Thế giới

Cuộc đời ly kỳ của bà trùm nghiệp đoàn tội phạm New York

“Suốt hơn 20 năm, bà ta thật sự là trung tâm của mạng lưới tội phạm hùng cứ New York. Không cần có các doanh nghiệp lớn, thị vẫn cung cấp đủ vốn cho vay ra thị trường. thị là một thứ chướng ngại vật mà hàng hóa ăn cắp sẽ được xử lý rốt ráo. nếu không có vỏ bọc tinh vi như thế, chắc chắn tội phạm không thể tung hoành được” - báo New York Times, số ra 24/7/1884.

“Bà chủ tiệm đáng kính”

Vào thời hoàng kim, trong suốt 2 thập niên 1870 và đầu thập niên 1880, “Trùm cản địa” Fredericka “Marm” Mandelbaum đóng đinh bản thân như là chủ cửa hàng đồ khô và kim chỉ tọa lạc trên phố Clinton ở Lower East Side; một góa phụ sau khi ông chồng Wolf tạ thế năm 1875, và là mẹ của 4 đứa con, một thành viên đáng kính của Điện thờ hội Thánh Rodeph Sholom.

Cuộc đời ly kỳ của bà trùm nghiệp đoàn tội phạm New York
Các thám tử tư của Pinkerton chuyên điều tra hoạt động tội phạm ở New York thời đó. Ảnh nguồn: Reddit.

Tuy nhiên suốt hơn 2 thập niên, Marm Mandelbaum là kẻ chuyên nhận đồ ăn cắp khét tiếng tại New York. Được biết đến trên khắp đất Mỹ, Canada và Mexico, người đàn bà này đứng đầu một nghiệp đoàn “giang hồ” rộng khắp, được hỗ trợ bởi một đội quân “hai ngón”, những thành phần trộm cắp, khua khoắng và nhập nha - những thành phần nhìn bà trùm với ánh mắt tôn thờ.

Robert Pinkerton, đồng giám đốc Cục thám tử quốc gia Pinkerton, bình luận: “Suốt 25 năm, Mandelbaum đã giữ vai trò thâu tóm hàng gian. Cái tên của mụ thu hút sự chú ý của hầu hết bọn trộm và giới thám tử Mỹ, hàng gian tuồn về từ mọi ngõ ngách các thành phố thông qua một mạng lưới tội phạm “hai ngón” tinh ranh và lọc lõi”. Mandelbaum cũng được hưởng lợi từ thực tế là tại thời điểm đó rất khó để theo dõi nếu không muốn nói là không thể theo dõi hàng hóa bị đánh cắp, đặc biệt là khi các thẻ hoặc nhãn hàng đã được gỡ bỏ một cách chuyên nghiệp. Ngay cả trong lần suýt bị cảnh sát sờ gáy thì Mandelbaum đã được bảo vệ bởi William Howe và Abraham Hummel từ hãng luật danh tiếng Howe & Hummel, những luật sư đại diện cho những tên sát nhân, trộm cắp và tội phạm đủ mọi thành phần.

Mandelbaum đã trả trước cho hãng luật này khoản tiền hàng năm là 5.000 USD (tương đương thị giá ngày nay là 136.500 USD) để giúp thị không phải “bóc lịch” cho đến khi bị tóm trong một chiến dịch nhức nhối vào năm 1884, chấm dứt vai trò “cản địa” của ả đàn bà tội lỗi. Người ngoài cuộc thường tán thưởng Marm Mandelbaum là nữ doanh nhân sắc sảo, thực vậy ả ta trở thành người giàu có như bất kỳ ai trên Đại lộ số 5. Người ta ước tính rằng trong suốt hơn 2 thập kỷ trị vì đế chế tội phạm New York (1862 - 1884), Mandelbaum đã mua bán số tài sản bị đánh cắp trị giá 10 triệu USD (tương đương ngày nay là 273 triệu USD) có khả năng thu lời về cho mụ ta số tài sản cá nhân nằm trong ngưỡng từ 500.000 USD đến 1 triệu USD (tương đương 13,6 triệu USD đến 27,3 triệu USD ngày nay).

Như cách nhận xét của ông George W. Walling (người từng làm giám đốc Sở cảnh sát New York, NYPD, từ năm 1874 đến năm 1885, và là một trong những người hâm mộ Mandelbaum) trong hồi ký của mình: “Bà ta có thể dễ dàng kiếm ăn và hưởng thụ cuộc sống sung túc bằng cách ngụy tạo vỏ bọc buôn bán đồ khô. Giao dịch hàng ngày với lũ trộm khiến tài sản Mandelbaum tăng vù vù….và rất dày  dạn trong chuyện kinh doanh với vai trò nhà môi giới chứng khoán giỏi nhất Phố Wall”.

Con người thật của trùm giang hồ

Mandelbaum giấu tài sản ăn cắp ở khắp nơi trên đất Mỹ, từ Manhattan, Brooklyn, Albany, New York, và sang cả Passaic, New Jersey. Việc Mandelbaum trở nên khét tiếng trong giới tội phạm New York xuất phát từ hoàn cảnh. Năm 1850, cô gái 25 tuổi Fredericka (Weisner) Mandelbaum cùng chồng Wolf Mandelbaum, đã đến New York. Cặp vợ chồng này nằm trong số 3 triệu dân di cư nói tiếng Đức đã thoát khỏi khó khăn kinh tế và quy định hạn chế của chính phủ khi đến Mỹ quốc những năm  1820 đến 1880, trong số đó ước tính có khoảng 150.000 người Do Thái. Nhiều người Đức gốc Do Thái và những người phi Do Thái đã chuyển đến New York, tại một nơi gọi là Kleindeutschland (Tiểu Đức), khu dân cư East Side. Ở New York, Mandelbaums ban đầu kiếm sống bằng nghề bán rong (vải vóc và đồ trang sức) và sinh hạ lần lượt 2 con gái, 2 con trai từ năm 1860 đến năm 1867.

Đến lúc đó, Fredericka đã dần dần biến mình thành “Marm”, dạy bọn trẻ lêu lổng nghề móc túi và khoắng đồ trong cửa hàng. Mandelbaum mua tất tần tật mọi thứ mà lũ trẻ đưa về cho thị, rồi lần lượt bán lại chúng cho các đại lý với giá cao hơn một chút. Đó là bước khởi đầu cho sự nghiệp “cản địa” của mụ. Năm 1862, lần đầu tiên, hoạt động tội phạm của Marm thu hút sự chú ý của NYPD. Trong các bản tin sau này, xuất thân Do Thái của Marm (Mandelbaum) thường được nêu bật lên; ông George Walling lưu ý rằng trong lúc vận chuyển hàng hóa, thị thường có xu hướng mặc cả. Với số tiền kiếm được, hai vợ chồng Marm đã thuê một tòa nhà trên phố Clinton gần ngay góc phố Rivington, nơi họ thành lập cửa hàng đồ khô và kim chỉ để sống cùng gia đình. Khoảng năm 1873, cặp vợ chồng này làm chủ toàn bộ tòa nhà. Việc làm ăn diễn ra thuận lợi, và ngôi nhà biến thành cái ổ chứa hàng gian một thời gian dài.

Tiếp đó, hai vợ chồng mua thêm những ngôi nhà khác để chứa đồ ăn cắp. Sau khi Wolf qua đời, Marm ngày càng thành đạt và tăng tốc độ tích trữ “chiến lợi phẩm” ở New York. Dân số ngày càng tăng và sự tăng trưởng các doanh nghiệp thương mại của New York, đặc biệt trong ngành công nghiệp dệt, đã tạo mảnh đất béo bở cho bọn trộm cướp. Marm đã nhìn thấy đó là một mỏ vàng, thị nuôi dưỡng một đội quân bất hảo (gồm cả nam và nữ). Đám người này không ngừng rinh về cho thị vô số món hàng “thó” được. Tên Michael Kurtz (biệt danh “Sheeney Mike”), thủ lĩnh băng móc túi khét tiếng người Hà Lan và cũng đồng thời là một cao thủ “nẫng” két sắt; hay Sophie Lyons “ả gian tặc khét tiếng mà nước Mỹ đã sản sinh”, chỉ 2 trong số hàng tá thành phần du thử du thực tìm đến Mandelbaum để được hỗ trợ và hướng dẫn. Đổi lại, thị chấp nhận đồ ăn cắp của đám người này.

Thị thường xuyên tổ chức tiệc tùng chiêu đãi đám lâu la những bữa ra trò, nhưng quan trọng nhất là cung cấp hỗ trợ tài chính và tiền chuộc bất kỳ khi nào thuộc hạ bị cảnh sát bắt giữ. Như một hồ sơ của báo New York Times chỉ ra vào tháng 7/1884 thì: “Nếu những nỗ lực của Mandelbaum phóng thích thuộc hạ thành công thì sau đó mụ ta sẽ đánh thuế gấp đôi lên những món hàng mà thuộc hạ đưa về”. Và đám đàn em không khi nào phàn nàn về yêu  sách này. Mandelbaum biết rất rõ giá trị của từng món hàng. Sau tất cả, Mandelbaum cực kỳ chuộng lụa (thứ vải nổi tiếng của thế kỷ 19 dùng để may áo và nịt ngực cho phụ nữ; nơ và khăn tay của nam giới) những thứ này có nhiều vô số tại nhà lụa ở New York. Trong danh sách đồ ăn trộm của Mandelbaum còn có những chiếc túi xách bằng da hải cẩu, đồ bạc và vàng, trang sức, ren, và những thứ hàng hóa quý giá khác, ngay cả ngựa và các cỗ xe ngựa.

Đội quân trộm vặt của Mandelbaum còn nhắm vào khua khoắng các hiệu bách hóa nổi tiếng New York như Lord & Taylor và A.T. Stewart, Mandelbaum đã mua lại từ chúng và bán cao hơn ở lần sau. Là người lọc lõi và thận trọng, Mandelbaum chỉ tin tưởng một vài cá nhân bao gồm cả con trai lớn của thị là Julius và trợ lý chính Hermann Stoude (hoặc tên khác là Herman Stout). Thông thường khi liên hệ một món đồ cần bán, Mandelbaum thường chuyển nó cho Stoude để định giá trước khi tiền trao tay. Trước khi hàng hóa bị đánh cắp được tái bán đi, Mandelbaum đã cẩn thận tìm mọi dấu hiệu của hàng để xóa bỏ nó: những dấu hiệu nhận dạng hoặc thẻ hàng hóa chẳng hạn. Mandelbaum làm vậy để tránh cảnh sát lần ra dấu vết, nó không dẫn họ đến chỗ ả và đồng phạm.

Nữ bị cáo xảo quyệt

Năm 1884, ông Peter Olney (luật sư quận mới được bổ nhiệm của New York, người đặt quyết tâm tiễu trừ tội phạm cũng như chống tham nhũng trong Sở cảnh sát New York (NYPD)) đã đáp lại lời cầu cứu của các thương nhân New York. Mục tiêu mà ông Olney nhắm vào không ai khác chính là Marm Mandelbaum. Olney biết tỏng rằng nếu giao việc đóng cửa kinh doanh của Mandelbaum cho các sĩ quan cảnh sát NYPD thì chả khác gì bứt dây động rừng; cảnh sát đã “đi đêm” với ả giang hồ suốt cả chục năm qua rồi. Thay vào đó Olney kêu gọi Robert Pinkerton và công ty thám tử của ông, nhằm nghĩ ra kế sách mật để gài bẫy ả cáo già. Họ mất tới 4 tháng để lập kế hoạch. Trước tiên, trong vòng 3 tuần, ông Pinkerton lấy tên giả là Gustave Frank và giả làm lái buôn lụa để mua và bán lụa. Đồng thời những dấu hiệu bí mật mà ngay cả Mandelbaum và bọn thuộc hạ cũng không thể nào ngờ tới, đã được đặt ở trên cuộn lụa, sản phẩm nhanh chóng bị lấy cắp.

Cuộc đời ly kỳ của bà trùm nghiệp đoàn tội phạm New York - 1
Chân dung bà trùm giang hồ ăn cắp vặt thành New York, Fredericka “Marm” Mandelbaum. Ảnh nguồn: Wikimedia Commons.

Đóng vai một thương nhân lươn lẹo tên là “Stein,” Frank đã xâm nhập vào bộ sậu tâm phúc của Mandelbaum để lấy lòng tin của thị. Trong giai đoạn 3 tháng, cuối cùng ả đã nhất trí bán lại cho Stein 10 mét lụa, một số cuộn lụa đã có ký hiệu mật trên đó. Khi Olney tự tin rằng mình đã có bằng chứng mạnh mẽ để chống lại bà trùm, Mandelbaum bị bắt giữ cùng với con trai Julius và gã trợ lý Stoude. Trong quá trình lục soát “sào huyệt” của thị, các thám tử Pinkerton đã tìm thấy một lượng lớn hàng gian được giấu tinh vi bao gồm rất nhiều lụa và trang sức.

Việc Mandelbaum bị tóm và ra tòa ở Tòa cảnh sát Harlem đã được đăng lên trang nhất của báo chí New York. Tờ Times thậm chí tuyên bố rằng “Nỗi ô nhục của vụ án này là chỉ có ở New York, hàng gian được bán công khai suốt nhiều năm như thể nó là một ngành công nghiệp hợp pháp. Việc làm ăn của bị cáo Mandelbaum oái oăm thay lại được pháp luật bảo vệ, hàng gian được cấu thành cổ phiếu trong hoạt động kinh doanh của bị cáo”.

Bị buộc tội giữ lụa ăn cắp, Mandelbaum đóng tiền bảo lãnh và được trả tự do. Và thị chắc mẩm Julius và Stoude cũng được phóng thích. Trở lại tòa án một tuần sau đó, Mandelbaum leo lẻo khẳng định mình vô tội. Các luật sư biện hộ cho ả tìm cách kéo dài quá trình tố tụng lên vài tháng bằng cách yêu cầu chuyển vụ án lên tòa cấp cao hơn, và đề nghị đã được phê chuẩn.

Vượt biên sang Canada

4/12/1884 cũng là ngày diễn ra phiên tòa cuối cùng, bỗng đâu Mandelbaum lặn mất tăm, mặc dù các thám tử của hãng Pinkerton đã giám sát nhà của thị suốt 24 giờ. Một ngày sau đó, các tờ báo kể rằng nghi phạm đã vượt biên giới Mỹ - Canada bằng tàu hỏa và đến Toronto với bộ áo khoác da hải cẩu hào nhoáng. Cả Julius và Stoude cũng đi cùng thị trong chuyến đó. Olney đã phạm phải sai lầm vì năm 1884, dạng tội phạm kiểu như Mandelbaum, con trai ả và người phụ tá không bị buộc tội để có thể dẫn độ. Olney cam chịu một sự thật là trừ phi Mandelbaum tự nguyện hồi hương, còn không ả sẽ không đối mặt với công lý tại phòng xử án New York. Chỉ vài ngày sau, bộ ba tái dọn tới thành phố Hamilton (bang Ontario, Canada) cách Toronto 42 đặm về hướng Tây Nam.

Hoạt động hoàn toàn độc lập, cảnh sát Hamilton đã xác định được những vị khách lạ và sau một thời gian khám xét, bộ ba đã bị bắt giữ vì tội danh đi lang thang cũng như mang kim cương ăn cắp vào Canada. Người chủ hiệu kim hoàn ở New York tuyên bố số kim cương đã bị lấy cắp từ cửa hiệu của mình và đích thân ông lên đường Hamilton để dự một phiên điều trần, nhưng bản thân ông ta cũng không thể xác định chính xác chúng là tài sản của mình. Vai ngày sau đó, bộ ba bất hảo được thả tự do; và thêm vài tuần sau nữa giới chức Canada trả lại số kim cương cho Mandelbaum sau khi thị đóng phí hải quan và các chi phí khác tổng cộng là 614 USD.

Sau đó Mandelbaum định cư ở Hamilton trong kiếp đời bình lặng hơn. Có thời gian bà ta mở một cửa hàng đồ khô quy mô nhỏ. Cũng có tin đồn rằng thị quay lại New York trong thập niên sau đó và theo dõi từ xa đám tang của người con út Anna. Sau một thời gian dài lâm bệnh, Mandelbaum chết ở Hamilton vào ngày 26/2/1894 ở tuổi 69. Cuộc đời của bà trùm được dựng thành vô số bộ phim và kịch nghệ ăn khách.

Theo Văn Chương (An Ninh Thế Giới)




https://sohuutritue.net.vn/cuoc-doi-ly-ky-cua-ba-trum-nghiep-doan-toi-pham-new-york-d200410.html