Thế giới

Huyện gây tranh cãi với quy định phạt tiền hành vi ngồi xổm khi ăn và không dọn nhà

Chính quyền một huyện ở Trung Quốc đã đưa ra quy định phạt tiền mới đối với những người dân có hành vi thiếu văn minh hoặc không hoàn thành công việc nhà cơ bản làm dấy lên làn sóng phẫn nộ về quyền tự do cá nhân.

Tờ SCMP đưa tin, mới đây huyện Phổ Cách ở tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Nam Trung Quốc đã ra quy định sẽ phạt 10 nhân dân tệ (khoảng 34.000 đồng) đối với những người không dọn giường hoặc để bát đĩa chưa rửa. Ngoài ra chính quyền còn bổ sung hình phạt 20 nhân dân tệ (khoảng 68.000 đồng) đối với bất cứ ai có hành vi ngồi xổm khi ăn.

Huyện gây tranh cãi với quy định phạt tiền hành vi ngồi xổm khi ăn và không dọn nhà
Các quan chức địa phương ở một huyện của Trung Quốc đã quyết định phạt những người không dọn giường, có thói quen ăn uống không tốt và không rửa bát nhằm dọn dẹp khu vực này. Ảnh: SCMP tổng hợp/Shutterstock

Chính sách mới có tiêu đề “Tiêu chuẩn môi trường sống văn minh ở nông thôn mới", nhằm mục đích nâng cao điều kiện sống của người định cư và nêu chi tiết 14 loại hành vi có thể bị phạt tiền.

Những khoản khác bao gồm mức phạt 5 nhân dân tệ (khoảng 17.000 đồng) nếu cơ quan chức năng phát hiện mạng nhện trong nhà hay ngoài trời; phạt 10 nhân dân tệ nếu phòng khách bừa bộn hoặc không được lau dọn...Các quy định cho thấy, những người vi phạm sẽ bị phạt ở mức tối thiếu là 3 nhân dân tệ (10.000 đồng) hoặc tối đa 10 nhân dân tệ tùy theo mức độ vi phạm. Thông báo cũng quy định mức phạt sẽ tăng gấp đôi nếu tái phạm.

Chia sẻ trên tờ The Paper, phó chủ tịch huyện cho biết các mức phạt mới vẫn đang được soạn thảo, nhưng mục tiêu nhắm đến là giải quyết vấn đề phổ biến về “điều kiện sinh sống bẩn thỉu, bừa bộn và mất trật tự” ở địa phương.

"Khi bạn đến thăm nhà một người nông dân, điều kiện ở đây thường rất khó chấp nhận. Nhà cửa bẩn thỉu và bừa bộn, mạng nhện, người ngồi ăn uống trên mặt đất, có rất nhiều muỗi và chó mèo ở gần", phó chủ thịc huyện chia sẻ.

Huyện gây tranh cãi với quy định phạt tiền hành vi ngồi xổm khi ăn và không dọn nhà - 1
Các quan chức địa phương cho biết chính sách này được đưa ra nhằm xóa bỏ lối sống mất vệ sinh của người dân địa phương. Ảnh: Các quan chức địa phương cho biết chính sách hà khắc này được thiết kế để xóa bỏ điều kiện sống mất vệ sinh. Ảnh: Shutterstock

Vị này cũng cho biết thêm: “Thành thật mà nói, tiền phạt khó có thể giải quyết hiệu quả những vấn đề này, nhưng chúng tôi vẫn áp dụng hình thức phạt tiền như một biện pháp răn đe”. Lãnh đạo huyện nói thêm rằng chính quyền có kế hoạch sử dụng tiền phạt thu được cho cộng đồng.

“Ví dụ, nếu một hộ gia đình bị phạt 3 nhân dân tệ, chúng tôi sẽ dùng số tiền đó để mua chổi cho họ. Nếu phạt 10 tệ, chúng tôi sẽ mua chậu cho họ. Mục tiêu của chúng tôi là thay đổi những thói quen không tốt này, đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn” , ông cho hay.

Một nhân viên ủy ban huyện cho biết điều kiện sống tồi tàn làm trầm trọng thêm sự lây lan của dịch bệnh và huyện Phổ Cách không phải là nơi đầu tiên áp dụng các khoản phạt như vậy.

Tương tự như Phổ Cách, Lương Sơn Dịch à một trong những huyện nghèo khó nhất Trung Quốc cũng ở Tứ Xuyên thường là chủ đề được bàn luận về sự thành công của các chương trình xóa đói giảm nghèo thuộc Trung Quốc.

Huyện gây tranh cãi với quy định phạt tiền hành vi ngồi xổm khi ăn và không dọn nhà - 2
Hình phạt đưa ra khiến dư luận chia làm 2 luồng ý kiến trong đó nhiều người cho rằng đây là cách duy nhất để thay đổi phong tục tập quán không tốt. Ảnh: Shutterstock

Tuy nhiên, sự việc vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội đại lục. Một số người coi việc giám sát như vậy là sự vượt quá quyền lực của chính phủ.

“Chính quyền địa phương dường như đang can thiệp vào mọi khía cạnh của cuộc sống người dân, thậm chí còn kiểm tra xem họ đã dọn giường hay chưa”, một cư dân mạng bình luận.

Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng các hình phạt cũng là biện pháp hữu hiệu để biến những làng quê nghèo trở nên hồi sinh và cách thức tốt nhằm xóa đói giảm nghèo.

"Bất kỳ ai đến Lương Sơn Dịch đều có thể thấy những yêu cầu như vậy là khá hợp lý. Làm việc ở vùng sâu vùng xa vẫn khó khăn hơn rất nhiều so với những gì mọi người tưởng tượng", một cư dân mạng đồng tình.

"Ở một số nơi nghèo khó, việc thay đổi phong tục tập quán cần phải có sự tác động từ bên ngoài. Trừ hình thức phạt bằng tiền có lẽ sẽ không còn biện pháp nào hiệu quả hơn đâu", cư dân mạng khác chia sẻ.

QT (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/huyen-gay-tranh-cai-voi-quy-dinh-phat-tien-hanh-vi-ngoi-xom-khi-an-va-khong-don-nha-d200123.html