Thế giới

Lầu Năm Góc chỉ trích Trung Quốc đưa phi cơ đến đá Chữ Thập

Ngày 7/1, Mỹ bày tỏ quan ngại sau khi Trung Quốc tiến hành các chuyến bay thử tại đường băng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thời gian gần đây.

Ngày 7/1, Mỹ bày tỏ quan ngại sau khi Trung Quốc tiến hành các chuyến bay thử tại đường băng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thời gian gần đây.

"Những hành động làm gia tăng căng thẳng cũng như tìm cách quân sự hóa của bất cứ quốc gia nào sẽ chỉ gây thêm bất ổn trên Biển Đông", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Cook từ chối trả lời báo giới về hành động của quân đội Mỹ trước động thái mới nhất của Bắc Kinh. Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tìm giải pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp trên biển.
 

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook. Ảnh: Defense.gov

Trong một diễn biến liên quan, phe Cộng hoà trong Quốc hội Mỹ mới đây đề xuất tăng sức mạnh cho hải quân nước này trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông tăng cao. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan chỉ trích rằng các đề xuất của chính quyền Tổng thống Barack Obama làm suy yếu Hải quân Mỹ.

"Chúng ta không cần một tổng thống đưa ra đề xuất giảm số lượng tàu chiến bằng mức trước thời Thế chiến I. Điều này có nghĩa rằng chúng ta cần có một lực lượng quân sự và hải quân hùng mạnh, một chính sách đối ngoại thực sự, thứ chúng ta đang không có", Reuters dẫn lời ông Ryan phát biểu trong buổi họp báo hôm 7/1.

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Marco Rubio đồng tình với lời kêu gọi của ông Ryan và tuyên bố nếu đắc cử, ông sẽ đưa chiến hạm Mỹ đến Biển Đông, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

"Chúng ta cần tiếp thêm sức mạnh liên minh quân sự Thái Bình Dương và điều đó bắt đầu bằng việc đầu tư các nguồn lực cần thiết để xây dựng lại Hải quân Mỹ", thượng nghị sĩ Rubio trả lời Fox Business Network. Tuy nhiên, cả Ryan và Rubio đều không nói sẽ đầu tư các nguồn lực cho hải quân như thế nào.

Trung Quốc hôm 6/1 thực hiện hai chuyến bay thử tại đường băng xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chỉ 4 ngày sau lần thử đầu tiên hôm 2/1.

Trong tuyên bố chính thức, Tân Hoa Xã xác nhận việc máy bay hạ cánh diễn ra sáng 6/1 nhưng không đề cập tới các mục đích khác của chuyến bay. Các máy bay cất cánh từ sân bay ở Hải Khẩu, đảo Hải Nam, cách đá Chữ Thập khoảng 1.000 km, rồi quay trở về. Thời gian mỗi lượt bay là hai giờ.

Đường băng trên đá Chữ Thập dài 3.000 m. Đây là một trong 3 đường băng Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các đá và rạn san hô chiếm đóng của Việt Nam.

Phản ứng trước việc Trung Quốc đáp máy bay xuống đá Chữ Thập, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngày 7/1 tiếp tục phản đối hành động của Bắc Kinh xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

"Một lần nữa Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố.

Ông Bình nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp.

Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế.

Cũng trong ngày 7/1, đại diện Bộ Ngoại giao đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trao công hàm phản đối.
 
>> Trung Quốc phải chấm dứt bay ra Trường Sa
>> Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt điều máy bay ra đá Chữ Thập
>> Máy bay Trung Quốc điều ra đá Chữ Thập là phi cơ dân sự cỡ lớn
 
Theo Hải Anh - Hoàng Anh (Zing.vn)