận trọng để tránh việc bệnh nhân dương tính trở lại lây nhiễm cho cộng đồng. Cụ thể từ ngày 05/03, các bệnh nhân phục hồi sau khi xuất viện sẽ phải cách ly tại các cơ sở thêm hai tuần.

Một bác sĩ làm việc tại bệnh viện điều trị Covid-19 ở Bắc Kinh đánh giá nghiên cứu của giáo sư Qin mang tới thông tin quan trọng, bởi khỉ là động vật gần gũi với người về mặt gene. Tuy vậy, "những gì diễn ra trên khỉ chưa chắc đã diễn ra trên cơ thể người".

Vị bác sĩ cũng cho biết ở Nhật Bản đã ghi nhận trường hợp một cụ ông 70 tuổi sau khi hồi phục đã phải nhập viện trở lại với triệu chứng sốt, khó thở giống như Covid-19. Trường hợp này khiến giới y tế hết sức lo ngại.

Trong một thí nghiệm khác trên ba cá thể khỉ, Qin và các cộng sự tìm thấy bằng chứng cho thấy virus có thể lây qua mắt.

Wang Guangfa, một chuyên gia y tế tại Bắc Kinh, đã nhiễm Covid-19 khi tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh tại Vũ Hán, dù đã đeo khẩu trang và các thiết bị bảo hộ. Wang cho rằng ông nhiễm virus qua mắt khi lấy tay quẹt mồ hôi trên trán, tuy vậy không có gì để chứng minh.

Qin cho biết nhóm của ông đã lây nhiễm cho khỉ qua mắt. Các nhà khoa học không phát hiện dấu vết của virus trên mắt khỉ, tuy vậy vài ngày sau chúng đều dương tính với virus.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng, nhóm nghiên cứu cho rằng virus có thể đã xuất hiện trên kết mạc mắt, sau đó di chuyển qua ống dẫn nước mắt tới họng khỉ. Thí nghiệm cũng cho thấy những cá thể bị lây nhiễm qua mắt có triệu chứng nhẹ hơn so với qua họng.

Các nhà khoa học đánh giá kết quả này cho thấy người dân cần ý thức hơn trong việc bảo vệ mắt khi tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, đặc biệt là đối với các y bác sĩ và nhân viên y tế.

Tố Linh (Nguoiduatin.vn)