Thế giới

Cựu tổng thống Afghanistan nói gì với ngoại trưởng Mỹ trước khi bỏ trốn?

Cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã đáp máy bay tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) khi chính phủ do phương Tây ủng hộ của ông sụp đổ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tolo News, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông đã nói chuyện với cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani vào buổi tối trước khi nhà lãnh đạo này bỏ trốn khỏi đất nước.

Khi nhà báo Lotfullah Najafizada đặt câu hỏi: "Ông có giúp Tổng thống Ghani bỏ trốn khỏi đất nước không?", ông Blinken trả lời: "Những gì ông ấy (Ghani) nói với tôi trong cuộc trò chuyện đó là ông ấy chuẩn bị chiến đấu tới chết".

Nhưng ngày hôm sau, ông Ghani âm thầm lên máy bay rời khỏi Afghanistan, để thủ đô Kabul rơi vào tay Taliban ngày 15-8. Nhiều tướng lĩnh dưới quyền ông Ghani cũng không hay biết ông đã bỏ trốn.

Cựu tổng thống Afghanistan nói gì với ngoại trưởng Mỹ trước khi bỏ trốn?
Cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: The Hindustan Times

Cựu tổng thống này mô tả quyết định rời khỏi Kabul là điều khó khăn nhất trong cuộc đời mình nhưng cho rằng đây là cách duy nhất để tránh đổ máu. Ông Ghani cũng từ chối cáo buộc mang theo hàng triệu USD lúc bỏ trốn.

Ngày 8-9, ông Ghani đưa ra một tuyên bố xin lỗi người dân Afghanistan, đồng thời giải thích ông đã hành động "theo lời khuyên của bộ phận an ninh bảo vệ cung điện".

"Tôi nợ người dân Afghanistan một lời giải thích vì rời Kabul đột ngột vào ngày 15-8 sau khi Taliban bất ngờ tiến vào thành phố. Tôi rất tiếc vì nhiệm kỳ của mình kết thúc trong bi kịch tương tự những người tiền nhiệm của tôi mà không mang lại sự ổn định và thịnh vượng cho đất nước. Tôi xin lỗi người dân Afghanistan vì không thể làm cho mọi chuyện kết thúc theo một cách khác" - ông Ghani nói, một ngày sau khi Taliban thông báo thành lập "chính phủ mới".

Mỹ cho biết họ bày tỏ sự quan tâm về "chính phủ mới" của Taliban và sẽ phán xét phong trào này dựa trên hành động.

Trong khi đó, ông Blinken tại cuộc họp trực tuyến với đại diện 20 quốc gia khác - bao gồm các đồng minh châu Âu - có khả năng sẽ gây áp lực quốc tế để Taliban thực hiện những cam kết đưa ra trước đó.

Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/cuu-tong-thong-afghanistan-noi-gi-voi-ngoai-truong-my-truoc-khi-bo-tron-20210909124607498.htm