Thế giới

'Kỷ nguyên mới' của Trung Quốc sau ĐH 19: Tham vọng và mạnh mẽ

Đại hội đảng khóa 19 vừa diễn ra tại Bắc Kinh là tiếng nói đầy tham vọng giới tinh hoa chính trị Trung Quốc rằng nước này đã sẵn sàng để trở thành lãnh đạo mới của thế giới.

Trong một tuần lễ bầu trời Bắc Kinh xanh trong, các câu lạc bộ đêm bị đóng cửa, Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 diễn ra trong sự dõi theo của cả thế giới để chờ đợi tầm nhìn mới về Trung Quốc trong 5 năm tới. Bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Tập Cận Bình, dài 3 tiếng 23 phút, đã vẽ ra viễn cảnh Trung Quốc không chỉ 5 năm mà là 30 năm tới, không phải quãng thời gian của một nhiệm kỳ mà là cả "kỷ nguyên" mới.

"Kỷ nguyên mới" là cụm từ được nhắc đến 36 lần trong bài phát biểu dài 68 trang (bản tiếng Trung) của ông Tập. Với sức mạnh kinh tế đang lên, kỷ nguyên mới của Trung Quốc cũng đồng thời là một kỷ nguyên thay đổi của thế giới.

'Kỷ nguyên mới' của Trung Quốc sau ĐH 19: Tham vọng và mạnh mẽ
Tổng bí thư đảng, Chủ tịch Tập Cận Bình đọc bản báo cáo dài hơn 60 trang trước gần 2.300 đại biểu của Đại hội đảng khóa 19.

Bỏ mục tiêu GDP, tập trung chất lượng tăng trưởng

Mục tiêu tăng trưởng GDP hoàn toàn vắng bóng trong bài phát biểu dài của Chủ tịch Tập.

Đã qua rồi thời lãnh đạo Trung Quốc gọi nước họ là nước nghèo và mục tiêu xóa đói giảm nghèo trở thành ưu tiên phát triển quan trọng nhất, ông Tập đã bỏ qua mục tiêu tăng trưởng GDP ngay cả cho năm 2021, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc hay năm 2035, thời hạn nước này hướng đến "hiện đại hóa cơ bản".

Trong buổi họp báo một ngày sau đại hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Tiểu ban lãnh đạo Tài chính Trung ương Trung Quốc Dương Vĩ Dân thừa nhận Chủ tịch Tập đã cố tình bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP khỏi bài phát biểu. "Tăng trưởng của Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn tốc độ cao sang giai đoạn chất lượng cao. Vấn đề cần chú trọng nhất là gì? Đó là chất lượng tăng trưởng".

Dù vậy, ông Dương không nói rõ liệu Trung Quốc có từ bỏ việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP mỗi năm hay không.

Theo bài phát biểu ngày 18/10 của Chủ tịch Tập, "kỷ nguyên mới" của Trung Quốc bao gồm việc đối đầu với những thách thức "giữa sự phát triển không cân bằng và thiếu bền vững với nhu cầu không ngừng gia tăng của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn".

Ông Tập cũng hứa sẽ xây dựng một "Trung Quốc tươi đẹp với môi trường trong sạch, các công ty công nghệ cao và một chính phủ thích ứng". Đảng Cộng sản cần "đáp ứng nhu cầu về môi trường luôn gia tăng của người dân", ông nói. "Người Trung Quốc sẽ sống với hạnh phúc và sự giàu có to lớn hơn".

Ông Tập thừa nhận rằng hạnh phúc không chỉ nằm ở vật chất và hứa rằng đảng sẽ giải quyết ô nhiễm nguồn không khí, nguồn nước và đất, những vấn đề đã đeo bám Trung Quốc nhiều năm qua.

'Kỷ nguyên mới' của Trung Quốc sau ĐH 19: Tham vọng và mạnh mẽ - 1
Trung Quốc vừa trải qua giai đoạn tăng trưởng thần tốc và đang đối mặt với những thách thức mới như chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường.

Việc đưa hàng trăm triệu người dân Trung Quốc thoát đói nghèo trong vài thập niên qua là di sản của những cải cách do nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Về phần Tập, di sản của ông sẽ phụ thuộc vào việc tạo dựng phát triển bền vững trên đà tăng trưởng đang chững lại hay không, và khắc phục những hậu quả của một thời gian tăng trưởng quá "nóng" như ô nhiễm môi trường, bất bình đẳng giàu nghèo,... hay không.

Kỷ nguyên của Trung Quốc mạnh mẽ

Washington Post so sánh thông điệp về lòng tự hào và tinh thần chấn hưng dân tộc mà ông Tập gửi đến trong bài phát biểu với bộ phim Chiến lang 2 của Ngô Kinh. Bộ phim kết thúc bằng hình ảnh một quyển hộ chiếu Trung Quốc và dòng chữ "Tổ quốc luôn đứng sau lưng bạn" đã gây nên cơn sốt phòng vé tại mùa hè năm nay ở Trung Quốc. Trong Chiến lang 2, quân đội Trung Quốc đã giải cứu công dân của mình ở một đất nước không tên tại châu Phi. 

Tầm nhìn của Chủ tịch Tập cũng là đất nước Trung Quốc với ảnh hưởng không chỉ khu vực mà toàn thế giới. Trong suốt bài phát biểu của mình, ông Tập đã 26 lần miêu tả Trung Quốc bằng những từ như "siêu cường" hoặc "cường quốc". 

Theo lộ trình do ông Tập vạch ra, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia "tương đối thịnh vượng". Ông dự đoán vào năm 2050, đất nước sẽ "tự hào sánh vai với các quốc gia trên thế giới" và "trở thành cường quốc dẫn đầu". Kế hoạch đạt được tham vọng này bao gồm việc xây dựng quân đội "đẳng cấp thế giới", đủ sức chiến đấu và thắng các cuộc chiến tranh.

"Không ai được trông đợi Trung Quốc nuốt vào bất cứ điều gì làm hạ thấp lợi ích của họ", ông Tập nói trước gần 2.300 đại biểu ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Trong một thế giới nơi nước Mỹ đang dần rút lui, chủ tịch Trung Quốc đã đặt đất nước trở thành người lãnh đạo mới bằng việc khẳng định họ sẽ là "một nước lớn và có trách nhiệm". Điều này hoàn toàn khác biệt với 3 thập niên trước, khi Trung Quốc vật lộn "mở cửa" nhằm thoát nghèo, khi các nhà cải cách của nước này nhất nhất tuân thủ câu nói của ông Đặng, "im lặng chờ thời, hãy làm việc của mình".

'Kỷ nguyên mới' của Trung Quốc sau ĐH 19: Tham vọng và mạnh mẽ - 2
Đã qua rồi thời đại Trung Quốc chỉ ghé mắt nhìn ra bên ngoài và không can thiệp nhiều vào tình hình thế giới.

Người ta có thể tìm thấy sự cắt nghĩa chính thức cho các phát biểu của ông Tập trong bài xã luận đăng trên Tân Hoa xã: "Vào năm 2050, 2 thế kỷ sau cuộc chiến tranh nha phiến, vốn đẩy Trung Quốc vào một giai đoạn đau đớn và ô nhục, Trung Quốc sẽ lấy lại sức mạnh và trở lại đỉnh cao của thế giới".

Sự trở lại của ý thức hệ

Trung Quốc vài thập kỷ qua là "điều thần kỳ kinh tế" của châu Á và Bắc Kinh đã bắt đầu sử dụng sức mạnh kinh tế để tạo dựng ảnh hưởng ở khắp nơi. Dù vậy, thông điệp ông Tập truyền tải trong bản báo cáo trước đại hội của mình còn là "tiền không phải tất cả những gì chúng tôi có". Thay vào đó, ông tìm kiếm một hệ thống ý thức hệ có thể làm nền tảng cho "Giấc mơ Trung Quốc" và trở thành khuôn mẫu để các nước học tập.

'Kỷ nguyên mới' của Trung Quốc sau ĐH 19: Tham vọng và mạnh mẽ - 3
Ông Tập hy vọng sự thịnh vượng của Trung Quốc có thể trở thành một mô hình thay thế mô hình phương Tây.

Guardian lưu ý rằng để nắm bắt được sự thay đổi đường lối này, người ta phải truy ngược về lịch sử tư tưởng của các lãnh đạo Trung Quốc. Mao Trạch Đông quan niệm rằng ý tưởng có thể làm thay đổi thế giới.

Sau Cách mạng Văn hóa, những người sống sót qua cuộc bể dâu đã trở nên thực dụng hơn, cụ thể là Đặng Tiểu Bình với quan điểm nổi tiếng “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn sao bắt được chuột”. Đến thời cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, ông đưa ra thuyết “Ba Đại diện”, trong đó đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho tất cả các nhóm xã hội, kể cả các chủ doanh nghiệp. Thuyết “Quan điểm Phát triển Khoa học” của Hồ Cẩm Đào, dù luôn khó cắt nghĩa, về cơ bản cũng là một cách tiếp cận mang tính kỹ trị, nỗ lực kiểm soát các lực lượng mâu thuẫn bằng cách quản lý tốt hơn.

Ông Tập đã mang sức nặng trở lại cho ý thức hệ với "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới". Thứ nhất, nó nhắc nhở thế giới rằng người Trung Quốc đã vượt qua đói nghèo và đang hướng đến những nhu cầu không chỉ là vật chất. Thứ hai, nó đòi hỏi một vị thế cao hơn cho Trung Quốc, chấn hưng đất nước và vươn tới "Giấc mơ Trung Quốc".

"Nền văn minh Trung Hoa của chúng ta sẽ tỏa sáng chói lọi và huy hoàng", ông tuyên bố. 

Trong báo cáo đọc trong ngày khai mạc Đại hội đảng, ông Tập nhấn mạnh nhu cầu "trang bị lý thuyết cho chính mình" cũng như "khẩn trương phát triển triết học và khoa học xã hội mang đặc tính Trung Hoa" nhằm phục vụ mục tiêu vươn đến một "kỷ nguyên mới" cho Trung Quốc.

Chủ tịch Tập, trong lúc nói rõ rằng Trung Quốc từ chối sao chép các giá trị phương Tây, cho rằng chính họ có thể trở mô hình mới cho các nước muốn phát triển. "Nó đem lại lựa chọn mới cho các đất nước và quốc gia muốn đẩy mạnh tăng trưởng nhưng vẫn giữ được sự độc lập", ông nói.

Báo chí phương Tây nhận định sự có mặt của ông Vương Hỗ Ninh, một lý thuyết gia tên tuổi, trong Thường vụ Bộ Chính trị cho thấy ông Tập muốn có một người chịu trách nhiệm về ý thức hệ để bổ trợ cho chương trình cải cách của mình.

Kỷ nguyên mới, nhân sự mới

Với những đường hướng mới như trên, Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa mới chứng kiến những gương mặt mới, những người hẳn sẽ không bao giờ có mặt tại vị trí này vào thời điểm cách đây 1 thập niên.

10 năm trước, trong lúc đất nước đang vật lộn để đi theo con đường công nghiệp hóa, 8/9 lãnh đạo cấp cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc xuất thân là kỹ sư hoặc khoa học tự nhiên. Trong khi đó, South China Morning Post cho biết trong 7 gương mặt vừa đắc cử hoặc tái đắc cử vào Thường vụ, không ai từng là kỹ sư hoặc nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên trước khi tham gia chính trường.

Chủ tịch Tập Cận Bình học ngành kỹ sư hóa tại Đại học Thanh Hoa, nhưng ông bước thẳng vào chính quyền sau khi tốt nghiệp và lấy bằng cao học về lý thuyết Marx và giáo dục chính trị. Trong các uỷ viên còn lại, 2 người học giáo dục chính trị và những người khác học về quản lý, triết học, chính trị học hoặc luật.

'Kỷ nguyên mới' của Trung Quốc sau ĐH 19: Tham vọng và mạnh mẽ - 4
Thường vụ Bộ Chính trị mới của Trung Quốc ra mắt.

Kinh nghiệm học tập của họ cũng rất khác nhau. Vào năm 1992, khi Uông Dương, người hiện là phó thủ tướng, lấy được tấm bằng đầu tiên về quản lý tại trường đảng thì Vương Hỗ Ninh đã trở thành trưởng bộ môn Chính trị Quốc tế tại Đại học Phúc Đán danh giá. Ông Uông xuất thân là một công nhân trong nhà máy chế biến thức ăn và lúc đó đang là một thị trưởng ở tỉnh An Huy.

Các lãnh đạo trong thời Mao Trạch Đông phần lớn là nông dân và quân đội. Sự trỗi dậy của giáo dục bậc cao đã kéo theo một lứa chính trị gia - nhà kỹ trị. Để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, các trường kỹ sư được chú trọng trong khi những ngành học về nhân văn bị cắt giảm. Từ năm 1997 - 2007, tất cả ủy viên Thường vụ đều là người học về máy móc, kỹ thuật.

Trong khi đó, Thường vụ khóa mới bao gồm những người sinh ra trong thập niên 1950 và bước vào đại học lúc Cách mạng Văn hóa đã kết thúc. 

"Giáo dục bậc cao có ảnh hưởng đến cách điều hành của họ", South China Morning Post dẫn lời Tao Yu, một nhà chính trị học - xã hội học ở Đại học Western Australia. "Những lãnh đạo có học đại học thường làm tốt việc đọc dữ liệu và phân tích vấn đề hơn. Họ rất khác với những nhà cách mạng từng điều hành Trung Quốc".

Hai ủy viên mới của Thường vụ Bộ chính trị, Lật Chiến Thư và Vương Hỗ Ninh là người có nhiều hiểu biết về chính sách quốc tế, phù hợp để tham vấn ông Tập trong quá trình hoạch định một chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn. 

Sự xuất hiện của Ủy viên Quốc vụ viện, nhà ngoại giao kỳ cựu Dương Khiết Trì trong Bộ Chính trị cũng cho thấy công tác đối ngoại sẽ được đẩy mạnh trong thời gian sắp tới. Ông Dương là gương mặt quen thuộc và có ảnh hưởng lớn đến chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ, Ấn Độ cùng nhiều nước khác.

"Mao (Trạch Đông) đã lập nên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đặng (Tiểu Bình) mang lại sự giàu có và giờ đây Tập (Cận Bình) đem đến quyền lực", CNN dẫn lời Frank Ching, một chuyên gia và nhà bình luận chính trị Trung Quốc sống tại Hong Kong.

Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)