Thế giới

Người Thái trưng cầu dân ý hiến pháp mới sau đảo chính

Người Thái bỏ phiếu trưng cầu dân ý trong ngày hôm nay về bản hiến pháp do lực lượng quân đội đưa ra kể từ sau đảo chính năm 2014.

 

Người Thái bỏ phiếu trưng cầu dân ý trong ngày hôm nay về bản hiến pháp do lực lượng quân đội đưa ra kể từ sau đảo chính năm 2014.

Một cảnh sát đứng coi giữa lúc các tình nguyện viên kiểm tra hòm phiếu. Ảnh: Reuters
 
Bản hiến pháp mới dự kiến sẽ mở đường cho tổng tuyển cử vào năm tới nhưng sẽ buộc Thái Lan phải vận hành theo điều kiện do lực lượng quân đội đưa ra.

Theo Reuters, cuộc trưng cầu dân ý là phép thử lớn đầu tiên của hội đồng quân sự do Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người đã đàn áp một loạt các hoạt động chính trị trong suốt hai năm kể từ khi ông đảo chính vào 2014.

Các thăm dò dư luận cho thấy bản hiến pháp mới có thể được thông qua với tỉ lệ sát sao. Nhưng phần lớn các cử tri hiện vẫn phân vân chưa quyết định là sẽ bỏ phiếu thế nào. 

Có khoảng 50 triệu người là cử tri hợp lệ và Uỷ ban Bầu cử Thái Lan ước tính có khaongr 80% cử tri đi bỏ phiếu. Kết quả sơ bộ dự kiến sẽ có vào lúc 8:00 giờ tối giờ địa phương. 

Tướng Prayuth đã tuyên bố ông sẽ không từ chức nếu người Thái bác bản hiến pháp. Ông cũng nói cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào năm tới bất chấp kết quả cuộc trưng cầu dân ý diễn ra thế nào. "Chúng ta cần tổng tuyển cử vào 2017 vì đó là lời hứa chúng ta đã đưa ra. Không có bản hiến pháp nào làm hài lòng 100% mọi người," ông nói.  

Quân đội Thái Lan trong vòng 10 năm đã hai lần đảo chính để lật đổ gia đình Shinawatra cầm quyền, dẫn tới cuộc khủng hoảng liên tục trong chính trường nước này. Giới phân tích nói bản hiến pháp mới nhằm loại trừ hoàn toàn chính quyền của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra và nền chính trị dân tuý do ông này theo đuổi. 

Dù thủ tướng bị lật đổ Thaksin đang sống lưu vong ở nước ngoài, ông vẫn có ảnh hưởng lớn ở chính trường Thái, đặc biệt là ở vùng phía Bắc của nước này. 

Ông Thaksin đã chỉ trích bản hiến pháp mới là "điên rồ" và nói nó sẽ duy trì quyền lực của chính quyền quân đội và khiến việc điều hành Thái Lan là không thể. 

Kể từ năm 1932, khi quân đội Thái loại bỏ hoàn toàn nền quân chủ chuyên chế ở nước này, đây là bản hiến pháp thứ 20. Theo bản hiến pháp này, Thượng viện sẽ có một loạt các vị trí do các tướng lĩnh quân đội giữ và có quyền kiểm soát quyền lực của các nghị sĩ do dân bầu. 

Ở thành phố Khon Kaen ở phía Đông Bắc, một cựu lãnh đạo phe "áo đỏ" thân Thaksin nói phe quân đội đã chiến thắng bất kể kết quả trưng cầu dân ý diễn ra thế nào. 

"Một số người đã chán nản," Sabina Shah nói. "Chán nản vì bất kể lá phiếu thế nào thì hội đồng quân sự sẽ tiếp tục kiểm soát ở đây." 
 

Theo ANh Nguyễn (Zing.vn)