Thế giới

Cuộc đấu giữa Trump và Putin qua ngôn ngữ cơ thể

Trump và Putin thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau nhưng vẫn có sự cạnh tranh quyền lực giữa hai người qua dáng diệu trong cuộc gặp thượng đỉnh.

Cuộc đấu giữa Trump và Putin qua ngôn ngữ cơ thể
Tổng thống Mỹ (trái) và Tổng thống Nga Putin gặp nhau tại Helsinki ngày 16/7.

Tổng thống Mỹ Trump ngày 16/7 gặp Tổng thống Nga Putin tại Phần Lan. Trước khi cuộc họp riêng kéo dài 90 phút bắt đầu, Putin và Trump có một cuộc trò chuyện ngắn trước mặt các phóng viên.

Putin đã đến muộn khoảng 40 phút, một số người suy đoán đây là hành động có dụng ý. "Putin không ngần ngại đến trễ", Seva Gunitsky, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto, cho biết. Putin thường được biết đến là sử dụng sự chậm trễ như một cách thể hiện quyền lực.

Ông từng đến muộn khi gặp Nữ hoàng Elizabeth II và Giáo hoàng Francis. Năm 2016, khi họp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông đến trễ hơn hai giờ so với lịch trình.

Ngay sau khi Trump và Putin bước vào phòng và ngồi vào ghế, Trump dường như đã nháy mắt với Putin và mời Putin nói trước. Ông sau đó gật đầu khi nghe lời dịch phát biểu của Putin. Trong khi Putin nói, Trump nhìn vào lãnh đạo Nga hoặc nhìn thẳng về phía trước, ông thỉnh thoảng giao tiếp ánh mắt với đối phương.

Trump (trái) dường như đã nháy mắt với Putin khi bắt đầu cuộc gặp. Video: Guardian.

Khi Trump nói, Putin nghiêng người về phía bên phải, khuỷu tay đặt trên tay vịn gần chiếc bàn nhỏ chia cách hai người. Putin có vẻ hào hứng khi Trump chúc mừng Nga đã tổ chức World Cup  thành công nhưng dường như thờ ơ khi Tổng thống Mỹ ca ngợi quan hệ hai bên, Mary Civiello, chuyên gia giao tiếp không lời tại New York, nhận xét, theo AP.

"Cả hai muốn lấn át đối phương. Họ tôn trọng lẫn nhau nhưng giữa họ vẫn có tính cạnh tranh", Civiello nói. "Trump cao to hơn nhưng khi bạn nhìn vào Putin, bạn sẽ nhớ đến câu thành ngữ "nhỏ mà có võ".

Các chuyên gia có quan điểm trái ngược về dáng ngồi ngả người tựa vào ghế, tay để lên thành ghế của Putin khi nghe Trump nói. Một số người cho rằng ông trông lãnh đạm và không hào hứng. Số khác đánh giá hành động này thể hiện sự thoải mái.

"Đây là một trận đấu ngang cơ", chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Lillian Glass đánh giá. "Putin tỏ ra thoải mái khi ngồi cạnh Trump. Ông ấy ngồi như vậy vì cả hai đều là những lãnh đạo mạnh mẽ như nhau".

Trump có thể thích sự thoải mái đó vì ông ấy thấy mình có sự tương đồng với Putin - một lãnh đạo mạnh mẽ có thể nói chuyện cứng rắn nhưng cũng có thể xây dựng mối quan hệ, Seva Gunitsky, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto bình luận.

Trump (trái) bắt tay Putin trước khi họp riêng. Video: ABC.

Nhận xét về cái bắt tay giữa hai người, Glass nói: "Họ nghiêng người về phía nhau, đó là một dấu hiệu tốt". Tuy nhiên, bà cho rằng Trump thể hiện rằng ông vẫn sẽ cứng rắn với Putin khi nhìn vào mắt đối phương.

Trong khi đó, Glass đánh giá Tổng thống Nga thể hiện sức mạnh không qua giao tiếp bằng ánh mắt mà bằng cái bắt tay. "Putin tránh giao tiếp bằng ánh mắt với Trump mà thay vào đó nhìn xuống cái bắt tay", bà nói. "Putin có vẻ đã bắt tay Trump rất chặt".

Một yếu tố khác mà người dùng Twitter để ý là tay trái của Putin giữ vào ghế. Họ nhắc lại việc Trump có thói quen giật tay, kéo đối phương về phía mình khi bắt tay.

"Có vẻ Putin lo ông ấy bị Trump kéo giật người giống như những cái bắt tay 'khét tiếng' trước đây", một người viết.

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)